Tại Hội nghị Tổng kết 6 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ (GTĐB), ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, Luật đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động GTVT, hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự ATGT, thúc đẩy phát triển GTVT và kinh tế, tăng cường hội nhập ASEAN.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai cũng đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh như: diện tích dành cho đường bộ tại các đô thị chưa đảm bảo tỉ lệ hợp lý; Phương tiện giao thông cá nhân phát triển nhanh trong khi kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, tính kết nối và sự đồng bộ chưa cao; Vận tải công cộng còn thiếu và yếu; TNGT giảm liên tục nhưng số vụ tai nạn và các chỉ số tai nạn khác còn cao, số vụ TNGT nghiêm trọng còn nhiều…
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng chỉ ra hàng loạt bất cập. “Ở Thái Lan, chỉ đại gia mới làm được vận tải. Doanh nghiệp vận tải hàng hóa của họ có hàng nghìn xe trong khi doanh nghiệp của chúng ta manh mún, không có sức mạnh cạnh tranh nên “vấn nạn” trong hoạt động kinh doanh vận tải cũng từ đây mà ra. Về quy hoạch bến xe, Luật GTĐB nói rõ bến xe thuộc kết cấu hạ tầng nghĩa là không được đánh thuế nhưng giờ vẫn đánh thuế nặng nên đè lên doanh nghiệp vận tải, người tiêu dùng...”, ông Thanh cho biết.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cũng cho rằng Luật GTĐB năm 2008 có nhiều vấn đề cần sớm bổ sung, tiếp tục hoàn thiện. Chẳng hạn như trong vận tải có quy định thời gian làm việc không được quá 10 giờ và không quá 4 giờ liên tục. Quy định này rất phù hợp với lái xe đường dài nhưng lại không phù hợp với lái xe taxi. Hoặc như loại hình kinh doanh vận tải khách hiện nay nảy sinh nhiều bất cập, cạnh tranh không lành mạnh vì xe hợp đồng có thể tranh giành với xe chạy theo tuyến cố định do không xác định điểm đi - đến…
“Người dân phải được làm những gì Nhà nước không cấm”
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định, Luật GTĐB rất quan trọng, gắn liền với người tham gia giao thông, người dân và có phạm vi điều chỉnh rộng. Luật GTĐB năm 2008 đã có kết quả rất tốt, đã tạo được hành lang pháp lý giúp cho công tác quản lý Nhà nước, đầu tư phát triển kết cấu giao thông đường bộ, công tác quản lý kinh doanh vận tải, đảm bảo ATGT được tốt hơn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, Luật GTĐB mới thực hiện 6 năm nhưng đã bộc lộ nhiều tồn tại dẫn đến những hạn chế trong công tác quản lý, chưa lường hết được sự phát triển thực tế của kinh tế đất nước và thế giới. Đặc biệt, có những điều quy định trong Luật không thực hiện được.
Từ thực tế trên, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) và Tổng cục Đường bộ VN tiếp tục tiếp thu ý kiến tham gia của các đơn vị liên quan để hoàn thành dự thảo Luật GTĐB sửa đổi. Việc sửa đổi phải phát huy được tinh thần Hiến pháp năm 2013 là người dân, doanh nghiệp được làm những gì Nhà nước không cấm. Phải đưa được tinh thần cải cách hành chính và thủ tục hành chính, giảm cơ chế xin - cho. Việc sửa Luật cần lưu ý đến cơ chế, thể chế tạo thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư đường cao tốc cũng như hạ tầng giao thông. Làm sao để chấm dứt vĩnh viễn tình trạng xe quá tải. Đặc biệt là toàn bộ những vấn đề mà người dân, doanh nghiệp làm được thì Nhà nước không nắm giữ…