Cập nhật: Thứ hai 15/12/2014 - 11:30
Được vay vốn hộ nghèo từ năm 2009 của NHCSXH, gia đình ông Trần Văn Hải, xóm Tiền Phong, xã Đức Lương (Đại Từ) mới có điều kiện để đầu tư vào trồng chè, giúp nâng cao thu nhập.
Được vay vốn hộ nghèo từ năm 2009 của NHCSXH, gia đình ông Trần Văn Hải, xóm Tiền Phong, xã Đức Lương (Đại Từ) mới có điều kiện để đầu tư vào trồng chè, giúp nâng cao thu nhập.

Sau hơn 10 năm được tách ra hoạt động độc lập từ Ngân hàng phục vụ người nghèo, đến nay, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên đã lên tới trên 2,1 nghìn tỷ đồng, với hơn 112 nghìn khách hàng còn dư nợ. Tuy nhiên, trong tổng nguồn vốn này, mới có hơn 1% là của ngân sách địa phương chuyển sang….

Trong tổng số 24 chương trình Chính phủ triển khai chính sách tín dụng dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua NHCSXH, Thái Nguyên hiện triển khai 11 chương trình cho vay, bao gồm: Hộ nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hộ nghèo về nhà ở, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động có thời gian ở nước ngoài, thương nhân vùng khó khăn và cho vay khác. Số liệu thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm, có hàng chục nghìn lượt hộ được vay vốn của NHCSXH. Nguồn vốn này đã và đang góp phần đa dạng hóa các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trong nhân dân, qua đó, mỗi năm giúp hàng nghìn hộ thoát nghèo, vươn lên ổn định đời sống. Rất nhiều hộ sau đó đã trở lên khấm khá, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 

Trước hiệu quả mà đồng vốn vay mang lại cho người dân, cũng là nhu cầu, mong mỏi của không ít hộ gia đình, từ tháng 5-2014, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo và nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn đã được nâng lên đáng kể. Theo đó, hộ nghèo và cận nghèo có thể được vay tới 50 triệu đồng/hộ, tăng 20 triệu đồng/hộ so với trước đó; mỗi công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cũng được nâng từ 4 triệu lên 6 triệu đồng/công trình/hộ. Sự điều chỉnh mức vay này đã khiến nhiều hộ dân hết sức vui mừng. Tuy nhiên, cho đến nay, sau hơn 6 tháng điều chỉnh mức vay, mới có một tỷ lệ nhỏ hộ nghèo và cận nghèo được vay ở mức trên 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng/hộ, bởi nguồn vốn mà trung ương phân bổ cho Thái Nguyên không đủ đáp ứng, trong khi nhu cầu vay vốn của các hộ lại lớn.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh cho biết: Theo Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm phải đạt khoảng 10%. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước thời gian qua có nhiều khó khăn, nên trong năm 2014, nguồn vốn mà Chi nhánh được cấp chỉ bằng 6% tổng nguồn vốn. Điều này khiến việc giải ngân ở một số chương trình gặp khó khăn. Trong tổng số 11 chương trình cho vay mà NHCSXH hiện đang triển khai trên địa bàn tỉnh, chỉ có nguồn vốn dành cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; xuất khẩu lao động và trước đó là nhà ở là đáp ứng đủ nhu cầu cho các đối tượng. Còn các nguồn vốn khác hầu như mới đáp ứng được một phần. Đáng nói nhất trong số này là nguồn vốn dành cho hộ nghèo và cận nghèo. Mặc dù về cơ bản, những hộ nghèo đều được vay vốn khi có nhu cầu (hiện có 34.243 hộ còn dư nợ trên tổng số 35.358 hộ nghèo), tuy nhiên, mức vay trung bình của các hộ hiện mới bằng 48% mức được vay tối đa, nghĩa là trung bình mỗi hộ mới được vay 24 triệu đồng. Còn đối với hộ cận nghèo, trong khi cả tỉnh có tới hơn 35 nghìn hộ thì mới có gần 7 nghìn hộ (tương ứng với tỷ lệ 20%) được vay vốn và mức vay cũng thấp hơn nhiều so với mức được vay tối đa. Một số chương trình cho vay khác như: Giải quyết việc làm, hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, thương nhân vùng khó khăn cũng trong tình trạng thiếu vốn tương tự…

 

Khó khăn về nguồn vốn ngoài nguyên nhân chủ yếu do ngân sách Trung ương chuyển về hạn chế, còn phải kể đến nguồn vốn của tỉnh hằng năm chuyển sang NHCSXH Chi nhánh cũng rất khiêm tốn. Kể từ khi thành lập NHCSXH (năm 2003) đến nay, tổng nguồn vốn của địa phương chuyển sang NHCSXH Chi nhánh mới chỉ được 27 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh chuyển 21,2 tỷ đồng; ngân sách các huyện 5,8 tỷ đồng. Trong khi đó, theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4-10-2002 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác nêu rõ: “Hàng năm, UBND các cấp được trích một phần từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách cấp mình để tăng nguồn vốn vay cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn”. Mới đây nhất, ngày 22-11-2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã ra Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trong đó nêu rõ: Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng CSXH là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương, đơn vị… HĐND, UBND các cấp tiếp tục dành một phần từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng CSXH trên địa bàn…

 

Trên cơ sở Chỉ thị số 40, cùng với đó là kết quả sau đợt giám sát hồi cuối tháng 11 vừa qua của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về việc thực hiện chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, ngày 1-12-2014, HĐND tỉnh đã có Công văn về việc tăng cường quản lý, thực hiện và bổ sung vốn cho NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách gửi UBND tỉnh và một số sở, ban, ngành liên quan. Theo đó, HĐND đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí tăng kinh phí trong kế hoạch ngân sách hàng năm nhằm tăng vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng CSXH trên địa bàn tỉnh...

 

Trước những khó khăn hiện nay về nguồn vốn, mong rằng, UBND tỉnh sẽ dành ngân sách nhiều hơn nữa để chuyển cho NHCSXH Chi nhánh Thái Nguyên để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có thêm điều kiện tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn vay, phục vụ việc phát triển kinh tế của gia đình hộ vay nói riêng, của toàn xã hội nói chung.

Thu Hằng