Cập nhật: Thứ tư 20/05/2015 - 15:10
Hiệu quả khai thác tuyến đường được nâng cao nhờ những sự điều chỉnh kịp thời và hợp lý của chủ đầu tư.
Hiệu quả khai thác tuyến đường được nâng cao nhờ những sự điều chỉnh kịp thời và hợp lý của chủ đầu tư.

Các chủ đầu tư và nhà thầu đã chủ động rà soát, kiến nghị bổ sung mở mới các điểm quay đầu...

Dù không có trong thiết kế, nhưng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, các chủ đầu tư và nhà thầu trên tuyến QL1 đoạn Nam TP Hà Tĩnh - Kỳ Anh đã chủ động rà soát, kiến nghị bổ sung mở mới các điểm quay đầu, điểm giao cắt trước khi đường hoàn thành. Việc xử lý linh hoạt trước đòi hỏi của thực tiễn, góp phần tăng cường đảm bảo ATGT, nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường này.

 

Mở lối cho dân… cày cấy

 

QL1 mở rộng qua địa bàn phía Nam Hà Tĩnh có chiều dài 75 km, chính thức hoàn thành thông xe kỹ thuật ngày 30/1/2015. Theo thiết kế, toàn tuyến chỉ có 113 điểm đấu nối, trong đó có 65 điểm giao cắt và quay đầu xe, 48 lối đi dân sinh. Tuy nhiên, sau nhiều lần soát xét, các chủ đầu tư và nhà thầu trên tuyến đã cùng vào cuộc gỡ khó cho người dân sinh sống hai bên đường bằng việc đề xuất điều chỉnh, mở bổ sung nhiều điểm giao cắt tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại.

 

Ông Trần Quang Tuấn, PGĐ Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết: “Ngày 24/4 vừa qua, Hội đồng nghiệm thu cấp bộ đã cho phép nghiệm thu bàn giao 72km QL1 mở rộng đoạn từ Nam TP Hà Tĩnh - Kỳ Anh. Trước đó, Sở đã yêu cầu Ban QLDA, các nhà thầu khắc phục những tồn tại liên quan đến vệ sinh thanh thải, thanh thoát dòng chảy và hệ thống đảm bảo ATGT”.

 

Cả ba lần Đoàn nghiệm thu cấp Bộ kiểm tra hiện trường, thẩm định chất lượng thi công dự án mới đây đều đánh giá các vị trí bất hợp lý đã được khắc phục, đoạn tuyến đơn vị thi công đều đạt các tiêu chuẩn thiết kế, được đánh giá đủ điều kiện để nghiệm thu, bàn giao. Ngày 25/4, Cục QLĐB II chính thức tiếp nhận quyền quản lý, khai thác tuyến đường này.

 

Riêng về hệ thống đảm bảo ATGT trên tuyến, từ thời điểm đường đang thi công, tháng 12/2014, Sở GTVT Hà Tĩnh đã chủ động phối hợp với chính quyền và công an các địa phương nghiên cứu, đưa ra phương án điều chỉnh hợp lý như: Mở điểm quay đầu tại nút giao không đồng mức giữa đường thôn xóm với QL1; mở lối đi bộ cho người dân sang đường lao động sản xuất; bổ sung tiêu phản quang trên cầu cống; gắn miếng dán phản quang ở đầu dải phân cách...

 

Ông Tuấn cho biết thêm, theo thiết kế của TEDI, các điểm giao không đồng mức giữa đường thôn xóm với QL1 chỉ được mở điểm quay đầu xe ở trước và sau nút. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thiết kế đóng nút giao cưỡng bức bằng dải phân cách như vậy là bất hợp lý. Cách làm này chỉ phù hợp với đường đô thị mật độ phương tiện đông, còn với đường QL1 qua khu dân cư, đóng nút sẽ tạo ra tình trạng xe đi ngược chiều, người trèo qua dải phân cách để vào đường nhánh, gây nguy cơ mất ATGT. Do vậy, Sở đã chủ động đề nghị Bộ cho phép mở dải phân cách tại 10 nút giao.

