Đảm bảo an toàn giao thông ở Võ Nhai: 2 giải pháp trọng tâm
Cập nhật: Thứ bẩy 09/05/2015 - 10:28
Đội CSGT của Công an huyện Võ Nhai tuyên truyền Luật Giao thông tại xóm Khuổi Mèo.
Đội CSGT của Công an huyện Võ Nhai tuyên truyền Luật Giao thông tại xóm Khuổi Mèo.

Trong những năm gần đây, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn huyện Võ Nhai vẫn có chiều hướng gia tăng và tình trạng người điều kiển phương tiện vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ còn phổ biến.

Trước thực trạng đó, ngoài việc từng bước đầu tư kinh phí để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, các ngành chức năng của huyện Võ Nhai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp người dân trong huyện có ý thức, nhận thức hơn về việc chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, nhất là đối với người dân ở những vùng đặc biệt khó khăn hiểu biết pháp luật còn hạn chế…

 

Xây dựng kết cấu hạ tâng giao thông

 

Năm 2014, trên địa bàn huyện Võ Nhai đã xảy ra 12 vụ TNGT nghiêm trọng khiến 12 người tử vong, bị thương 11 người, gây thiệt hại về tài sản là 82,5 triệu đồng. Số vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết người, gây thiệt hại lớn về tài sản chủ yếu xảy ra tại các tuyến đường liên thôn, liên xã của huyện. Để giảm thiểu số TNGT do một phân nguyên nhân hạ tầng giao thông không đảm bảo gây ra, năm 2013 huyện Võ Nhai đã huy động được hơn 62 tỷ đồng, năm 2014 là 60 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng chí Ngô Việt Hoa, Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Võ Nhai cho biết: Hiện trên địa bàn có 750km đường thuộc huyện quản lý, trong đó đã cứng hóa được gần 150km. Năm 2014, huyện đã đầu tư kinh phí mở rộng 5km đường liên xã, liên thôn; nâng cấp, cải tạo gần 25km đường các loại; xây dựng mới 2 cầu tràn có tổng chiều dài 93m…Cùng với đó là Ban An toàn giao thông huyện đã có kế hoạch phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải tiến hành kiểm tra các tuyến đường và dự kiến cắm khoảng 200 biển báo tải trọng, biển cảnh báo nguy hiểm nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông. 2 điểm đen thường xuyên xảy ra tại nạn giao thông ở địa phận xã La Hiên và Suối Lũ (thị trấn Đình Cả) cũng đã được UBND huyện chỉ đạo mở rộng, nắn cua để đảm bảo an toàn giao thông. Một số điểm giao cắt, cua trên các tuyến đường do huyện quản lý có nguy cơ xảy ra tai nạn đang được các ngành chức năng nghiên cứu để đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông…

 

Thay đổi nhận thức, ý thức cho người dân

 

Giống như nhiều địa phương khác trong tỉnh, tình trạng người dân ở các vùng nông thôn trong huyện Võ Nhai do nhận thức, ý thức chưa cao nên thường xuyên vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, như: Điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi không có Giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; chở quá số người quy định...Do vậy, lực lượng CSGT của huyện đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để xử lý vi phạm giao thông. Riêng trong quý I năm 2015, lực lượng chức năng huyện Võ Nhai đã lập biên bản 141 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt 115 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ 12 phương tiện…Tuy nhiên, xử phạt vi phạm không phải là giải pháp giải quyết tận gốc vấn đề tai nạn giao thông nên Ban an toàn giao thông huyện đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ tới các cơ sở giáo dục, các xóm vùng sâu, vùng xa trên địa bàn. Theo đó, Ban an toàn giao thông huyện đã chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Đoàn thanh niên, Hội CCB, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ của huyện phối hợp chặt chẽ với lực lượng CSGT của Công an huyện tổ chức thực hiện các đợt tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông tới học sinh các bập học, hội viên, đoàn viên các đoàn thể. Từ đầu năm 2015 đến nay, Huyện đoàn Võ Nhai phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức 2 buổi tuyên truyền Luật Giao thông tại xã Phương Giao, xóm Lũng Cà (Thượng Nung), ngoài ra, còn phối hợp với CSGT tuyên truyền “Đội mũ bảo hiểm cho em trên 6 tuổi” tại các trường học dọc Quốc lộ 1B. Chị Mùa Thị Sua là người dân tộc Mông ở xóm Lũng Luông, xã Thượng Nung cho biết: Khi được Đội CSGT của Công an huyện đến xóm tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật giao thông đường bộ và được trực tiếp xem những hình ảnh người chết, bị thương trong các vụ TNGT mà lực lượng CSGT chiếu, chúng tôi ai cũng sợ. Giờ mọi người trong gia đình tôi khi đi xe máy đều đội mũa bảo hiểm và chú ý quan sát để đề phòng tai nạn…

 

Việc khó nhưng quyết tâm làm

 

Trung tá Hạc Sỹ Đông, Đội trưởng Đội CSGT (Công an huyện Võ Nhai) cho biết: Ngoài việc tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn giao thông thì công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ tới các tầng lớp nhân dân trong huyện được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Nhưng để tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho người dân nông thôn đạt hiệu quả cao nhất, bà con dễ tiếp nhận chúng tôi đã phải nghiên cứu, quát triệt các giải pháp chỉ đạo của cấp trên; học tập kinh nghiệm của các địa phương để vận dụng, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của Võ Nhai. Sau đó, chúng tôi tiệp tục nhờ chính quyền các xã thông báo, tập hợp bà con đến các điểm sinh hoạt cộng đồng rồi phát tờ rơi có hình ảnh minh hoạ, chiếu phím, clip, diễn tiểu phẩm. Như buổi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ của đơn vị tại xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc vừa qua có 200 người dân trong xóm đã đến dự… Dự kiến năm 2015, CSGT huyện sẽ tuyên truyền Luật Giao thông cho tất các bà con ở các Điểm nhóm Tin Lành trên địa bàn huyện Võ Nhai.

 

 Vấn đề tai nạn giao thông đã và đang là nỗi lo thường trực tại huyện vùng cao Võ Nhai bởi đặc thù địa hình và điều kiện dân chí nhưng qua việc triển khai 2 giải pháp trọng tâm trên, các ngành chức năng của huyện chọn được hướng đi đúng, có ý nghĩa lớn trong việc kiềm chế tai nạn giao thông…

Dương Hưng