Luôn được gần dân và đem lại những lợi ích thiết thực cho bà con là niềm vui lớn nhất đối với chị Lê Thị Yên, cán bộ khuyến nông huyện Phú Lương được phân công phụ trách công tác này ở xã Phấn Mễ. Trải qua hơn 20 năm gắn bó với người nông dân trên địa bàn xã, chị Yên không thể nhớ mình đã trực tiếp tham gia tập huấn, tư vấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho bà con bao nhiêu lần. Phần lớn thời gian trong công việc, chị dành để thăm đồng, tiếp xúc, lắng nghe và hỗ trợ nông dân bằng cả tâm huyết. Ngoài xã Phấn Mễ, chị cũng sẵn lòng tập huấn, tư vấn kỹ thuật cho bà con ở các địa phương trong huyện khi họ có nhu cầu và nhờ “thỉnh giảng”. Là một cán bộ, đảng viên có kinh nghiệm và uy tín, chị Yên được giao nhiệm vụ làm Cụm trưởng phụ trách công tác khuyến nông ở 4 xã, thị trấn phía Nam của huyện. Trên cương vị này, chị luôn tận tình giúp đỡ, định hướng, tư vấn kỹ năng, hỗ trợ các đồng nghiệp xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyên môn, đặc biệt là tư vấn giúp họ xử lý tốt những tình huống bất thường trong thời vụ. Nhờ tinh thần trách nhiệm và sự tâm huyết với công việc, chị Yên luôn được bà con nông dân tin tưởng, các đồng nghiệp quý trọng.
Theo đồng chí Vũ Thanh Long, Phó Bí thư Chi bộ Nông nghiệp, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phú Lương, cùng với chị Lê Thị Yên thì phần lớn cán bộ, nhân viên của Trạm phụ trách các địa bàn cũng luôn phát huy vai trò trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Điểm nổi bật là họ luôn gần gũi, sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ khi bà con nông dân có nhu cầu. Những năm gần đây, Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, tiêu biểu như mô hình cánh đồng gieo cấy một giống lúa tại các xã Động Đạt, Yên Trạch, Phấn Mễ, Cổ Lũng, Phủ Lý, Yên Đổ; các mô hình khảo nghiệm giống lúa mới, trồng cây màu, chăn nuôi tại nhiều địa phương. Hơn 1 năm qua, Trạm đã phối hợp tổ chức 150 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho hàng nghìn lượt nông dân… Đồng chí Vũ Thanh Long cho rằng, yếu tố quan trọng góp phần để Trạm hoàn thành tốt nhiệm vụ là tinh thần trách nhiệm cao của từng cán bộ, đảng viên. Cán bộ chuyên môn của Trạm đều xây dựng kế hoạch công tác chi tiết theo tháng, bám sát vào phương án sản xuất hằng năm của huyện và sự chỉ đạo của Chi bộ. Việc giao ban hằng tuần, tháng được thực hiện đều đặn, đi vào nề nếp trong nhiều năm qua. Những cán bộ, đảng viên mới đều có người hướng dẫn, giúp đỡ và giám sát thường xuyên nên nhanh chóng bắt nhịp với công việc. Lãnh đạo Trạm và các Cụm trưởng thường xuyên đi cơ sở vừa nhằm nắm bắt tình hình thực tế vừa giám sát, hỗ trợ cán bộ địa bàn về chuyên môn…
Trạm Khuyến nông là 1 trong 3 cơ quan do Chi bộ Nông nghiệp huyện lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị (cùng với Phòng Nông nghiệp và Trạm Thú y). Chi bộ là tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy Phú Lương, hiện có 35 đảng viên trên tổng số gần 60 cán bộ. Không chỉ có khó khăn đặc thù của một chi bộ ghép trong thống nhất xây dựng nghị quyết sát thực tế, nhiều đảng viên còn là cán bộ “cắm chốt” ở cơ sở nên việc duy trì sinh hoạt, đảm bảo số lượng đảng viên của Chi bộ Nông nghiệp cũng không dễ dàng. Trong nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, đồng chí Lê Thị Thúy Nguyên, Bí thư Chi bộ Nông nghiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lương cho biết: Chúng tôi coi trọng chất lượng nghị quyết và phát huy vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Mọi người đều được phân công nhiệm vụ rõ ràng gắn với trách nhiệm cụ thể. Lãnh đạo Phòng và lãnh đạo của 2 trạm (đa số là chi ủy viên) luôn gương mẫu trong công việc, đặc biệt là tích cực đi cơ sở. Ngoài ra, tôi thường xuyên nắm bắt, tham khảo thông tin về các đảng viên, cán bộ của mình thông qua phản ánh của người dân, qua cán bộ địa phương để kịp thời có những điều chỉnh, uốn nắn. Hoạt động phê bình, tự phê bình, đánh giá cán bộ luôn thẳng thắn, phát huy dân chủ, công khai giúp mọi người nghiêm túc tự nhìn nhận bản thân và có thêm động lực phấn đấu.
Đảng viên trẻ Nguyễn Lương Ngọc, cán bộ Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện chia sẻ: Dù có bằng cấp chuyên môn nhưng khi mới về công tác tại Phòng, tôi đã gặp không ít bỡ ngỡ với những công việc mới được giao. Được một đồng chí đảng viên và các đồng nghiệp có kinh nghiệm tận tình chia sẻ, giúp đỡ nên tôi nhanh chóng hòa nhập và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Học tập các đồng chí lãnh đạo, tôi thường xuyên đi cơ sở và gắn bó với người nông dân, thể hiện trách nhiệm cao trong công việc...
Để xây dựng nghị quyết có chất lượng, trước mỗi cuộc sinh hoạt Đảng, Chi ủy Chi bộ Nông nghiệp và lãnh đạo 3 cơ quan đều họp bàn nghe các ý kiến đề xuất, từ đó thống nhất nội dung họp. Các cuộc họp Chi bộ đều dành thời gian bàn sâu về những vấn đề chuyên môn trọng tâm, thời sự, bám sát vào chỉ đạo của Ngành và Huyện ủy. Vì thế, các nghị quyết đều sát thực, tránh chung chung nhưng vẫn tôn trọng nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng với lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn.
Là huyện miền núi thuần nông, những năm gần đây, lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Lương có những chuyển biến khá rõ nét. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản 5 năm qua đạt 6,2%/năm (riêng năm 2015 ước đạt 1.012 tỷ đồng theo giá cố định năm 2010); sản lượng chè búp tươi (cây thế mạnh của huyện) năm 2015 đạt 41.000 tấn, cao hơn gần 3.000 tấn so với năm 2010; bình quân hàng năm chuyển đổi được trên 200ha chè trung du sang các giống chè mới (chỉ tiêu là 75ha/năm); từ năm 2010 trở lại đây, trung bình mỗi năm người dân trong huyện trồng mới, trồng lại xấp xỉ 1.000ha rừng (chỉ tiêu là 700ha/năm); giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất nông nghiệp năm 2015 đạt 75,3 triệu đồng, cao hơn 26 triệu đồng so với năm 2010. Cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi tích cực; diện mạo nông thôn của huyện ngày một khởi sắc, hiện đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới… Những kết quả đó phần nào minh chứng cho vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Chi bộ Nông nghiệp huyện thời gian qua.