Trong đó, đường bộ xảy ra 54 vụ, làm chết 32 người, bị thương 48 người; đường sắt xảy ra 2 vụ, làm chết 1 người, làm bị thương 1 người. Lực lượng CSGT đường bộ toàn quốc đã kiểm tra, xử lý hơn 4.800 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, thu nộp kho bạc Nhà nước hơn 1,3 tỷ đồng; tạm giữ 37 xe ô-tô, hơn 1.000 xe mô tô, tước 100 GPLX.
Như vậy, trong 3 ngày từ 15 đến 17-2, toàn quốc đã xảy ra 132 vụ TNGT, làm chết 84 người, bị thương 105 người; trong đó, đường bộ xảy ra 107 vụ, làm chết 80 người, làm bị thương 104 người; đường sắt xảy ra 5 vụ, làm chết 4 người, bị thương 1 người. Không xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan xe chở khách.
Lực lượng CSGT đường bộ kiểm tra, xử lý gần 20.500 trường hợp, thu nộp kho bạc Nhà nước gần 12,3 tỷ đồng; tạm giữ 82 xe ô-tô, 2.281 xe mô tô, tước 831 GPLX.
Ngày 27-2, số cuộc gọi và nhắn tin qua đường dây nóng đã giảm so với những ngày trước, đã có 163 phản ánh của người dân đến đường dây nóng, chủ yếu về tình trạng xe chở quá số người quy định, nhồi nhét hành khách, tăng giá vé quá quy định trên một số tuyến ngắn.
Sau khi nhận được điện thoại trên đường dây nóng, Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu các đơn vị kiểm tra, xử lý và hầu hết các thông tin phản ánh là chính xác.
Năm nay được nghỉ trước tết 4 ngày nên mật độ phương tiện giao thông đã giảm bớt áp lực hơn. Chiều ngày 16-2, được coi là thời điểm cuối cùng các đô thị lớn chịu áp lực về giao thông do người dân về quê ăn Tết. Ngày 17-2, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông tại các tuyến phố trong nội đô đã giảm đáng kể so với những ngày trước đó.
Tại khu vực các bến xe, giao thông đi lại khá dễ dàng, trong bến không còn tình trạng quá tải hành khách. Tại TP Hồ Chí Minh, lưu lượng giao thông tại trung tâm thành phố đã giảm rõ rệt. Các tuyến đường chính của thành phố như Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai đã trở nên thông thoáng hơn rất nhiều.
Sáng hôm nay 17-2, lưu lượng giao thông đã giảm rõ rệt tại các thành phố lớn tuy không xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài nhưng tình trạng bắt khách, chạy lấn làn đường, đậu xe không đúng nơi quy định vẫn còn diễn ra.
Tình trạng các phương tiện chạy quá tốc độ cho phép trên các tuyến quốc lộ, cao tốc vẫn khá phổ biến. Cụ thể, tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, vi phạm vẫn diễn ra liên tục, chủ yếu là các phương tiện chở hàng hóa và công nhân về quê ăn tết.
Tình trạng xe dù vẫn thường xuyên diễn ra tại khu vực miền trung, đặc biệt tại Thừa Thiên - Huế gây mất trật tự ATGT và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vận tải.
Tại các bãi gửi xe, vẫn xảy ra tình trạng tăng giá vé quá cao. Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, các bãi giữ xe quanh chợ hoa xuân công viên 23 tháng 9 trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, vé xe phải trả 20 nghìn đồng/lần gửi xe ga và phải trả tiền trước, xe số 10 nghìn đồng/lượt; bãi giữ xe Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng (quận 7) cũng thu phí giữ xe với giá cao ngất với giá 10 nghìn đồng/lượt.
Trái ngược với hành khách đi đường bộ, khách đi hàng không, đường sắt dễ chịu hơn. Nếu như những năm trước, người dân rất vất vả mới mua được vé tàu Tết, năm nay, với việc đưa vào vận hành hệ thống bán vé tàu điện tử, hành khách đã mua vé thuận lợi hơn rất nhiều. Với hình thức bán vé này, Đường sắt Việt Nam đã loại bỏ đáng kể tình trạng tiêu cực, đầu cơ vé, đưa vé đến trực tiếp cho những người thực sự có nhu cầu.
Ngoài hình thức bán vé hiện đại trên, Đường sắt Việt Nam vẫn duy trì các phương thức bán vé truyền thống giúp người dân có nhiều sự lựa chọn. Cũng trong dịp cao điểm Tết, ngoài các chuyến bay thông lệ, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam sẽ khai thác tăng thêm khoảng 1.200 chuyến bay trên các đường bay có nhu cầu lớn về tải. Theo đó, tổng số chuyến khai thác trong giai đoạn cao điểm Tết đạt gần 18.900 chuyến, tăng 12% so với thường lệ. Riêng đường bay giữa Hà Nội - TP Hồ Chí Minh tăng khoảng 260 chuyến bằng A321, A330 và B777. Đường bay giữa Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh tăng khoảng 340 chuyến bằng A321…
Để tránh ùn tắc giao thông trong đêm giao thừa, các thành phố lớn đã lên phương án cụ thể để phân luồng giao thông. Thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ cấm xe tải, xe ô-tô chở khách ở nhiều tuyến đường quanh khu vực diễn ra chương trình bắn pháo hoa, biểu diễn văn hóa nghệ thuật.
Ủy ban ATGT Quốc gia kiến nghị, đến ngày 17-2, hầu hết người dân đã trở về quê ăn tết cùng gia đình, người thân. Từ thời điểm này, áp lực giao thông lại dồn lên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và đường giao thông nông thôn.
Để phòng tránh TNGT xảy ra trong những ngày Tết sắp tới, nhất là phòng, tránh tai nạn xe mô tô, xe gắn máy, Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị người tham gia giao thông tự giác chấp hành quy tắc giao thông: đội mũ bảo hiểm, không phóng nhanh, vượt ẩu, không chở quá số người quy định, không đua xe máy trái phép, đặc biệt là không điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu bia.
Lực lượng CSGT các địa phương tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định trật tự ATGT, đặc biệt là các hành vi điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu bia, phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm; đua xe máy trái phép.