Không chỉ gây tai nạn giao thông, nhiều xe cơ giới đang lưu thông trên đường bỗng đốc chứng, như: Chết máy tại chỗ; nổ lốp; gẫy nhíp, thậm chí là bốc cháy... khiến những người đang đi ở đoạn đường gần đó phải một phen hú vía, bảo nhau: Thật là những hung thần xa lộ.
Tôi đã mang những câu chuyện lượm lặt được trên đường đến tổ 1A, phường Tân Lập, vào Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thái Nguyên (Trung tâm), gặp Giám đốc Lê Nam Hưng. Giám đốc Hưng vào chuyện: Tôi thường xuyên làm việc tại xưởng cùng các kiểm định viên để động viên, kê chỉnh kịp thời những thiếu sót, hoặc dễ dãi của kiểm định viên với các chủ phương tiện. Do vậy, từ nhiều năm trở lại đây, Trung tâm chưa xảy ra vụ việc tiêu cực.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Đăng kiểm là cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn và chất lượng của các phương tiện và thiết bị giao thông vận tải. Đăng kiểm có nhiệm vụ tổ chức và thực hiện giám sát kỹ thuật, chứng nhận chất lượng, an toàn cho các phương tiện và chất lượng giao thông vận tải. Hoạt động của Trung tâm nhằm nâng cao an toàn sinh mạng con người, tài sản và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, không vì mục đích lợi nhuận. Trung bình mỗi ngày có hơn 100 xe cơ giới các loại đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thái Nguyên, trong đó có khoảng từ 20 đến 30% số xe kiểm định lần 1 không đạt, phải mang đi sửa chữa rồi về kiểm định lại, nhiều trường hợp xe phải kiểm định đến lần thứ 6 mới đạt yêu cầu kỹ thuật. Những bộ phận không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, kiểm định viên yêu cầu chủ phương tiện mang đi sửa chữa chủ yếu là bộ phận chuyển hướng, phanh, săm, lốp, đèn, kính chiếu hậu, còi.
Có mặt trong nhà xưởng kiểm định, tôi được chứng kiến nhiều chủ phương tiện luôn trong trạng thái căng thẳng, sợ xe của mình chưa bảo đảm yêu cầu, phải mang ra ga ra ô tô bên ngoài sửa chữa, thay thế, mất nhiều thời gian. Nhưng có rất nhiều chủ xe không giấu diếm, cho biết: Trước lúc đưa xe đến Trung tâm, họ đã “tân trang” lại những thiết bị kỹ thuật phải kiểm định. Với những xe tải được cơi nới, họ đã tự tháo bỏ để xe trở về hiện trạng ban đầu, vì các chủ xe đều biết, nếu không đúng quy định xe của mình sẽ không được kiểm định viên cấp tem và Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và Bảo vệ môi trường. Theo đó, xe của họ sẽ phải đi làm lại mới được vào kiểm định.
Nâng cao chất lượng kiểm định là góp phần bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Năm 2014, Trung tâm thực hiện kiểm định, cấp tem và Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và Bảo vệ môi trường cho 35.333 lượt xe cơ giới đang lưu hành, xe máy thi công có tham gia giao thông, trong đó có 35.000 lượt ô tô (tăng 6.000 lượt so với năm 2013), 87 thiết bị nâng hạ, 182 xe máy thi công và 151 xe được nghiệm thu cải tạo. 6 tháng đầu năm 2015, Trung tâm thực hiện kiểm định 17.879 lượt xe cơ giới, cấp 13.892 tem và Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; kiểm định 82 xe máy thi công và 42 thiết bị nâng chuyên dùng.
Để tránh hiện tượng cán bộ, kiểm định viên bị chủ xe mua chuộc, hối lộ, Trung tâm thực hiện giao ban vào mỗi sáng hằng ngày. Thông qua đó, lãnh đạo Trung tâm giáo dục, nhắc nhở các nội quy, quy định của ngành, đồng thời quán triệt tinh thần nhiệm vụ công việc cho từng bộ phận chuyên môn. Trong trường hợp kiểm định viên không làm hết trách nhiệm, hoặc vì nhận tiền của chủ phương tiện để bỏ qua các lỗi kỹ thuật, sẽ bị lãnh đạo Trung tâm kiên quyết xử lý. Do vậy, trong Trung tâm không có cán bộ, kiểm định viên vi phạm kỷ luật do nhận tiền “bôi trơn” của chủ phương tiện. Hầu hết các phương tiện xe cơ giới khi được kiểm định tại Trung tâm, trong thời gian lưu hành, tham gia giao thông đều bảo đảm an toàn kỹ thuật, không dẫn đến mất phanh, mất lái hoặc bị nổ lốp gây tai nạn chết người.