Học sinh tiểu học đi xe đạp: Nguy hiểm chực chờ
Cập nhật: Chủ nhật 03/05/2015 - 16:27

Hiện nay, tại nhiều trường Tiểu học trên địa bàn huyện Phú Bình đều có học sinh sử dụng xe đạp dành cho người lớn để tham gia giao thông.

Các em vẫn còn đang ở trong độ tuổi ham chơi, chưa hiểu biết nhiều về Luật Giao thông đường bộ nên việc để học sinh tiểu học tự điều khiển xe đạp, không có sự hướng dẫn, giám sát trực tiếp của người lớn sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

 

Chúng tôi có mặt tại Trường Tiểu học Lương Phú, xã Lương Phú đúng lúc học sinh chuẩn bị tan học buổi sáng. Quan sát bãi gửi xe đạp của nhà trường, chúng tôi đếm được không dưới 70 chiếc xe dựng san sát nhau, đa số đều là xe đạp dành cho người lớn. Sau tiếng trống trường, học sinh nhốn nháo lấy xe và tỏa ra các ngả đường để về nhà. Trong khi các tuyến đường ở nông thôn thường có nhiều khúc quanh che khuất tầm nhìn thì các em lại ít khi chú ý mà chạy xe theo kiểu “có đường là đi”, thậm chí còn dàn hàng hai, hàng ba để dễ trò chuyện… nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đối với các em và người đi đường là rất lớn. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề tuyên truyền Luật Giao thông cho học sinh trong nhà trường, cô Lương Thị Hoàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Phú cho biết: Nhà trường hiện có 415 học sinh, trong đó có 259 em học sinh thuộc khối lớp 1, lớp 2, lớp 3, 156 em thuộc khối lớp 4, lớp 5. Số học sinh đi xe đạp đến trường có khoảng hơn 100 học sinh, chủ yếu là các em ở khối lớp lớn. Để các em chấp hành tốt Luật Giao thông, hàng năm nhà trường đã thực hiện nhiều hình thức như: Tuyên truyền cho các em vào các giờ chào cờ thứ 2 đầu tuần; phối hợp với Ban An toàn giao thông công an huyện Phú Bình tổ chức các buổi giao lưu, nói chuyện với học sinh; đề nghị phụ huynh và học sinh cùng ký cam kết thực hiện an toàn giao thông…Tuy nhiên, những việc làm này chưa thực sự đem lại hiệu quả cao bởi các em vẫn còn ham chơi, ít quan tâm đến việc chấp hành tốt Luật khi tham gia giao thông. Tuy chưa có vụ tai nạn nghiêm trọng nào xảy ra đối với học sinh đi xe đạp nhưng Nhà trường vẫn khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên để trẻ đến trường bằng xe đạp một mình, nếu để trẻ đi xe thì phải chọn loại xe đạp phù hợp với lứa tuổi, đồng thời thường xuyên nhắc nhở các em về việc đảm bảo an toàn giao thông khi đi trên đường.

 

Hiện tượng học sinh đi xe đạp gây mất an toàn giao thông không chỉ diễn ra ở Trường Tiểu học Lương Phú mà xảy ra ở hầu hết các trường tiểu học khác trên địa bàn huyện Phú Bình. Đặc biệt ở các xã vùng sâu, vùng xa như Dương Thành, Hà Châu, Bàn Đạt… thì việc học sinh tiểu học tự đi xe đạp đến trường càng phổ biến. Khi được hỏi, phần lớn các bậc phụ huynh đều cho rằng vì nhà xa, gia đình không có điều kiện đưa đón nên đành để con em mình đến trường bằng xe đạp, dù biết làm thế là không đảm bảo an toàn cho con.

 

Ông Ngô Tiến Sinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Bình cho biết: Tuy việc tham gia giao thông của các em học sinh còn phức tạp và khó kiểm soát nhưng chúng tôi chỉ có thể từng bước giáo dục học sinh ý thức hơn về trật tự an toàn giao thông chứ không thể cấm các em tự đạp xe đến trường.

 

Huyện Phú Bình hiện có 22 trường tiểu học, để góp phần vào việc đảm bảo an toàn giao thông ở địa phương, hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Bình đã tích cực chỉ đạo các trường học thực hiện các hoạt động tuyên truyền Luật Giao thông. Quán triệt cán bộ, giáo viên và học sinh thực hiện nghiêm túc quy định về việc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy hoặc đi xe đạp điện. Yêu cầu các nhà trường có quy định cụ thể việc xử lý kỷ luật đối với những học sinh vi phạm Luật Giao thông nhằm răn đe, giáo dục các em. Tổ chức các cuộc thi vẽ tranh an toàn giao thông, thi hỏi - đáp về Luật Giao thông...

 

Là đơn vị thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn huyện để tuyên truyền về Luật Giao thông cho các em học sinh, thiếu tá Hứa Thanh Ngân, Đội trưởng Đội Giao thông (Công an huyện Phú Bình) nhận định: Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh tiểu học tuy có vẻ đơn giản nhưng lại rất khó vì không chỉ dạy cho học sinh thuộc lòng những điều luật quy định mà phải làm cho các em hiểu, nhớ và quan trọng hơn cả là có hành vi đúng khi tham gia giao thông. Nếu không biết cách đi đường cho đúng, các em sẽ rất dễ bị tai nạn hoặc gây tai nạn cho người khác. Những năm gần đây, trên địa bàn huyện chưa xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc nào liên quan đến việc học sinh tiểu học điều khiển xe đạp khi tham gia giao thông nhưng điều đó không có nghĩa là các em sẽ không gặp nguy hiểm nếu không chấp hành đúng Luật Giao thông.

 

Cũng theo Thiếu tá Ngân thì việc giáo dục an toàn giao thông cho học sinh cần phù hợp theo từng độ tuổi, ví dụ như đối với lứa tuổi tiểu học thì nên chú ý cung cấp cho học sinh những hiểu biết cơ bản về an toàn giao thông như: Đi bên tay phải, đi sát lề đường, nhường đường cho xe cơ giới (ô tô, xe máy); đi đúng hướng đường, phần đường của mình; khi chuyển hướng (rẽ trái, phải) phải giơ tay xin đường; hướng dẫn các em những quy tắc ứng xử thường gặp khi tham gia giao thông, qua đó hình thành thái độ tự giác, chấp hành Luật Giao thông và tránh được những tai nạn đáng tiếc cho bản thân…

Quỳnh Trang