Dòng sông Cầu là điểm nhấn về cảnh quan đối với T.P Thái Nguyên nhưng nó là lại là “dải phân cách mềm” để phân biệt giữa vùng nông thôn của xã Đồng Bẩm với sự sầm uất của 2 phường trung tâm là Hoàng Văn Thụ và Trưng Vương. Bao năm qua, xã Đồng Bẩm được biết đến là vùng thuần nông bốn mùa người nông dân có rau, củ, quả đem bán. Đây cũng là vùng thường ngập lụt vào mùa lũ khi nước sông Cầu tràn vào các làng ven sông khiến người dân Đồng Bẩm bao phen phải gồng gánh chạy lụt. Cộng đồng dân cư ở Đồng Bẩm dày đặc trong các xóm nhưng giao thông nhỏ hẹp, nhà cửa xây dựng trong nhiều giai đoạn khác nhau nên giống như bức tranh có nhiều mảng tối, sáng (diện tích đất tự nhiên của xã chỉ có 402ha nhưng dân số đã lên đến trên 6 nghìn nhân khẩu). Thêm nữa, ở địa phương không ít gia đình phải gánh chịu hậu quả nặng nề của tệ xã hội, tội phạm (ma tuý, cờ bạc, trộm cắp…) tràn qua nên đã khiến một số người dân Đồng Bẩm không làm chủ được bản thân mắc lầm lỗi phải ly tán, tù tội. Đó là những việc đã từng có, xảy ra tại xã Đồng Bẩm trước đây.
Nhưng hôm nay, ai qua cầu Gia Bẩy sang đến đất Đồng Bẩm sẽ có cái nhìn khác về sự đổi mới của địa phương này bởi những cánh đồng trước kia nay dần nhường chỗ cho các khu đô thị hiện đại, trường học, nhà xưởng sản xuất, siêu thị, nhà hàng…Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Khang, Bí thư Đảng uỷ xã Đồng Bẩm cho biết: Sau gần 9 năm xã Đồng Bẩm được điều chỉnh địa giới hành chính từ huyện Đồng Hỷ về T.P Thái Nguyên, địa phương đã có những thay đổi lớn về tất cả các mặt. Đặc biệt, trong phát triển kinh tế và thay đổi diện mạo theo hướng đô thị hoá. Hiện, có nhiều dự án quy mô đã đầu tư vào xã Đồng Bẩm, như: Khu đô thị và Trung tâm thương mại PCENZA; Dự án nhà ở HUD, Đại học Việt Bắc và hàng chục dự án khác về tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại của các tổ chức, cá nhân nên đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã từ nông nghiệp là chủ đạo sang phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Cùng với đó là tỉnh, T.P Thái Nguyên đã và đang huy động các nguồn lực để tiến tới phát triển xã thành khu vực đô thị mới thông qua các dự án dọc theo hai bên bờ sông Cầu…
Xã Đồng Bẩm hiện có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, 260 hộ sản xuất kinh doanh hoạt động ổn định tại địa phương nên giá trị thương mại, dịch vụ đã đạt 130 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 800 lao động; giá trị tiểu thủ công nghiệp đạt 25,5 tỷ đồng/năm. Từ sự phát triển mạnh về kinh tế, xã có điều kiện để đầu tư phát triển các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt, như: 3 trường học, trạm y tế đã đạt chuẩn quốc gia; 98% đường giao thông được bê tông hoá, 9/10 xóm có nhà văn hoá; 100% hộ dân có điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất… Đây là những điều kiện căn bản để Đồng Bẩm chuyển từ xã thuần nông lên phường. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại đang được đẩy mạnh ở xã Đồng Bẩm. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế ổn định và bền vững, xã Đồng Bẩm vẫn xác định tầm quan trọng của lĩnh vực nông nghiệp đối với địa phương.
Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch UBND xã Đồng Bẩm thông tin: Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của xã đang dần thu hẹp với giá trị khoảng 40 tỷ đồng/năm, chiếm 17,4% cơ cấu kinh tế của xã nhưng hiện vẫn còn trên 40% dân số của địa phương sản xuất nông nghiệp nên việc duy trì nghề nông theo hướng thâm canh các loại cây trồng chất lượng cao như: rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh để người nông dân có việc làm ổn định, thu nhập quanh năm là rất quan trọng. Theo mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ xã đề ra, trong giai đoạn 2015-2020, giá trị thu nhập trên 1ha đất nông nghiệp của Đồng Bẩm phấn đấu đạt 150 triệu đồng/năm.
Qua rà soát, đánh giá của xã Đồng Bẩm khi tiến hành các bước để thực hiện Đề án lên phường trước năm 2020 thì cơ bản các tiêu chí như: các công trình kết cấu hạ tầng; quy mô dân số; tốc độ phát triển kinh tế; cơ cấu lao động; tình an ninh trật tự; đội ngũ cán bộ khối cơ quan đảng, chính quyền ở xã Đồng Bẩm đã đạt theo quy định. Mặc dù vậy, xã vẫn nhận định rõ một số khó khăn, thách thức khi thực hiện lộ trình từ xã lên phường đó chính là công tác quản lý trật tự, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường. Đồng chí Nguyễn Văn Thi cho biết thêm: Khi lấy ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đề án lên phường trước năm 2020 cơ bản nhận được sự đồng thuận cao. Song, tập thể lãnh đạo địa phương cũng xác định rõ việc một xã thuần nông lên đô thị sẽ rất khó khăn khi thực hiện công tác quản lý trật tự, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường. Chỉ đơn cử việc xây dựng công trình dân dụng phải xin cấp phép, xả rác đúng giờ, nơi quy định… không phải hộ dân nào cũng sẽ chấp hành nghiêm túc ngay từ đầu bởi thói quen, ý thức trách nhiệm. Do vậy, đạt được mục tiêu lớn này, ngoài sự nỗ lực của địa phương, chúng tôi rất cần sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của cấp trên; nguồn lực đầu tư của các tổ chức, cá nhân vào phát triển kinh tế tại địa phương.
Trong nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ xã Đồng Bẩm (nhiệm kỳ 2015-2020) đã đề ra chỉ tiêu hoàn thành các tiêu chí để chuyển đổi thành công từ xã lên phường trước năm 2020. Đây là mục tiêu không dễ thực hiện nên cả hệ thống chính trị của xã đã, đang vào cuộc quyết liệt để vận động cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân địa phương nêu cao ý thức, trách nhiệm; tinh thần đoàn kết để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện các lĩnh vực của địa phương.