Trở ngại không ít
Một thực tế đang diễn ra không phải chỉ có ở tỉnh ta là nhiều trường hợp cùng một chủng loại xe ô tô nhưng đăng ký kích thước thành, thùng hàng mỗi nơi mỗi khác khiến cho lực lượng chức năng gặp không ít trở ngại khi xác định lỗi vi phạm tải trọng. Ông Lê Kế Phong, đăng kiểm viên thuộc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thái Nguyên xác nhận thực trạng trên là có thật. Ông cho hay, bản thân đã từng biết một trường hợp đăng kiểm ở Bắc Kạn, kích thước thành, thùng xe cao hơn xe cùng chủng loại khi đăng kiểm ở Thái Nguyên tới 30-40cm. Do vậy, một số trường hợp chủ xe ở Thái Nguyên mang xe đi đăng kiểm ở một số địa phương khác có lợi hơn. Một đại diện Sở Giao thông - Vận tải cũng cho rằng, quy định về tải trọng được phép chở theo Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp đã được lập hồ sơ kiểm định của một số xe cùng chủng loại hiện nay không đồng nhất với nhau. Một số xe có cùng nhãn hiệu, số loại, cùng năm sản xuất nhưng kích thước lòng thùng cũng khác nhau. Hơn nữa, nhiều chủng loại xe tải được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu trước ngày Thông tư 32/2012/TT-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải (ngày 9-8-2012) có hiệu lực sử dụng thùng xe nguyên bản kích thước rất lớn, mặc dù chủ xe không cơi nới trái phép và chở bằng thành thùng thì vẫn vượt tải trọng quy định.
Tại một số Trạm kiểm tra tải trọng lưu động đặt ở địa điểm vùng giáp ranh, nhiều trường hợp tài xế cố tình bỏ chạy, không dừng theo hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông, rất khó xử lý. Thượng úy Trần Trung Kiên, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) chia sẻ: Lực lượng của chúng tôi rất mỏng, mỗi ca trực tại trạm chỉ bố trí một đồng chí nên cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều khi chỉ đảm nhiệm việc dừng xe còn lập biên bản xử phạt phải nhờ sự hỗ trợ của lực lượng phối hợp. Ở những vị trí này thường không có chỉ đạo đuổi theo xe vi phạm. Hơn nữa khi sang địa bàn khác nếu không có sự phối hợp tốt với địa phương bạn thì không hiệu quả.
Hiện nay, hầu hết các điểm đặt trạm kiểm soát tải trọng đều không có chỗ hạ tải vì hạ tầng giao thông không cho phép, nên lực lượng chức năng chỉ có thể dừng xe xử lý một chiều. Các trạm thường đặt ở cuối tuyến, cách xa trung tâm, không được bố trí nhà trạm nên trong quá trình thực thi nhiệm vụ và sinh hoạt thường ngày của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
Còn rất nhiều khó khăn, trở ngại khác mà các lực lượng đang gặp phải, trong đó có cả những khó khăn trong hiệp đồng giữa các lực lượng ngành dọc với nhau. Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải, ông Hoàng Minh Đức cho biết: Đã có một số trường hợp Thanh tra Cục quản lý đường bộ 1 đề nghị chúng tôi phối hợp khi gặp phải đối tượng chống đối, đánh tháo xe vi phạm, hoặc phối hợp dừng xe có dấu hiệu vi phạm, nhưng kết quả đạt được không như mong muốn. Lý do bởi hai lực lượng đều có chức năng như nhau, nên nhiều khi cùng đứng nhìn xe vi phạm chạy qua mà không thể yêu cầu dừng kiểm tra. Trong khi đó, việc phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông phải có kế hoạch cụ thể từ trước, ít khi đột xuất mà phối hợp hiệu quả.
