Cập nhật: Thứ hai 12/05/2014 - 10:51
Tham gia hình thức tiết kiệm xoay vòng tại chi hội, chị Nguyễn Thị Đoán, ở tổ dân phố Giữa, thị trấn Hương Sơn đã có điều kiện để mua 1 bò cái trị giá 12 triệu đồng.
Tham gia hình thức tiết kiệm xoay vòng tại chi hội, chị Nguyễn Thị Đoán, ở tổ dân phố Giữa, thị trấn Hương Sơn đã có điều kiện để mua 1 bò cái trị giá 12 triệu đồng.

Mặc dù số tiền mỗi hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Phú Bình dành ra hằng tháng để tiết kiệm không nhiều nhưng qua 1 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 158/KH-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN về tiết kiệm tại chi/tổ đã giúp cho hàng nghìn lượt hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, ổn định đời sống. Tính đến nay, số tiền mà toàn Hội tiết kiệm được đã lên tới trên 13 tỷ đồng…

Đồng chí Nông Thị Tít, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Bình cho biết: Kế hoạch bắt đầu được Huyện hội triển khai đến cơ sở từ đầu năm 2013. Thông qua việc tiết kiệm sẽ giúp hội viên hình thành thói quen tiết kiệm và phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng; phát huy nội lực, tạo lập nguồn vốn chủ động của hội viên để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020…

 

Theo Kế hoạch, đối với hội viên sinh hoạt tại các xã, phường, thị trấn, mức tiết kiệm tối thiểu là 5 nghìn đồng/người/tháng; nơi có điều kiện thuận lợi có thể tiết kiệm 10 nghìn đồng/người/tháng trở lên. Có 4 loại hình tiết kiệm mà Hội LHPN các cấp có thể lựa chọn để hội viên tham gia từ 1-2, thậm chí là cả 3-4 hình thức, bao gồm: tiết kiệm tại các chi hội phụ nữ, tiết kiệm thông qua các tổ phụ nữ tiết kiệm; tiết kiệm trong các tổ góp vốn quay vòng và tiết kiệm thuộc các chương trình, dự án tín dụng của Hội và Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH).

 

Việc vận động, sử dụng và quản lý nguồn tiết kiệm được thực hiện tại chi hội hoặc tổ phụ nữ theo phương thức tự quản. Số tiền tiết kiệm được sẽ được dùng để cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất không được cao hơn lãi suất cho vay hộ nghèo của Ngân hàng CSXH cùng thời điểm. Và trên thực tế, phần lớn các chi/tổ của huyện Phú Bình cho hội viên vay đều không tính lãi.

 

Do việc huy động tiết kiệm này mang nhiều ý nghĩa thiết thực, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của hội viên nên ngay từ đầu đã thu hút được một lượng lớn hội viên tham gia. Căn cứ theo khả năng của đại đa số các hội viên, Huyện hội đã đưa ra mức huy động tiết kiệm tối thiếu là 10 nghìn đồng/hội viên/tháng và đã nhận được sự thống nhất cao của 100% cơ sở hội xã, thị trấn và cả 318/318 chi hội đều đã tổ chức triển khai thực hiện. Nhiều chi hội căn cứ vào tình hình thực tế của hội viên đã huy động được mức tiết kiệm cao hơn mức quy định chung của Huyện hội từ 3-5 lần.

 

Trong số 4 hình thức này, tiết kiệm tại các chi hội và tiết kiệm trong các tổ góp vốn quay vòng (mà người dân gọi nôm na là "chơi phường") được các hội viên lựa chọn nhiều nhất. Các hội viên có thể tiết kiệm, cho nhau vay bằng tiền, thóc hoặc vàng. Tính đến cuối tháng 3-2014, tức là sau 1 năm triển khai Kế hoạch tiết kiệm, trong tổng số trên 29 nghìn hội viên toàn Huyện hội đã có gần 80% hội viên tham gia, nhiều người đã tham gia ở cả 2-3 hình thức, với tổng số tiền tiết kiệm lên tới trên 13 tỷ đồng, qua đó đã giúp cho 2.631 lượt hội viên được vay vốn phát triển kinh tế, vượt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao 200%. Trong đó, hình thức tiết kiệm "chơi phường" nhận được sự hưởng ứng của 270 chi/tổ, thu hút 13.304 thành viên tham gia, với số tiền hơn 8 tỷ đồng. Những xã làm tốt công tác này phải kể đến là: Đồng Liên, Hà Châu, Dương Thành, Đào Xá, Tân Đức, Thượng Đình, thị trấn Hương Sơn…

 

Chị Nguyễn Thị Đoán, hội viên Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Giữa là một trong số hơn 1 nghìn hội viên của thị trấn Hương Sơn đã tham gia và được hưởng lợi từ chương trình tiết kiệm tại tổ góp vốn xoay vòng. Tuy là hộ có hoàn cảnh khó khăn nhưng thời gian qua, tháng nào chị Đoán cũng có ý thức dành tiền tiết kiệm để "chơi phường" cùng các hội viên. Chị Đoán bảo, việc tiết kiệm này không những giúp chị em trong tổ thêm đoàn kết, gắn bó mà đó còn là hình thức giúp đỡ lẫn nhau những lúc khó khăn. Chị “khoe” năm 2013, chị được lấy phường 9,5 triệu đồng. Cộng với khoản tiết kiệm của gia đình, vợ chồng chị đã mua được một con bò cái giá 12 triệu đồng. Sau hơn 1 năm nuôi, chị vừa xuất bán một con bê được 13,2 triệu đồng và chỉ hơn tháng nữa, con bò này sẽ đẻ lần 2. Vợ chồng chị rất phấn khởi vì từ nguồn vốn xoay vòng, với sự đầu tư đúng hướng đã đem lại hiệu quả thiết thực cho gia đình. Chị tin tưởng gia đình mình sẽ sớm thoát nghèo.

 

Từ hiệu quả thiết thực bước đầu mà các hình thức tiết kiệm đem lại, thời gian tới, Huyện hội Phú Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các hội viên ngày càng thấy được ý nghĩa cũng như hiệu quả của việc tiết kiệm đối với chính mình cũng như chi/tổ để đến cuối nhiệm kỳ (năm 2017), tỷ lệ hội viên tham gia các hình thức tiết kiệm sẽ đạt từ 95% trở lên và số tiền tiết kiệm hằng tháng cũng sẽ nhiều hơn hiện nay từ 2-3 lần, góp phần thực hiện tốt mục tiêu hằng năm, mỗi chi hội sẽ tạo điều kiện giúp đỡ để có ít nhất 1 hộ thoát nghèo.

Thu Hằng