Cập nhật: Thứ sáu 13/05/2016 - 08:33
Cửa hàng bán đồ hải sản trên đường Bến Oánh (T.P Thái Nguyên) vắng người mua.
Cửa hàng bán đồ hải sản trên đường Bến Oánh (T.P Thái Nguyên) vắng người mua.

Những ngày qua, hiện tượng cá chết dọc bờ biển ở các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã khiến nhiều người dân Thái Nguyên e ngại, không dám tiêu thụ các loại hải sản. Ngược lại, các mặt hàng cá nước ngọt lại được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách quan, không phải mặt hàng hải sản nào cũng có chứa độc tố.

Dạo một vòng quanh các chợ đầu mối như: Túc Duyên, chợ Thái, Đồng Quang và một số cửa hàng hải sản đông lạnh trên địa bàn T.P Thái Nguyên chúng tôi thấy chỉ có lác đác khách hàng đến hỏi mua hàng, chủ yếu là mua tôm, cá còn sống. Còn lại đa số các cửa hàng bán đồ hải sản đông lạnh đều trong tình trạng khá ế ẩm. Anh Nguyễn Văn Thắng, nhân viên bán hàng hải sản ở phường Túc Duyên chia sẻ: Mặc dù cửa hàng của chúng tôi chủ yếu nhập các loại hải sản như cá, cua, ghẹ, mực, ngao... và các loại chả cá, chả mực từ tỉnh Quảng Ninh về Thái Nguyên tiêu thụ. Thế nhưng từ khi có thông tin cá chết chưa rõ nguyên nhân ở một số tỉnh miền Trung, sức mua của người dân giảm rõ rệt, nhà tôi bán hàng chậm hẳn, chưa được 1/4 so với trước đây. Hiện nay, mặt hàng tươi sống, cá tôm còn đang bơi thì mới có khách mua chứ hàng đông lạnh thì tuyệt nhiên không. Mặc dù ít người mua nhưng các mặt hàng hải sản vẫn giữ nguyên mức giá, không có nhiều biến động.

 

Không chỉ riêng anh Thắng, các tiểu thương kinh doanh đồ hải sản khác tại các chợ trên địa bàn T.P Thái Nguyên cũng trong tình trạng tương tự. Nếu như trước đây, cá biển là món ăn được nhiều người tin tưởng lựa chọn vì không có các chất tăng trọng nhưng bây giờ, người dân đến chợ đều tỏ ra dửng dưng vì không phân biệt được nguồn gốc cá ở đâu. Ngay cả một số quán ăn, nhà hàng lớn trên địa bàn tỉnh cũng chuyển các món ăn chế biến từ hải sản sang các món thịt và các đặc sản khác để đáp ứng nhu cầu của thực khách. Chị Lương Bích Ngọc, ở phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên) cho biết: Tôi đang nuôi con nhỏ, muốn mua mặt hàng hải sản như cua, ghẹ, cá thu... để đổi bữa cho con nhưng trước thông tin cá chết hàng loạt, sợ bị ngộ độc nên chỉ dám cho con ăn các loại thịt như thịt lợn, thịt gà và cá sông.

 

Không chỉ có mặt hàng hải sản, người dân cũng dè dặt với các sản phẩm làm từ cá, tôm như nước mắm, mắm tôm, muối. Anh Nguyễn Văn Chiến, ở phường Túc Duyên cho biết: Để đảm bảo an toàn, gia đình tôi đã đi mua 1 lô nước mắm được sản xuất từ trước thời điểm cá chết để tích trữ dùng dần. Hiện, chúng tôi không dám tiêu thụ nước mắm, mắm tôm như trước đây. Mặc dù các quầy hàng có nhân viên giới thiệu chứng nhận nguồn gốc sản phẩm không phải là cá ở miền Trung, tuy nhiên, chúng tôi vẫn ưu tiên lựa chọn các sản phẩm “an toàn hơn” như thịt gà, thịt lợn, thịt vịt.

 

Trái ngược hoàn toàn với cảnh ế ẩm của những hàng cá biển, dãy hàng cá nước ngọt lại có nhộn nhịp khách hàng đến mua. Chị Phạm Thị Oanh, tiểu thương bán cá nước ngọt trên đường Bến Oánh, T.P Thái Nguyên cho biết, bình thường mỗi ngày, tôi bán được khoảng 20kg cá các loại. Nhưng những ngày gần đây, số lượng này đã tăng lên gấp đôi và có hôm không có cá to phục vụ người tiêu dùng. Các loại cá nước ngọt như: chép, rô phi đơn tính, trắm... bán rất chạy. 2 tuần trở lại đây, sau hiện tượng cá biển chết, các loại cá sông, cá ao hồ bắt đầu tăng giá. Cụ thể, cá trắm tăng từ 50 nghìn đồng/kg lên 60 nghìn đồng/kg, cá chép tăng từ 45 nghìn đồng/kg lên 55 nghìn đồng/kg, cá rô phi tăng từ 5 -10 nghìn đồng/kg...

 

Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra được kết luận về việc cá biển chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung. Bên cạnh đó, những ngày qua, liên tiếp nhiều vụ vận chuyển cá chết theo hướng Bắc - Nam bị phát hiện và bắt giữ tại Huế, Quảng Trị, hàng chục tấn cá, nghêu chết không biết đã đi về đâu tác động không nhỏ đến tâm lý của người dân Thái Nguyên nói riêng và người tiêu dùng khắp cả nước nói chung. Chỉ khi nào nguyên nhân của sự việc được tìm ra và giải quyết thoả đáng thì các hoạt động liên quan đến đánh bắt, tiêu thụ hải sản nói chung mới dần trở lại bình thường. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ cá nước ngọt tăng đột biến cũng là tín hiệu vui đối các hộ dân nuôi tôm, nuôi cá lồng trên các hồ chứa. Tuy nhiên, việc quản lý và đảm bảo chất lượng nguồn cá nước ngọt tiêu thụ trong thời điểm này cũng là vấn đề cần được các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh quan tâm và theo sát. Đối với người tiêu dùng cũng không nên tẩy chay các loại hải sản có nguồn gốc rõ ràng, ảnh hưởng đến việc đánh bắt, tiêu thụ hải sản của ngư dân. Bởi nếu hải sản được đánh bắt từ những ngư trường xa bờ và ở các tỉnh chưa xuất hiện hiện tượng cá chết thì không bị nhiễm độc và người dân có thể yên tâm sử dụng.

Khánh Thiện