Cần cách làm bài bản, công tâm
Theo phản ánh của lực lượng chức năng, tỷ lệ các trường hợp tái phạm tải trọng xe cơ giới là rất nhiều. 100% các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh đều ký cam kết không vi phạm chở quá tải hoặc thay đổi kích thước thành, thùng xe nhưng khi kiểm tra thì dù ít dù nhiều vẫn mắc lỗi. Cá biệt có trường hợp bị xử lý nhiều lần với những lỗi phạt rất nặng nhưng vẫn tái phạm. Theo báo cáo của Chi cục Quản lýý đường bộ I.4 (quản lý trên tuyến Quốc lộ 3) thì gần đây đơn vị này đã phát hiện và xử lý 3 trường hợp cố tình vi phạm quy định về thay đổi kích thước thành, thùng xe. Trước đó, các xe này đã có xác nhận của đăng kiểm về việc cắt bỏ thành, thùng xe cơi nới. Các xe vi phạm đều có hiệu Howo, biển kiểm soát lần lượt là 20C-06353, 20C-06615 và 20C-04007 với chiều cao thùng xe tại thời điểm kiểm tra vượt từ 48cm đến 50cm so với quy định. Đội trưởng Đội Thanh tra của Cục Quản lý đường bộ I, ông Bùi Thanh Thái cho rằng, điều lạ là có những doanh nghiệp bị xử phạt nặng nhiều lần mà vẫn không sợ. Ví dụ như trường hợp của Doanh nghiệp Hoàng Đạt ở T.P Sông Công. Có lúc Doanh nghiệp này bị xử lý vi phạm tải trọng tới 6 xe, có xe xử phạt kịch khung số tiền lên đến 60 triệu đồng, chủ xe méo mặt, nhưng ngay sau đó lại tái phạm.
Vậy, nguyên nhân sâu xa của điều này là gì? Một số nhà quan sát cho rằng, việc xử lý quyết liệt là cần thiết nhưng vẫn còn tình trạng quyết liệt nửa vời, nghĩa là nghiêm khắc với trường hợp này nhưng lại thả lỏng cho trường hợp khác. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây đã cùng kiến nghị các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường kiểm tra tải trọng xe của một số đơn vị vận tải như: Hữu Thành, Dung Quang, Long Thắng, Thanh Tùng, Luyện Bình… Họ cho rằng, các doanh nghiệp này "có vẻ" được ưu ái hơn, ít bị kiểm tra xử lý dù có lượng đầu xe vận tải lớn, thường chở quá tải, lưu thông hàng ngày trên các tuyến chính của tỉnh. Hơn nữa, một số trường hợp vi phạm về kích thước thành, thùng xe lại chưa bị xử lý nghiêm, hoặc xử lý chưa đủ lỗi (chủ yếu xử phạt hành chính đối với lái xe mà không xem xét xử phạt chủ xe) nên chưa có tác dụng nhiều. Theo Đại tá Vũ Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh thì cần phải tăng cường kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp về chấp hành quy định tải trọng xe cơ giới. Để tránh trường hợp lọt đối tượng vi phạm, lực lượng chức năng cần tiến hành kiểm tra và phúc tra thường xuyên.
Một thực tế là lâu nay chúng ta chủ yếu tập trung quản lý hoạt động vận tải trên các trục đường. Mặc dù đó là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết song vẫn là chưa đủ. Bởi chúng ta đều biết, khi các phương tiện vận chuyển quá tải bị xử lý nghĩa là phương tiện đó đã vi phạm quy định và chí ít cũng chạy được một quãng đường nhất định và đã gây hại cho hạ tầng giao thông. Thường khi xử lý, lực lượng chức năng đều yêu cầu chủ phương tiện san tải, điều đó gây nhiều phiền hà, mất thời gian, công sức và chi phí cho cả đơn vị xử lý lẫn chủ phương tiện. Nếu kiểm soát tải trọng ngay từ nơi giao nhận hàng hóa thì chắc chắn sẽ không chỉ giảm thiệt hại mà còn mang lại nhiều tiện ích. Việc làm này tuy nhìn rõ hiệu quả nhưng thời gian qua cũng chưa được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc.
Theo chúng tôi, để quản lý triệt để tình trạng vận chuyển quá tải, trước tiên phải tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, nhất là của lực lượng thực thi công vụ. Tiếp đến, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chấp hành quy định tải trọng xe cơ giới đến tất cả người dân, trong đó tập trung vào các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động vận tải. Tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác kiểm soát tải trọng xe, các chế tài xử lýý vi phạm, nêu gương những đơn vị chấp hành tốt và công khai chỉ rõ những đơn vị chưa nghiêm chỉnh thực hiện quy định. Mặt khác, phải quan tâm xử lý tận gốc tình trạng quá tải ngay từ khâu nhập xe, đăng kiểm xe đến khâu xuất hàng, siết chặt xử lý chủ xe, lái xe và cả chủ cơ sở cung ứng hàng hóa. Đối với những trường hợp doanh nghiệp vi phạm tải trọng nhiều lần cũng nên kiến nghị thu hồi Giấy phép kinh doanh. Điều đặc biệt là khi triển khai phải làm đồng bộ trên toàn địa bàn, áp dụng đều cho tất cả các đối tượng và các lực lượng chức năng phải cùng vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, ăn ý, xử lý công tâm, khách quan, đúng pháp luật.