Cập nhật: Thứ ba 12/07/2016 - 16:36
Vườn chuối tiêu với trên 50 gốc liên tục ra quả, góp phần chủ động khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ tại Trường Mầm non Núi Voi, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ).
Vườn chuối tiêu với trên 50 gốc liên tục ra quả, góp phần chủ động khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ tại Trường Mầm non Núi Voi, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ).

Trước thực tế thực phẩm sạch hiện nay cung chưa đủ cầu và còn gặp nhiều khó khăn trong chuỗi sản xuất, lưu thông và tiêu dùng, ngành Giáo dục - Đào tạo huyện Đồng Hỷ đã có nhiều biện pháp kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hiệu quả. Gia đình, nhà trường, nhà cung ứng cùng cam kết trách nhiệm về nguồn gốc thực phẩm, từ đó tạo được sự an tâm với phụ huynh học sinh và xã hội.

Huyện Đồng Hỷ có 20 trường mầm non và 17 trường tiểu học với lưu lượng trên 9.000 trẻ học bán trú, trong đó có hàng chục điểm trường, phân trường nằm rải rác, cách xa trung tâm xã, vì vậy vấn đề quản lý ATVSTP là rất khó khăn. Làm thế nào để vừa bảo đảm đủ chế độ dinh dưỡng cho trẻ, không tăng giá thành, phụ thu và luôn bảo đảm thực phẩm sạch, tươi và an toàn là vấn đề khiến không ít ban giám hiệu các trường băn khoăn tìm giải pháp kiểm soát.

 

Bà  Đoàn Thị Huyền, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện chia sẻ: Do địa hình phức tạp, trình độ dân trí, đời sống và thu nhập không đồng đều, nên thực hiện quản lý tập trung về ATVSTP theo khuôn mẫu đồng bộ thống nhất toàn ngành là rất khó. Có những điểm trường cách trường chính 3-4km, nếu quy định thống nhất theo một mẫu thực đơn, hoặc một vài nhà cung ứng thực phẩm theo tiêu chuẩn thì không thể chuyển đến bến ăn kịp giờ. Nếu để tự cung, tự cấp, tự lo không có kiểm soát thì nguy cơ về mất an toàn rất cao. Chưa kể đến những ảnh hưởng do thực phẩm không bảo đảm chất lượng đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ em về sau này… Từ thực tế này, ngành GD&ĐT huyện đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các trường, đội ngũ cô nuôi, hội phụ huynh học sinh và của chính quyền địa phương, từ đó xây dựng cơ chế và những quy định bảo đảm phù hợp với thực tế.

 

Tại Trường Mầm non xã Văn Hán, dù có đến 10 điểm trường lẻ, nằm trong các khe núi, cách trường chính từ 2-4km, nhưng Ban Giám hiệu Nhà trường đã xây dựng cơ chế khép kín: Ký hợp đồng với các hộ làm dịch vụ kinh doanh thực phẩm tại xã theo các quy chuẩn: Rau mua tại vườn, có nguồn gốc nhật trình hàng ngày, quy trình chăm sóc đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; Thịt, cá phải được cơ quan chuyên môn kiểm dịch trước khi giao đến bếp ăn; Hình thức giao nhận “tay ba” (nhà trường - cô nuôi - nhà cung cấp). Với các điểm trường ở xa, trường trung tâm tổ chức chế biến tập trung, sau đó chia thức ăn chín để các cô nuôi vận chuyển về các điểm trường. Bên cạnh các quy định tiêu chuẩn về chứng chỉ hành nghề, sức khỏe của đầu bếp, cô nuôi, mỗi năm học, Trường lựa chọn đội ngũ tiếp phẩm làm dịch vụ cung cấp thực phẩm đến bếp ăn hàng ngày phải là phụ huynh, người thân ruột thịt của chính con, cháu họ đang được chăm sóc tại Trường và các điểm trường. Điều này góp phần tăng thêm trách nhiệm của gia đình, xã hội với việc chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho chính con cháu mình. Từ cách làm của xã Văn Hán, mô hình bếp ăn ATVSTP đã được toàn ngành áp dụng và duy trì trong những năm học vừa qua.

