I. NỘI DUNG DỰ THI
1. Tác phẩm dự thi:
1.1. Đề tài: phản ánh việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh; thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương, đơn vị; phản ánh những tấm gương tập thể, cá nhân điển hình, sáng tạo trong lao động sản xuất, học tập, công tác và thực hiện tốt các nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng, các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống mới... ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
1.2. Loại hình: báo viết, báo hình, báo nói (phát thanh).
1.3. Thể loại:
a) Đối với báo viết, phóng sự ảnh
+ Các tác phẩm dự thi là bài viết dài không quá 2.000 từ hoặc bài nhiều kỳ, mỗi kỳ dài không quá 2.000 từ (khuyến khích các tác phẩm kèm ảnh minh họa); tác phẩm viết tay hoặc đánh máy trên một mặt giấy khổ A4, rõ ràng, dễ đọc.
+ Đối với phóng sự ảnh, nhóm ảnh phải có ít nhất 3 ảnh; hình ảnh rõ ràng, trung thực, kèm theo chú thích và lời dẫn ngắn gọn, dễ hiểu.
b) Đối với tác phẩm Phát thanh: Cuộc thi nhận tác phẩm ở các thể loại sau:
- Phóng sự ngắn: Thời lượng không quá 05 phút
- Phóng sự: Thời lượng không quá 10 phút
- Chương trình tọa đàm: Thời lượng không quá 15 phút
Riêng thể loại phóng sự ngắn, phóng sự có thể dự thi tác phẩm thể hiện bằng tiếng dân tộc thiểu số (Tiếng Tày - Nùng; Dao).
c) Đối với Truyền hình: Cuộc thi nhận tác phẩm ở các thể loại sau:
- Phóng sự ngắn: Thời lượng không quá 05 phút.
- Phóng sự: Thời lượng không quá 10 phút
- Chương trình tọa đàm, giao lưu và Phim tài liệu truyền hình: Thời lượng không quá 30 phút.
Riêng đối với thể loại phóng sự ngắn, phóng sự có thể dự thi tác phẩm thể hiện bằng tiếng dân tộc thiểu số (Tiếng Dao, Mông).
2. Về đối tượng tham gia Cuộc thi
Gồm lực lượng cán bộ, phóng viên đang công tác tại các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh; lực lượng cộng tác viên công tác tại các Đài TT-TH cấp huyện và các ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh; các tác giả không chuyên là công dân Việt Nam đang công tác, sinh sống trên địa bàn tỉnh.
3. Thời gian tổ chức Cuộc thi
Bài dự thi được tính từ thời điểm Ban tổ chức Cuộc thi ban hành Thể lệ Cuộc thi. Hằng năm, tiến hành sơ kết, chấm và trao giải cho các tác phẩm đoạt giải của năm vào dịp 2/9. Riêng năm 2020 tổ chức trao giải của năm 2020 và Tổng kết Cuộc thi.
4. Điều kiện đối với các tác phẩm dự thi
- Những tác phẩm tham gia dự thi phải thuộc các thể tài báo chí nêu trên và đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng (theo quy định dưới đây). Nội dung phải phản ánh trung thực, khách quan, không hư cấu; tác giả chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung tác phẩm. Không được sao chép tác phẩm của người khác.
- Các tác phẩm báo viết phải được đăng tải trên chuyên mục dự thi của Báo Thái Nguyên, Báo Văn nghệ Thái Nguyên.
- Các tác phẩm báo hình, báo nói phải được sử dụng phát sóng trên Đài PT - TH tỉnh.
- Các tác phẩm dự thi không được trùng với tác phẩm đã đoạt giải tại các giải báo chí của Trung ương và Giải thưởng “Sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”” của tỉnh.
- Các thành viên Ban tổ chức không được dự thi; thành viên Ban giám khảo không được chấm bài dự thi của mình.
