So với cùng kỳ 7 ngày nghỉ Tết nguyên đán năm 2014, tai nạn giao thông giảm 32 vụ (-7,5%), giảm 66 người bị thương (-15,9%) nhưng số người chết tăng vọt, tăng 32 người chết (+15%). S ố người chết vì mô tô, xe gắn máy có xu hướng tăng cao. Địa điểm xảy ra tai nạn chủ yếu là tại các đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường nông thôn. Nguyên nhân chủ yếu, là do người dân không tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật trật tự an toàn giao thông, tình trạng vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm nồng độ cồn, chở quá số người quy định vẫn thường xuyên diễn ra. Tai nạn giao thông, đặc biệt là ở vùng nông thôn có xu hướng tăng điển hình là ở các tỉnh Trà Vinh, Kon Tum.
Riêng ngày 21/2, (mùng 3 Tết), cả nước xảy ra 87 vụ tai nạn, làm chết 47 người, bị thương 89 người. Đây là ngày có số vụ tai nạn và số người chết tăng cao nhất so với 6 ngày trước đó, tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ mùng 3 Tết Giáp Ngọ, giảm 4 vụ, giảm 2 người chết, giảm 4 người bị thương. Trong số này, đường bộ xảy ra 85 vụ, chết 45 người, bị thương 88 người; đường sắt xảy ra 1 vụ, chết 2 người; đường thủy xảy ra 1 vụ, bị thương 1 người.
7 ngày nghỉ Tết, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 32 nghìn trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và đường thủy, thu nộp kho bạc Nhà nước 18,5 tỷ đồng ; tạm giữ 223 xe ô tô, trên 7.300 xe mô tô, tước gần 1.300 giấy phép lái xe.
Trong ngày 21/2, đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhận được 15 cuộc gọi và tin nhắn phản ánh của người dân xoay quanh vấn đề vận tải hành khách như tăng giá vé, nhồi nhét khách, thu tiền trông giữ phương tiện quá cao tại các khu vực đền chùa, khu vực kinh doanh dịch vụ. Sau khi nhận được thông tin phản ánh, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý triệt để theo nội dung các thông tin được phản ánh.
Những ngày qua, nhất là các ngày mùng 1, mùng 2 và mùng 3 Tết là thời điểm người dân đi chúc Tết, vui xuân. Chính vì vậy, mật độ giao thông tăng cao và tình hình vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông như uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm… tăng lên đáng kể. Tại Hà Nội, T hành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và một số tỉnh thành do lưu lượng người tham gia giao thông tăng cao nên xảy ra ùn tắc cục bộ tại một số tuyến phố trọng điểm; tình trạng người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy ý thức kém, không đội mũ bảo hiểm, kẹp 3, kẹp 4, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, không chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông diễn ra rất phổ biến. Đặc biệt, nếu như hàng năm vào dịp Tết mật độ xe thường chỉ tăng cao trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ thì năm nay cả đường nông thôn cũng tăng đột biến./.