 

Bên cạnh đó, Sở cũng kiến nghị mở mới dải phân cách tại 7 điểm, với chiều rộng 3m cho người đi bộ sang đường, vừa tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, vừa hạn chế được tình trạng người dân tháo dỡ lưới chống chói, dải phân cách để trèo sang đường.

 

Điều chỉnh nhỏ hiệu quả lớn

 

Ở dự án này, Sở GTVT Hà Tĩnh cũng tiên phong trong việc điều chỉnh hệ thống cọc tiêu và miếng dán phản quang trên các hệ thống đảm bảo ATGT. “Thông thường, tiêu phản quang và hạt phản quang chỉ được gắn trên các cọc tiêu, hộ lan của đường bộ và dải phân cách của đường, còn trên các công trình cầu và cống lại không nhắc đến việc lắp đặt những vật liệu này. Trong khi đó, cầu cống mới là nơi cần có tiêu phản quang để cảnh báo phương tiện lưu thông vào ban đêm. Vì thế, Sở GTVT Hà Tĩnh chủ động bổ sung kinh phí cho các nhà thầu lắp đặt toàn bộ hạt phản quang cảnh báo trên tất cả 15 cầu, cống. Cùng đó, bổ sung thêm tấm phản quang 3D ở đầu các dải phân cách giữa, nơi điểm mở quay đầu xe”, ông Tuấn cho hay.

 

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Tĩnh, tổng kinh phí cho những hạng mục bổ sung trên chỉ tiêu tốn chưa đến 50 triệu đồng, nhưng hiệu quả mang lại rất rõ rệt, nhất là tính thẩm mỹ và đảm bảo ATGT bởi đi dọc tuyến vào ban đêm, hệ thống phản quang liền mạch giúp người điều khiển phương tiện có thể nhận biết từ xa các điểm giao cắt, điểm quay đầu, nơi người đi bộ sang đường mà không lo bị nhầm lẫn với đoạn qua các cầu, cống như trước đây.

 

“Từ khi tuyến đường đưa vào vận hành đến nay, trên tuyến chưa xảy ra bất cứ vụ tai nạn nào liên quan đến việc thiếu hệ thống đảm bảo ATGT hoặc đóng, mở dải phân cách, nút giao bất hợp lý” ông Tuấn thông tin.

 

Còn tại dự án thành phần 2 do Ban QLDA ATGT làm đại diện chủ đầu tư, vì số km đường đi qua khu dân cư không nhiều, nên Ban đã chủ động yêu cầu nhà thầu phụ trách thi công hạng mục ATGT chủ động khảo sát, tính toán, xây dựng trước các phương án phát sinh.

 

Ông Trần Hậu Tuệ, Giám đốc Công ty CP xây dựng Hoàng Thiên, đơn vị phụ trách thi công 1,08km QL1 thuộc gói 9 và gói thầu số 12 và thi công hệ thống đảm bảo ATGT cho 33,6km toàn tuyến cho biết, đơn vị đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương rà soát các điểm cần mở lối để có phương án đề nghị chủ đầu tư, Bộ GTVT điều chỉnh, mở mới 5 điểm sang đường và quay đầu xe tại ba thôn của hai xã Kỳ Khang, Kỳ Thọ với chiều rộng từ 3-9m. Những điểm này có đường dân sinh đấu nối với QL1, đường dẫn ra khu vực đồng ruộng nơi chăn thả gia súc, nghĩa trang… Nhờ đó, từ thời điểm tuyến đường đưa vào khai thác đến nay, Sở GTVT không nhận được bất cứ phản ánh nào của người dân liên quan đến việc mở lối, tình trạng người dân tự ý tháo dỡ lưới chống chói cũng hầu như không xảy ra.


Nguồn: Báo Giao thông