Cập nhật: Thứ sáu 30/01/2015 - 08:17
Một góc làng quê Phú Sơn hôm nay.
Một góc làng quê Phú Sơn hôm nay.

Trước đây, Phú Sơn là xóm 135 khó khăn, nghèo nhất xã Bình Sơn (T.X Sông Công). Nhờ được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và nhất là sự vươn lên của người dân cuộc sống nơi đây đang dần khởi sắc.

Bí thư Chi bộ xóm Phú Sơn, ông Trần Văn Khang nhớ lại: Hơn 10 năm trước, đường vào xóm vừa nhỏ, vừa gập ghềnh, toàn sỏi, đá lộc gộc. Vào mùa nắng còn đỡ chứ gặp trời mưa, vượt qua 5 đoạn suối trong xóm ra trung tâm xã rất vất vả, nguy hiểm. Cả xóm hơn 50 hộ thì chỉ có 8 hộ không thuộc diện hộ nghèo. Xóm có diện tích rộng (khoảng 3,5km, ngang với diện tích phường Lương Châu), khi nào sinh hoạt chi bộ hay họp xóm, mấy cán bộ phải mất hàng buổi đi báo họp. Khó khăn nhất của Phú Sơn là thiếu nước, ruộng nương quanh năm khô hạn, chỉ phụ thuộc vào nước trời nên cấy được một vụ lúa, may ra thì làm được vụ màu đông. Năm 2006, được sự hướng dẫn của các cán bộ nông nghiệp, khuyến nông thị xã và sự chỉ đạo của Chi bộ, bà con đã đào giếng khoan, mỗi ô ruộng hay nương chè tùy diện tích to nhỏ mà đào 1, 2 giếng để cung cấp nước. Có nước để cấy lúa, trồng rau màu vụ đông song cái nghèo vẫn đeo bám người dân Phú Sơn. Trước thực trạng ấy, những đảng viên của Chi bộ đã xác định, đất rừng ở đây lớn như vậy, phải định hướng cho bà con trồng rừng để phát triển bền vững, vừa chống xói mòi đất, bão lũ, vừa cho thu nhập ổn định. Người đi đầu trong phong trào là cán bộ, đảng viên.

 

Ông Trần Văn Sử, công an viên xóm Phú Sơn dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh những vạt rừng xanh mướt trên Núi Ao, Gò Giữa, Bãi Bông. Nếu không nghe vợ chồng ông Sử kể lại, chúng tôi không thể tưởng tượng cách đây hơn 10 năm, khoảng rừng xanh trước mặt lại là vùng đất hoang vu, toàn sim, mua, bông lau, cỏ dại. Khi ấy, quanh mấy ngọn núi và gò chỉ vẻn vẹn có vài hộ dân sinh sống. Bằng sự cần cù, chịu thương, chịu khó, vợ chồng ông Sử và các hộ dân đã đi phát cây, san đồi để trồng những hàng keo đầu tiên. 6 năm sau, 1ha keo lai cho thu hoạch, cầm trong tay cả mấy chục triệu đồng, vợ chồng ông Sử mừng rơi nước mắt. Giờ khu vực Gò Giữa, Bãi Bông, Núi Ao đã có 23 hộ dân sinh sống. Theo gương ông Khang, ông Sử, bà con đều phát rẫy, mua cây keo giống về trồng, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Đến nay, 100% hộ dân ở Phú Sơn đã trồng được hơn 100ha rừng (rừng tự trồng và rừng trồng cho Lâm trường Phúc Tân), trong đó hộ ít nhất cũng trồng được 0,3ha, hộ nhiều lên đến hơn 10ha.

 

Ngay đầu xóm Phú Sơn, ngược bao con dốc ngoằn nghèo lên núi, chúng tôi cùng Bí thư Chi bộ Trần Văn Khang tới thăm gia đình ông Hà Như Chắc. Vợ chồng ông là một trong những hộ điển hình của xóm vươn lên thoát nghèo từ trồng rừng. Căn nhà cấp 4 khang trang được xây dựng cách đây 3 năm với số tiền 120 triệu đồng của vợ chồng ông Chắc nhỏ bé nằm giữa mênh mông rừng keo và đồi chè. Vợ chồng ông Chắc, một người ở huyện Bình Lục (Hà Nam), một ở huyện Đại Từ di cư gặp nhau nên vợ nên chồng từ năm 1980. Lúc ấy, nơi đây toàn là rừng rậm. Hiện gia đình ông Chắc đã có hơn 2ha rừng keo (vừa khai thác 1ha keo bán được gần 80 triệu đồng). Ông Chắc trầm ngâm nhớ về lúc trước, vợ chồng vào rừng kiếm được gánh củi bán, mua được vài bơ gạo, bữa cơm toàn độn sắn, cơm trắng dành cho con mà rơi nước mắt. Ông bảo, thông qua tổ chức Hội Nông dân, tôi đã vay vốn hàng chục triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội để mua con trâu lấy sức cày kéo; mua cây giống về trồng phủ xanh đồi trọc. Luôn cố gắng làm lụng sớm tối, đến nay, vợ chồng tôi đã thoát nghèo.

 

Giờ Phú Sơn có 112 hộ, trên 400 khẩu, chỉ còn 15 hộ nghèo. Là xóm 135, Phú Sơn được nhận nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước, như: xây dựng Nhà văn hóa, cổng làng khang trang. Mỗi năm, người dân được tập huấn khoa học kỹ thuật và hỗ trợ cây, con giống với tổng trị giá gần 100 triệu đồng… Ba năm nay, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, người dân trong xóm đã hiến hơn 1.000m2 và hơn 100 triệu đồng đối ứng cùng hàng trăm ngày công, vật liệu xây dựng để làm trên 800m đường bê tông, mở rộng một số trục đường trung tâm xóm. Hiện, xóm có 6 cháu học đại học, hơn 30 cháu học ở các trường trung cấp, cao đẳng. Số hộ đạt gia đình văn hóa hằng năm là trên 90%...

 

Rời Phú Sơn, chúng tôi nghĩ, thời gian tới, không ít gia đình ở xóm sẽ có nguồn thu hàng trăm triệu đồng từ rừng keo như hộ anh Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Định, Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Thị Hải... Vùng núi cao lởm chởm đất đá khô cằn trước kia, giờ đã cho quả ngọt nhờ có sức người sớm hôm lam làm.

Linh Lan