Chúng tôi đến xã Động Đạt vừa lúc các chị trong Ban Chấp hành Phụ nữ xã Hội đang trao đổi về việc chuẩn bị triển khai đợt phát động mô hình phụ nữ tiết kiệm chè mới. Chị Hoàng Thị Thanh Đôi, Chủ tịch Hội giới thiệu: Mô hình này được triển khai từ năm 2008 và đã kết thúc đợt 1 vào năm 2010. Mô hình được thực hiện ở Chi hội xóm Cây Thị với số hội viên tham gia ban đầu chỉ có 5 chị, qua quá trình thực hiện các hội viên thấy được ý nghĩa của việc làm này nên đã có thêm 6 chị tham gia, nâng tổng số hội viên tham gia lên 11 chị. Hình thức tham gia là, cứ vào ngày sinh hoạt chi hội (18 hằng tháng) các hội viên lại đóng góp 2kg chè khô (đã được quy đổi ra tiền theo giá thị trường) gom góp lại với nhau để giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi tháng luân phiên giúp đỡ 1 hội viên khó khăn hơn sẽ được ưu tiên. Năm 2009, các hội viên lại thống nhất tăng số chè tiết kiệm từ 2kg lên 5kg/tháng để giúp chị em được nhiều hơn. Kết quả sau 3 năm, chi hội đã tiết kiệm được 180kg chè, giúp đỡ 16 hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Đợt này, dự kiến mô hình sẽ được thực hiện từ ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3) và tổng kết vào dịp diễn ra Đại hội Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp tới. Đây mới chỉ là một trong nhiều mô hình đầy ý nghĩa được Hội Phụ nữ xã triển khai thực hiện nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Hội Phụ nữ xã Động Đạt có gần 1.300 hội viên sinh hoạt ở 25 chi hội. Với đặc thù là một xã trung du miền núi, nguồn thu chủ yếu của người dân chỉ trông vào cây chè và cây lúa nước. Do vậy, đời sống còn nhiều khó khăn, năm 2010 toàn xã có 395 hộ nghèo, trong đó chủ hộ là hội viên phụ nữ là 186 hộ, chiếm 52,3%. Khó khăn là vậy, song các hội viên phụ nữ ở đây vẫn luôn tích cực giúp đỡ lẫn nhau nâng cao đời sống, nhất là đối với những chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, từ khi tỉnh ta phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thì các mô hình, phong trào tiết kiệm để giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn lại càng trở thành hoạt động được đông đảo hội viên tham gia. Dựa vào đặc thù của từng xóm, bản mà Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã xây dựng mô hình tiết kiệm sao cho phù hợp như: Chi hội Đá Vôi, Tân Lập… có diện tích cấy lúa nhiều thì xây dựng hũ gạo tiết kiệm, hòm thóc tiết kiệm; chị em ở Chi hội Cây Thị chủ yếu là làm chè nên Hội xây dựng mô hình tiết kiệm chè, đối với các chi hội có các hộ sản xuất kinh doanh Hội lại xây dựng mô hình ống tiền tiết kiệm… Trong các mô hình này thì “ống tiền tiết kiệm” là mô hình được nhiều chi hội tham gia nhất. Mô hình bắt đầu thực hiện từ năm 2009, đến năm 2010 đã có 9 chi hội tham gia là: Ao Sen, Cây Thị, Đá Vôi, Cộng Hòa… với tổng số tiền tiết kiệm được trong 2 năm là 2 triệu đồng. Mô hình hũ gạo tiết kiệm cũng có 7 chi hội tham gia và tiết kiệm được 201kg gạo; mô hình hòm thóc tiết kiệm cũng gom góp được 1 tấn thóc... Số tiền, thóc, gạo và chè tiết kiệm được đều được dùng để giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn ổn định tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống. Qua các mô hình đã có gần 50 hội viên có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ, trong đó mô hình hũ gạo tiết kiệm giúp đỡ được 15 hội viên, phụ nữ tiết kiệm chè giúp đỡ 16 hội viên, hòm thóc tiết kiệm giúp đỡ 12 hội viên, ống tiền tiết kiệm giúp đỡ được 5 hội viên. Tuy số tiền không nhiều nhưng “một miếng khi đói” ấy thật có ý nghĩa biết bao. Chị Phạm Thị Oanh, xóm Cây Thị cho biết: Gia đình tôi có 5 người, chồng là thương binh mảnh đạn vẫn còn nằm ở vai, mỗi khi trái nắng trở trời lại lên cơn đau nhức nhối. Bản thân tôi cũng đau ốm liên miên, con gái cả lại bị bệnh tim, 2 cháu còn lại thì đang tuổi ăn tuổi học nên mãi không thoát được cảnh nghèo. Nhờ mô hình tiết kiệm chè của Chi hội phụ nữ xóm, tôi đã được giúp đỡ 500 nghìn đồng để đầu tư cho sản xuất. Khác nhau về hoàn cảnh nhưng chị Vũ Thị Huệ cũng có cùng cảm xúc với chị Oanh, chị Huệ tâm sự: Chị Vũ Thị Huệ, xóm Cây Thị tâm sự: Năm 2008, chồng tôi bị tai nạn một mình gánh nặng cơm áo và hai đứa con thơ đè cả lên vai. Trong lúc nỗi đau về tinh thần đang giằng xé, cái đói luôn cận kề, tôi gần như tuyệt vòng thì được chị em trong Chi hội Phụ nữ xóm đến động viên tinh thần và giúp đỡ tôi liền 3 tháng mỗi tháng 300 nghìn đồng. Từ số tiền này, tôi đã mua phân bón để chăm sóc 7 sào lúa của gia đình. Đến năm 2009 gia đình tôi đã thoát nghèo. Sự giúp đỡ này không chỉ là chia sẻ khó khăn với nhau về kinh tế, mà điều quan trọng là sự quan tâm, đùm bọc lẫn nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn để giúp nhau vượt lên hoàn cảnh, tình cảm đó mới thật đáng trân trọng…