Lúc mặt trời vượt qua ngọn mấy lùm tre, ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng xóm kéo chúng tôi ra thăm đồng. Đang mùa gặt tháng Mười, trên đường, ngoài ngõ rơm phơi vàng óng; sân nhà văn hóa của xóm cũng được nông dân tận dụng phơi thóc. Trên các cánh đồng: Song Nghè, Sinh, Thuyền, Đầm Sen… bà con nông dân tất bật giúp nhau thu hoạch mùa vụ. Tiếng máy tuốt lúa chạy rào rào, tiếng người gọi nhau í ới, ai nấy hể hả vui với mùa lúa chín.
Xóm Ninh Giang có 113 hộ, hơn 370 nhân khẩu. Xóm gồm bà con người các tỉnh từ Nam Định, Thái bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hưng Yên… di cư đến từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đồng chí Đinh Văn Hưng, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm nói vui: Tuy “chín người mười phương” hội lại thành làng xóm, nhưng bà con có tinh thần đoàn kết, sống tương thân, tương ái, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong khó khăn, hoạn nạn. Vì thế trong phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xóm 3 lần được Ban Chỉ đạo cuộc vận động huyện Đài Từ trao tặng Bằng công nhận “Làng văn hóa”. Cũng do có tinh thần đoàn kết, nên bà con trong xóm luôn sẻ chia với nhau về kinh nghiệm sản xuất mùa vụ.
Bà Nguyễn Thanh Phong, Chi hội trưởng nông dân xóm cho biết: Ninh Giang thực hiện cánh đồng 1 giống từ 5 năm gần đây, toàn bộ 17 ha đất lúa liền thổ, liền đồng của nông dân trong xóm được đưa vào quy hoạch sản xuất chung. Theo đó, mỗi năm cấy 2 vụ. Do chăm sóc đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, lúa tốt, cây khỏe, bông to, thóc chắc, đạt năng suất ổn định từ 6,7 đến 7 tấn/ha đối với vụ Xuân; 6,3 tấn/ha đối với vụ Mùa. So với cách làm trước đây, tức là cánh đồng có nhiều giống lúa khác nhau, năng suất lúa của cánh đồng 1 giống cao hơn khoảng 1 tấn/ha.
Không chỉ là 1 Chi hội trưởng năng động, bà Phong còn là 1 nông dân tích cực đi đầu các phong trào sản xuất của xã. Đầu năm 2014, bà vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2012-2014. Bà Phong cho chúng tôi biết thêm: Trước năm 2010, do chưa có phong trào sản xuất cánh đồng 1 giống, nên các xứ đồng của Ninh Giang “mạnh ai nấy làm”, mỗi người cấy một giống lúa khác nhau. Các giống lúa lại chênh nhau về thời gian, các xứ đồng có đám ruộng đã thu hoạch, đám còn xanh, chuột bọ dồn lại cắn phá, ảnh hưởng tới năng suất. Đây là chưa kể tới việc có hộ chuyển đất lúa sang trồng ngô, khoai lang… Ngày mùa, từ đầu làng nhìn ra, thấy cánh đồng như mảnh áo tơi được vá víu bằng nhiều loại cây lương thực, hoa màu khác nhau.
Đã qua 10 mùa gặt, nhưng đến bây giờ người nông dân Ninh Giang còn nhớ nguyên vụ đầu tiên xóm làm cánh đồng 1 giống. Đó là vụ lúa xuân năm 2010, nông dân Ninh Giang được Nhà nước hỗ trợ 50% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất. Làm 1 giống trên cả cánh đồng, bà con có điều kiện cùng nhau tuân thủ các quy trình kỹ thuật sản xuất chung, như nước tưới, gieo cấy, làm cỏ, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Đồng chí Đinh Văn Hưng cho biết: Ngay vụ đầu làm ô mẫu cánh đồng 1 giống, nông dân Ninh Giang đã giành thắng lợi, năng suất tăng “đột biến”, đạt trung bình 7 tấn/ha, cao hơn so với những năm trước đây gần 2 tấn/ha. Cá biệt có gia đình các ông: Đinh Xuân Trường, Nguyễn Hồng Sơn và Hoàng Hữu Nghị… năng suất lúa đạt hơn 8 tấn/ha.
“1 giống cho đống thóc”. Nông dân huyện Đại Từ có nhận xét như vậy khi nói về cánh đồng 1 giống của nông dân Ninh Giang. Ông Nguyễn Văn Khanh cho chúng tôi biết thêm: Nhờ tham gia cánh đồng 1 giống, năng suất lúa đạt cao, Ninh Giang không chỉ đủ lương thực sử dụng, mà còn có gạo bán ra ngoài thị trường. Theo đó, số hộ nghèo giảm từ 34 hộ (2010) còn 7 hộ nghèo (2014).
Mặt trời vừa tròn bóng, từ ngoài đồng, nông dân Ninh Giang hối hả chuyển thóc về nhà, tãi phơi tất bật. Mùi cơm mới tỏa thơm khiến ai nấy trong bụng như có kiến bò. Nhưng ngoài đồng, tôi bắt gặp 2 nông dân còn rất trẻ là Vũ Thị Khuyên và Đinh Thị Thủy, cán bộ của Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. 2 chị đang tranh thủ đếm từng hạt thóc trên bông lúa của một thửa ruộng ô mẫu. Chị Thủy cho biết: Để giúp bà con nông dân có thêm giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao, Trung tâm về Ninh Giang gieo cấy khảo nghiệm giống lúa Japonica ĐS1 và ĐS3. Vụ xuân, Trung tâm cấy khảo nghiệm 5.000m2, năng suất trung bình đạt gần 6 tấn/ha; vụ mùa cấy khảo nghiệm 3 ha, năng suất đạt 5,4 tấn/ha. Việc cấy khảo nghiệm giống lúa mới tại địa phương là của Trung tâm, còn việc gieo cấy giống lúa gì là sự lựa chọn của nông dân.
Chúng tôi hiểu, từ nhiều năm nay, người nông dân đã có nhiều sự lựa chọn trong sản xuất, trong đó có các khâu giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng chúng tôi chắc chắn một điều: Người nông dân Ninh Giang đã có một lựa chọn phù hợp với phát triển kinh tế nông nghiệp, đó là việc xây dựng cánh đồng 1 giống.