* Ông Nguyễn Văn Đức, xóm Liên Sơn, xã Hồng Tiến (Phổ Yên): Gia đình tôi di chuyển nhà vào cuối tháng 9-2014 để nhường đất cho Dự án Khu công nghiệp Yên Bình 1. Chủ đầu tư và chính quyền địa phương hứa sau khi gia đình tôi dỡ nhà 15 ngày sẽ nhận 1 lô đất tại Khu tái định cư Hồng Tiến. Nhưng do lô đất của gia đình tôi nằm sát phía dưới đường điện 35KV nên chủ đầu tư chưa thể san lấp mặt bằng. Hiện cả gia đình tôi gồm 5 người đang đi ở trọ.
* Bà Đào Thị Vũ, Bí thư Chi bộ xóm Sơn Hà, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ): Bà con nhân dân xóm Sơn Hà thuộc Khu tái định cư Nam Sông Công mong muốn chủ đầu tư nhanh chóng mở đường đấu nối giữa Khu tái định cư với Quốc lộ 37 và chính quyền địa phương có phương án di chuyển khu điều trị người nghiện bằng thuốc Methadone đến vị trí khác.
|
Khi đã an cư mà phải thay đổi chỗ ở là điều không ai mong muốn, nhưng thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, vì sự phát triển chung của cộng đồng, nhiều người dân đã đồng tình bàn giao mặt bằng cho các dự án, di dời đến nơi ở mới tại các khu tái định cư. Tuy nhiên, việc bàn giao mặt bằng tái định cư chậm so với cam kết của chủ đầu tư, nơi ở mới chưa được hoàn thiện hạ tầng… là những vấn đề đang xảy ra đối với nhiều hộ dân bị thu hồi đất.
Khu tái định cư chậm tiến độ so với cam kết
Đến thời điểm này, ông Dương Văn Tám, ở xóm Hắng, xã Hồng Tiến (Phổ Yên) vẫn chưa được cấp đất tái định cư. Gia đình ông gồm 7 nhân khẩu đã di chuyển khỏi khu đất thuộc Dự án Khu công nghiệp Điềm Thụy từ tháng 9-2013. Theo lời hứa của chủ đầu tư, gia đình ông Tám sẽ nhận đất tái định cư trong 6 tháng kể từ ngày di chuyển, cùng với đó gia đình được nhận 26 triệu đồng để thuê nhà ở trong 6 tháng. Ông Tám cho biết: “Gia đình tôi đã dựng lều ở tạm để đợi đất tái định cư xây nhà, nhưng gần 9 tháng trôi qua mà chưa thấy khu tái định cư được xây dựng nên gia đình đành trích số tiền được bồi thường tự mua đất xây nhà ở”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Văn Cần, Bí thư Đảng uỷ, Trưởng ban Chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng xã Hồng Tiến cho biết: “Tháng 9-2013, 6 hộ dân ở xóm Hắng có diện tích đất nằm trong tuyến đường của Khu công nghiệp Điềm Thụy đã di chuyển. Đợt sau, tháng 5-2014, thêm 19 hộ ở các xóm: Hắng, Ngoài, Giếng, Yên Mễ, Mãn Chiêm thuộc diện tích đất của Khu công nghiệp Điềm Thụy di chuyển tiếp. Nhưng đến nay, chưa có hộ nào trong số này được cấp đất tái định cư. Chính quyền xã đã kiến nghị nhiều lần nhưng hiện tại, việc tái định cư của Dự án Khu công nghiệp Điềm Thụy mới dừng ở bước quy hoạch, chưa triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng”.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ ở Dự án Khu công nghiệp Điềm Thụy mà khá nhiều dự án triển khai trên địa bàn tỉnh xây dựng khu tái định cư chậm hơn so với cam kết với người dân. Ông Dương Văn Luân, Trưởng xóm Liên Sơn, xã Hồng Tiến (Phổ Yên) nói: “Xóm Liên Sơn nằm trong Dự án Khu công nghiệp Yên Bình 1 mở rộng. Hiện xóm còn khoảng 7 hộ dân đã di chuyển nhà nhưng chưa có mặt bằng tái định cư”. Còn Bà Nguyễn Thị Tường, Trưởng xóm 4, xã Hà Thượng (Đại Từ) cho biết: “Xóm tôi có 112/114 hộ dân ảnh hưởng bởi Dự án Núi Pháo thuộc diện phải di dời nhà cửa. Công tác kiểm đếm, lên phương án đền bù đã tiến hành hơn 1 năm trước nhưng đến nay, các hộ dân vẫn chưa được nhận đất tái định cư bởi Khu tái định cư Đồng Bông mới được Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining) khởi công xây dựng vào đầu tháng 9-2014, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng sau một năm kể từ ngày thi công, thôi thì tuy chậm nhưng bà con vẫn mong chờ nơi ở mới sẽ bằng hoặc hơn nơi ở cũ”.
