Bà Nguyễn Thị Nhương, một nông dân ở xóm 7, xã Bình Thuận (Đại Từ) cho biết: Mấy năm trở lại đây, chúng tôi đã mạnh dạn đưa các giống lúa lai như: Nhị ưu 838, Syn6, TH 3-3... vào gieo cấy vì thấy năng suất lúa cao hơn 5 đến 7tạ/ha so với trước; gạo khi nấu ăn thấy dẻo, thơm. Đặc biệt, cơ chế hỗ trợ giá giống lúa lai của tỉnh đã khuyến khích chúng tôi đưa các giống lúa mới vào gieo cấy.
Hiện nay, giá giống lúa thuần chất lượng chỉ có 15-20 nghìn đồng/kg, trong khi giá giống các loại lúa lai cao gấp 10 lần. Do đó những năm trước đây, nhiều nông dân chưa mặn mà với việc đưa các giống lúa lai vào gieo cấy. Sau nhiều năm tuyên truyền, vận động cộng với việc nhiều giống lúa lai đã khẳng định được ưu thế cả về năng suất, chất lượng nên 4, 5 năm trở lại đây, nhận thức của người dân về các giống lúa lai đã thay đổi rất nhiều. Nhất là khi tỉnh có các cơ chế hỗ trợ giá giống thì bà con đã mạnh dạn đưa các lúa lai vào trồng trên diện rộng. Năm 2014, diện tích gieo cấy lúa lai đạt 15,4 nghìn ha trong tổng số 72,4 nghìn ha cấy lúa cả năm, vượt 54% kế hoạch và bằng 121,3% so với năm 2013, tăng gấp đôi so với năm 2009.
Không chỉ riêng với lúa lai mà cơ chế hỗ trợ 100% giá giống chè của tỉnh cũng đã khuyến khích người dân đưa các giống chè mới có năng suất, chất lượng vào trồng thay thế những giống chè trung du đã già cỗi. Năm 2014, toàn tỉnh trồng mới, trồng lại được 1.744ha chè, vượt kế hoạch trên 744ha. Điều đáng nói là với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân sản xuất chè theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP (hỗ trợ 100% tiền thuế tổ chức chứng nhận, đánh giá, cấp giấy chứng nhận và tập huấn quy trình), đến nay, diện tích chè VietGAP của tỉnh đã đạt khoảng 500ha, tăng khoảng 20% so với năm trước...
Cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh cũng khuyến khích các trang trại chăn nuôi phát triển. Năm 2014 được coi là năm khó khăn của ngành Chăn nuôi khi những tháng đầu năm, giá thịt lợn, gà hơi (loại vật nuôi chính của Thái Nguyên) giảm mạnh nhất trong 5 năm trở lại đây (giảm khoảng 25% so với 5 năm trước). Tuy nhiên, với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh như hỗ trợ phòng chống dịch bệnh; xây dựng mô hình chăn nuôi trang trại an toàn sinh học; hỗ trợ kinh phí chọn lọc, bình tuyển giống trâu, bò... đến cuối năm 2014, toàn tỉnh đã có gần 548 trang trại chăn nuôi, tăng khoảng 200 trang trại so với năm 2013.
Trên đây chỉ là những minh chứng cho thấy những hiệu quả thiết thực từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp của PTNT cho biết: Mỗi năm, tỉnh ta hỗ trợ khoảng 40-60 tỷ đồng cho phát triển sản xuất nông nghiệp (riêng trong năm 2014, là gần 57 tỷ đồng). Đối với sản xuất lương thực, tỉnh tập trung hỗ trợ giá giống lúa lai, ngô lai; xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên đất lúa, đất canh tác kém hiệu quả ; hỗ trợ theo chính sách khuyến nông; cơ giới hóa phục vụ sản xuất... Ngoài ra tỉnh còn hỗ trợ phát triển cây chè; sản xuất cây trồng vụ đông; mô hình hợp tác, HTX sản xuất cây rau màu; chăn nuôi; nuôi trồng thủy sản...
Năm 2015, tỉnh ta thực hiện hỗ trợ giá giống cây trồng với mức 30 nghìn đồng/sào lúa lai, ngô lai; 20 nghìn đồng/sào lúa thuần chất lượng cao; 400 nghìn đồng/sào khoai tây; 50 nghìn đồng/sào đỗ tương; 150 nghìn đồng/sào bí xanh, bí đỏ; 130 nghìn đồng/sào cà chua, dưa chuột, ớt, ngô rau. Trong chăn nuôi, hỗ trợ 100% tiền ua vắc xin tiêm phòng một số bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm; hỗ trợ tiền tập huấn và chứng nhận VietGAP cho các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm... |
Sự hỗ trợ của tỉnh đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển khi tổng sản lượng lương thực cây có hạt tăng cao do diện tích lúa lai, ngô lai tăng (năm 2014 đạt gần 450 nghìn tấn, tăng 6,7% so với kế hoạch); tổng sản lượng thịt hơi năm qua cũng đạt 96 nghìn tấn, tăng 6,5% so; tổng đàn lợn đạt gần 600 nghìn con, tăng gần 3%; tổng đàn gia cầm khoảng 10 triệu con, tăng 2,7% so với năm 2013...
Mặc dù đã đạt được những kết quả như vừa nêu trên, tuy nhiên, để những cơ chế, chính sách hỗ trợ mang lại hiệu quả thiết thực thì bên cạnh việc các địa phương phải nghiêm túc thực hiện hỗ trợ của tỉnh, các cấp, ngành chức năng cũng cần có sự quản lý về cơ cấu, chủng loại, chất lượng, giá giống cây trồng. Những năm qua, mặc dù được Nhà nước hỗ trợ giá giống cây trồng nhưng trên thực tế, giá giống còn khá cao (đơn cử như giá một số giống lúa lai ở mức trên, dưới 200 nghìn đồng/kg) nên người người dân không được hưởng lợi nhiều. Trong khi đó năm 2015, kinh phí hỗ trợ cho sản xuất lương thực chiếm tới 50% trong tổng kinh phí hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông nghiệp ...
Năm 2015, tỉnh ta thực hiện hỗ trợ giá giống cây trồng với mức 30 nghìn đồng/sào lúa lai, ngô lai; 20 nghìn đồng/sào lúa thuần chất lượng cao; 400 nghìn đồng/sào khoai tây; 50 nghìn đồng/sào đỗ tương; 150 nghìn đồng/sào bí xanh, bí đỏ; 130 nghìn đồng/sào cà chua, dưa chuột, ớt, ngô rau. Trong chăn nuôi, hỗ trợ 100% tiền mua vắc xin tiêm phòng một số bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm; hỗ trợ tiền tập huấn và chứng nhận VietGAP cho các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm..