Cập nhật: Thứ sáu 17/04/2015 - 07:59
Phi công tập huấn nâng cao trình độ bay trong buồng lái giả định.
Phi công tập huấn nâng cao trình độ bay trong buồng lái giả định.

Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo Thông tư bổ sung một số điều trong Bộ Quy chế an toàn hàng không dân dụng. Đặc thù ngành đang đặt ra đòi hỏi phải siết chặt quản lý nhân lực hàng không trình độ cao để đảm bảo an toàn bay và môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Đảm bảo cạnh tranh lành mạnh

 

Dự thảo Thông tư nêu rõ: “Nhân viên hàng không trình độ cao, bao gồm: Thành viên tổ lái (phi công), nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay có chứng chỉ CRS mức B trở lên, nhân viên điều độ, khai thác bay có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người khai thác tàu bay 180 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng để người khai thác tàu bay lập kế hoạch duy trì hoạt động, bảo đảm khai thác tàu bay theo kế hoạch bay đã được phê duyệt”.

 

Ủng hộ qui định này, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho biết, đặc thù của ngành vận tải hàng không cũng như thực tiễn của các hãng hàng không trong nước, các kế hoạch khai thác, kinh doanh và lịch bay theo mùa đều được lập theo chu kỳ 6 tháng (tương đương 180 ngày). “Các kế hoạch này bao gồm cả nội dung nguồn lực lao động, đặc biệt là phi công để đảm bảo sự ổn định, hợp lý và đảm bảo tối đa sự an toàn trong quá trình khai thác”, ông Minh nói.

 

Ngoài ra, cũng theo ông Minh, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và các hãng hàng không VN cũng quy định các phi công phải được huấn luyện, khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.

 

Đáng nói hơn, theo ông Minh, việc tìm kiếm một phi công thương mại để thuê bổ sung, bao gồm từ khâu tuyển dụng, ký hợp đồng, kiểm tra sức khoẻ, giám định năng định, sát hạch, lấy bằng, làm thủ tục chuyển đổi nhà khai thác với Cục Hàng không VN... sẽ cần một khoảng thời gian ít nhất bốn tháng. Sau đó, các phi công này cũng cần thêm từ hai đến ba tháng để làm quen với các quy trình, tài liệu của nhà khai thác, của các đường bay, sân bay mới...

 

“Như vậy, tổng thời gian tối thiểu để một phi công mới được thuê có đủ khả năng làm việc ổn định, đáp ứng yêu cầu của nhà khai thác mới vào khoảng 6 tháng - tương đương 180 ngày”, ông Minh nhấn mạnh.

 

Để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng hàng không, tránh tình trạng một hãng bằng nhiều phương thức thu hút nguồn lực phi công của hãng khác, gây xáo trộn tâm lý người lao động, ảnh hưởng đến an toàn trong khai thác, người đứng đầu Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cũng kiến nghị, cần quy định thời hạn báo trước là 180 ngày nếu phi công muốn chấm dứt hợp đồng với hãng.

 

Xung quanh quy định này, cũng có ý kiến cho rằng không cần quy định cụ thể về thời gian báo trước trong thông tư này mà dẫn chiếu quy định của Bộ luật Lao động. Góp ý kiến về vấn đề này, Giám đốc điều hành Vietjet Lưu Đức Khánh cho rằng: “Thông tư cần tuân thủ và thống nhất với Bộ luật Lao động hiện hành về thời hạn báo trước”.

 

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GTVT Trịnh Thị Hằng Nga, việc quy định rõ thời hạn báo trước là hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 70, Luật Hàng không dân dụng VN. “Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về chế độ lao động, kỷ luật đặc thù đối với nhân viên hàng không. Quy định này cũng không hề trái Bộ luật Lao động vì Điều 37, 38 của Bộ luật này chỉ quy định thời gian báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động và người lao động khi ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn là ít nhất 45 ngày chứ không quy định thời gian tối đa”, bà Nga nêu rõ.

 

Bồi thường thế nào?

 

Một điểm đáng lưu ý khác trong dự thảo Thông tư là quy định “nhân viên hàng không trình độ cao khi chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn có trách nhiệm bồi thường chi phí huấn luyện, đào tạo do người khai thác tàu bay đã thực hiện đào tạo, huấn luyện; bồi thường chi phí phá vỡ cam kết thời gian làm việc sau đào tạo”.

 

Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng nếu quy định như vậy, những trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định của pháp luật có phải bồi thường chi phí đào tạo không?

 

Khẳng định khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định của pháp luật đương nhiên phải bồi thường các khoản chi phí theo quy định hoặc theo thoả thuận, bà Nga cũng nhấn mạnh: “Trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật, người khai thác tàu bay có trách nhiệm thanh lý hợp đồng lao động với nhân viên hàng không trình độ cao sau khi hai bên đã hoàn thành các trách nhiệm, nghĩa vụ theo hợp đồng lao động. Mức bồi thường cụ thể như thế nào sẽ căn cứ theo hợp đồng lao động”.

 

Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ “người khai thác tàu bay và nhân viên hàng không trình độ cao có trách nhiệm rà soát các nội dung quy định của hợp đồng để thống nhất cập nhật, sửa đổi các nội dung cho phù hợp với quy định của Thông tư này”.

 

Trung Quốc: Phi công nghỉ việc đột ngột phải bồi thường 2,1 triệu NDT

Theo quy định của Tổng cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC), nếu một phi công tự ý hay nghỉ việc đột ngột, có thể phải bồi thường từ 700 nghìn - 2,1 triệu nhân dân tệ (NDT), tương đương 7,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều hãng yêu cầu phi công phải trả khoảng 1 triệu USD mới được phép nghỉ việc bởi chi phí đào tạo phi công rất lớn và thường do hãng hàng không chi trả.

Một phi công muốn chuyển việc phải nộp đơn lên hãng chủ quản và chờ xét duyệt. Khi hãng hàng không chấp thuận, phi công mới được phép nghỉ. Năm 2008, khoảng 200 phi công Trung Quốc nộp đơn xin nghỉ việc lên các hãng hàng không chủ quản. Hầu hết họ đều ký hợp đồng cả đời với hãng hàng không sau khi được hãng chủ quản chi tiền đào tạo và nâng cấp chuyên môn. Ngay cả việc phi công xin nghỉ phép cũng cần phải có sự đồng ý của hãng.

Trong quá trình làm việc, nếu phi công cần phải đào tạo để chuyển loại máy bay mà chi phí do hãng chi trả, phải cam kết không được tự ý nghỉ việc (thời gian cụ thể tùy từng hãng). Trường hợp phi công bỏ tiền túi để học đào tạo chuyển loại máy bay cũng vẫn phải cam kết thời gian làm việc với hãng (nhưng ít hơn so với hãng chi trả), bởi vì phi công cũng cần phải tích lũy đủ giờ bay.

Trong trường hợp xảy ra tranh chấp đến mức phải ra tòa, tòa án đều đứng về phía các hãng hàng không, thậm chí yêu cầu phi công trả những khoản tiền bồi thường “cắt cổ” để được tự do.

Nguồn: Báo Giao thông