Không khó để chỉ ra các khu tái định cư xây dựng chậm, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân sau khi bị thu hồi đất. Tuy nhiên, chậm tiến độ ở đây là so với cam kết của chủ đầu tư với người dân chứ không phải chậm so với tiến độ chủ đầu tư đặt ra.
Hạ tầng thiếu đồng bộ
Sau khi được giao mặt bằng, xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống, nhiều hộ dân bị thu hồi đất vẫn phải đối mặt với nỗi lo về điều kiện sinh hoạt, việc làm, tệ nạn xã hội. Có thể thấy rằng, với việc đầu tư đầy đủ hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng, điện sinh hoạt, cống thoát nước, hạ tầng các khu tái định cư tập trung tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, phần lớn hạ tầng các khu tái định cư vẫn chưa đồng bộ, thiếu nước sạch, một số khu vực thiếu điện sinh hoạt nên điều kiện sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể như Khu tái định cư Nam Sông Công nằm ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) của Dự án Núi Pháo được quy hoạch gồm 448 lô đất, trong đó, 437 lô đã được bàn giao cho các hộ dân. Đường nhựa chính trong Khu tái định cư rộng 10,5m, trải nhựa, vỉa hè rộng mỗi bên 6m. Trong Khu tái định cư, trạm cấp nước sinh hoạt, trạm xử lý nước thải và rác, đường dây điện thoại, hệ thống cung cấp điện và trung tâm y tế đã được xây dựng hoàn chỉnh… Tuy nhiên, bà Đào Thị Vũ, Bí thư chi bộ xóm Sơn Hà, thị trấn Hùng Sơn cho biết: Mặc dù đã có hơn 200 hộ dân đến sinh sống tại Khu tái định cư Nam Sông Công từ khá lâu nhưng tuyến đường đấu nối giữa Khu tái định cư với Quốc lộ 37 vừa mới được thi công khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, thậm chí phải đi đường vòng qua các khu dân cư lân cận.
Còn tại huyện Phổ Yên, phải kể đến các Khu tái định cư xóm Sứ, xã Tân Hương, thuộc Dự án Nút giao Yên Bình vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng, Khu tái định cư xã Hồng Tiến, thị trấn Bãi Bông thuộc Dự án Khu công nghiệp Yên Bình 1 vẫn đang còn một số hạng mục đang xây dựng dang dở…
Mục tiêu của các dự án vào đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh thời gian qua là phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, cùng với đó là góp phần xây dựng, chỉnh trang và nâng cấp đô thị, tạo ra bộ mặt mới hiện đại, văn minh. Hơn thế nữa là làm sao để người dân khi bị thu hồi đất được tái định cư ở nơi tốt hơn hoặc ít nhất bằng nơi ở cũ theo đúng mục tiêu mà các dự án tái định cư mong muốn. Cơ sở hạ tầng hoàn thiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm ăn và sinh hoạt của người dân, giúp họ ổn định cuộc sống sau tái định cư. Nhưng thực tế cho thấy, rất nhiều khu tái định cư vẫn chưa đảm bảo đồng bộ theo yêu cầu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và chất lượng công trình. Những tồn tại này đã khiến các hộ dân bị giải toả không được đáp ứng về điều kiện sống ở nơi ở mới, từ đó, cứ nghe đến tái định cư là người dân lo lắng.
Trong báo cáo đánh giá công tác giải phóng mặt bằng 11 tháng năm 2014 của Ban chỉ đạo Công tác Giải phóng mặt bằng tỉnh ghi rõ: “Việc bố trí tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất còn chậm, thường là cùng thực hiện với dự án đầu tư; với các địa phương do điều kiện kinh phí có hạn nên không đủ để xây dựng hạ tầng cơ sở khu tái định cư làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án; việc quản lý xây dựng công trình của các hạng mục cơ sở hạ tầng trong khu tái định cư của một số dự án còn chưa được chặt chẽ, tiến độ xây dựng công trình không đảm bảo đồng bộ (như điện sinh hoạt, nước sạch, hạ tầng…), làm chậm tiến độ di chuyển ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng, sinh hoạt của hộ dân và phát sinh các khiếu kiện thắc mắc”.
(Còn nữa)