5. Nộp tác phẩm về BTC Cuộc thi
5.1. Hình thức nộp tác phẩm
- Đối với tác phẩm báo in: Báo Thái Nguyên, Báo Văn nghệ Thái Nguyên tập hợp, lập danh sách các tác phẩm dự thi. Ghi rõ họ, tên tác giả (kể cả với tác phẩm sử dụng bút danh), địa chỉ (hoặc đơn vị công tác) của tác giả; ngày đăng, photo số báo có tác phẩm được đăng.
- Đối với tác phẩm phát thanh: Mỗi tác phẩm in trên một đĩa CD chất lượng tốt, có ghi tên tác phẩm, thể loại, thời lượng, ngày phát sóng, tác giả, địa chỉ; gửi kèm Đề cương phóng sự, bài viết in trên giấy A4.
- Đối với tác phẩm truyền hình: Mỗi tác phẩm in trên một đĩa DVD chất lượng tốt, có ghi tên tác phẩm, thể loại, thời lượng, ngày phát sóng, tác giả, địa chỉ; gửi kèm Đề cương phóng sự, bài viết in trên giấy A4.
5.2. Số lượng tác phẩm
- Hằng năm, các cơ quan báo chí của tỉnh tổ chức sơ khảo, lựa chọn tác phẩm xuất sắc gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh theo số lượng như sau:
+ Báo Thái Nguyên: không quá 20 tác phẩm.
+ Báo Văn nghệ Thái Nguyên: không quá 10 tác phẩm.
+ Đài PT-TH tỉnh: không quá 30 tác phẩm phát thanh; không quá 30 tác phẩm truyền hình.
- Tác phẩm ở mỗi loại hình không được trùng nhau về đề tài. Nếu nội dung giống nhau, chỉ khác nhau về hình thức thể hiện, Ban Tổ chức sẽ chọn tác phẩm được đăng tải trước để chấm.
5.3. Nơi nhận tác phẩm dự thi
- Các tác phẩm dự thi nộp về một trong ba cơ quan báo chí của tỉnh để biên tập, đăng tải, đảm bảo điều kiện dự thi.
- Các tác phẩm báo in do Báo Thái Nguyên, Báo Văn nghệ Thái Nguyên sơ khảo, chọn và gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi.
- Các tác phẩm báo hình, báo phát thanh do Đài PT-TH tỉnh sơ khảo, chọn và gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi.
- Địa chỉ tiếp nhận bài của Ban Tổ chức Cuộc thi: Phòng Tuyên truyền - Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên. Số điện thoại: 02803.858.066.
6. Ban Giám khảo Cuộc thi
Ban Giám khảo do Ban Tổ chức Cuộc thi lựa chọn, thành lập, gồm các nhà báo thuộc các cơ quan báo chí của tỉnh; một số cán bộ, chuyên viên của các ban Đảng tỉnh có kinh nghiệm công tác, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu công việc.
II. GIẢI THƯỞNG
Tùy theo số lượng, chất lượng cụ thể của các tác phẩm dự thi, hằng năm, Ban tổ chức Cuộc thi sẽ quyết định cụ thể về số lượng các tác phẩm đoạt giải. Dự kiến cơ cấu như sau:
1. Loại hình báo viết
- 01 giải A
- 03 giải B
- 05 giải C
- 10 giải Khuyến khích
2. Loại hình truyền hình
- 01 giải A
- 03 giải B
- 05 giải C
- 10 giải Khuyến khích
3. Loại hình phát thanh
- 01 giải A
- 03 giải B
- 05 giải C
- 10 giải Khuyến khích
* Ngoài ra, hằng năm Ban Tổ chức sẽ xét chọn 01 tác phẩm đặc biệt xuất sắc để trao Giải đặc biệt (nếu có).
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Thể lệ này có giá trị thực hiện trong năm đầu và các năm tiếp theo (nếu không có sự thay đổi).
- Tuỳ theo tình hình, điều kiện cụ thể, hằng năm, Ban Tổ chức Cuộc thi có thể bổ sung, điều chỉnh Thể lệ Cuộc thi cho phù hợp với thực tiễn./.