Cập nhật: Thứ sáu 03/10/2014 - 11:07
Công nhân Công ty TNHH Thương mại Đúc gang Ngọc Hưng, cụm công nghiệp số 5, phường Tân Thành, (T.P Thái Nguyên) đang hoàn thiện sản phẩm đúc gang.
Công nhân Công ty TNHH Thương mại Đúc gang Ngọc Hưng, cụm công nghiệp số 5, phường Tân Thành, (T.P Thái Nguyên) đang hoàn thiện sản phẩm đúc gang.

T.P Thái Nguyên hiện có gần 2 nghìn doanh nghiệp (DN) hoạt động, chiếm 70% số DN trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, để góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thành phố đã từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự năng động của lãnh đạo các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức trong hỗ trợ DN; cải thiện môi trường đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy các DN phát triển sản xuất, kinh doanh.

Có mặt tại cụm công nghiệp số 5 (mới được UBND tỉnh phê duyệt thành lập tháng 8-2014), phường Tân Thành, chúng tôi được chứng kiến không khí lao động nhộn nhịp của các nhà máy luyện đúc gang, vật liệu xây dựng, sản xuất đồ gỗ nội thất… Anh Hà Văn Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đúc gang Ngọc Hưng cho biết: Trước đây, Công ty tôi đã phải nhiều lần di chuyển địa điểm để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Từ năm 2007, được thành phố, chính quyền địa phương tạo điều kiện về thủ tục đất đai, tôi đã quyết định đầu tư nhà xưởng tại tổ 7, phường Tân Thành, mở rộng quy mô sản xuất với diện tích lên tới 3.900m2. Từ khi có mặt bằng ổn định, tôi đã đầu tư bàn cân, xe tải, máy xúc, cẩu trục, lò đúc gang chạy bằng điện… góp phần giảm công lao động và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện trung bình mỗi tháng, Công ty sản xuất được 100 tấn gang chi tiết máy và gần 1.000 tấn gang nguyên liệu. Sản phẩm của Công ty đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, doanh thu mỗi năm đạt trên 100 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.

 

Theo anh Tấn, việc thành lập cụm công nghiệp số 5 sẽ mang lại nhiều lợi thế trong quá trình phát triển của các DN. Ngoài việc được đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện về thủ tục đất đai cho các DN mở rộng quy mô sản xuất, tham gia vào cụm công nghiệp, các DN còn nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách ưu đãi phát triển sản xuất của Nhà nước, uy tín, thương hiệu của DN sẽ ngày càng được nâng lên. Được biết, ngoài cụm công nghiệp số 5, trên địa bàn thành phố hiện còn có 3 cụm công nghiệp là cụm công nghiệp số 1, số 2 và cụm công nghiệp Cao Ngạn đang hoạt động với diện tích trên 119,5 ha, đã có 17 doanh nghiệp được chấp thuận đầu tư phát triển sản xuất với số vốn đăng ký trên 483 tỷ đồng.

 

Cùng với việc quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp, thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, thành phố còn chỉ đạo thực hiện tốt việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Cụ thể, trong năm 2014, thành phố đã thành lập 2 đoàn đi kiểm tra việc thực hiện cơ chế một cửa tại 28 phường, xã trên địa bàn. Qua đó, giúp chính quyền cấp xã, phường đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho các DN, nhà đầu tư đến kinh doanh, sản xuất; đồng thời chỉ đạo thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền và công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách của thành phố. Tính hết tháng 9-2014, bộ phận “Một cửa” của UBND thành phố đã tiếp nhận 16.586 hồ sơ, đã giải quyết xong đúng hạn 16.065 hồ sơ, đang giải quyết 831 hồ sơ, trả lại 96 hồ sơ, xin rút 44 hồ sơ, không có hồ sơ để quá hạn.

 

Ngoài ra, thành phố còn tổ chức hội nghị quán triệt tới cán bộ, công chức về nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức thực thi công vụ trong tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan tới tổ chức, công dân. Hằng năm, thành phố cũng tổ chức gặp gỡ, đối thoại với DN để cùng bàn bạc, đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Anh Đào Hữu Huệ, Giám đốc Công ty Xây dựng và Thương mại Hữu Huệ (Phường Hoàng Văn Thụ) cho biết: Trong quá trình phát triển  sản xuất kinh doanh, chúng tôi luôn được sự hỗ trợ, tạo điều kiện về mặt bằng, cơ chế chính sách… của tỉnh cũng như của thành phố. Việc thành phố tổ chức đối thoại hằng năm là việc làm thiết thực, giúp cho các DN có dịp bày tỏ tâm tư nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc để cùng bàn bạc, tìm cách tháo gỡ.

 

Anh Bùi Xuân Khoa, Chi cục phó Chi cục Thuế thành phố cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 02 ngày 7-1-2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, 8 tháng năm 2014, thành phố có trên 180 DN được miễn giảm tiền thuê đất với số tiền trên 22 tỷ đồng. Ngoài ra, đễ hỗ trợ DN, Chi cục cũng đã tăng cường hướng dẫn, giải đáp các chính sách thuế cho DN trong quá trình kê khai, báo cáo, nộp thuế; nâng cao hiểu biết pháp luật, trình độ của cán bộ hướng dẫn tại bộ phận một cửa… Với những giải pháp cụ thể, thiết thực của thành phố, sự nỗ lực cố gắng của các DN, 9 tháng năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ước đạt trên 14 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2013.

 

Theo lãnh đạo thành phố Thái Nguyên, góp phần nâng cao chỉ số PCI không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014 của thành phố mà còn là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài nhằm tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng DN trong sản xuất, kinh doanh, góp phần thu hút đầu tư, qua đó khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhà.

 

Box: PCI là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, để đánh giá chất lượng điều hành kinh tế và mức độ tạo thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh dành cho các DN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ tổ chức hằng năm. Chỉ số PCI là kết quả lấy phiếu đánh giá bí mật của các DN đang hoạt động trên địa bàn các tỉnh, thành trên cơ sở 10 chỉ số thành phần, bao gồm: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và cạnh tranh bình đẳng.

Lương Hạnh