 

Ngoài ra, nhiều trường đã chủ động trồng rau sạch trong điều kiện thực tế của Nhà trường. Cô giáo La Thị Mai Hoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Núi Voi (thị trấn Chùa Hang) bày tỏ suy nghĩ của mình: Trong điều kiện có thể, chúng tôi vẫn tận dụng các diện tích đất tự túc làm vườn rau, thậm chí trồng rau trong thùng xốp. Thực chất việc tự túc trồng rau, xây dựng mô hình vườn cây dinh dưỡng cũng là cho trẻ em có điều kiện ăn thức ăn tốt, an toàn và gia đình con trẻ cũng an tâm, mà thêm gắn bó với Nhà trường... Với lưu lượng 300 trẻ/năm, mức độ tiêu thụ hàng ngày gần 40kg thực phẩm, nếu không chủ động, linh hoạt thì chắc chắn bữa ăn sẽ thừa, hoặc thiếu dinh dưỡng, thậm chí là không an toàn. Chính vì vậy, bên cạnh thực hiện nghiêm các hợp đồng mua thực phẩm theo quy định của ngành, Nhà trường còn cắt cử giáo viên chủ động cải tạo vườn trồng rau sạch theo mùa, đảm bảo lo được từ 30-40% thực phẩm mỗi bữa ăn.

 

Có mặt tại Trường Mầm non xã Hóa Thượng vào đúng giờ chuẩn bị bữa trưa, cô giáo Nguyễn Kim Dung, Hiệu trưởng Nhà trường đưa chúng tôi tham quan trực tiếp khu chế biến thức ăn của nhà bếp. Tất cả bát đũa, thìa đều được khử khuẩn qua nồi nước đang sôi trên bếp, rồi chuyển ra quạt khô. Cô Dung chia sẻ: “Trường có trên 700 trẻ, có đến 4 điểm trường nhỏ lẻ, không thể ngày nào lãnh đạo ngành, Trường cũng đi kiểm tra từng bếp ăn được. Nhưng khi đã có quy định cụ thể của ngành thì tất cả các bếp ăn đều nghiêm túc thực hiện. Cứ vào đầu năm học là kiểm tra sức khỏe cô nuôi; đột xuất và thường xuyên kiểm tra sức khỏe nhà tiếp phẩm, kiểm tra năng lực, điều kiện thực hiện các quy định về ATVSTP trong khâu cung ứng, tiếp phẩm. Bên cạnh đó, Trường còn tổ chức tự túc được gần 1.000m2 vườn rau xanh phục vụ cho các bếp ăn”. Trăn trở về vấn đề hợp đồng cung ứng thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, cung ứng và tiêu dùng khép kín chuẩn theo quy định về VSATTP, cô Dung cho biết thêm: “Bếp ăn tập thể là nơi có nguy cơ cao nhất về tác động của vấn đề mất ATVSTP. Thực tế Nhà trường cũng đã đến các nhà vườn trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap, trang trại chăn nuôi có chứng nhận ATVSTP…, nhưng các nhà vườn, trang trại này lại cần hợp đồng số lượng lớn, mà họ chỉ thu hoạch trong thời gian ngắn để luân canh. Nếu có hợp đồng mua thì cũng chỉ được vài ngày là hết. Mặt khác, các nhà vườn, trang trại lại nuôi, trồng ít chủng loại rau, thịt (thường chỉ một đến hai chủng loại) không đáp ứng nhu cầu đa dạng bữa ăn cho trẻ và các khu nuôi, trồng này lại nằm phân tán ở nhiều địa phương, nên khó đi lấy và cung ứng kịp đến bếp ăn hàng ngày”.

 

Có thể thấy, mặc dù chưa có nhiều vườn rau sạch tự túc trong khuôn viên các nhà trường, nhưng tính chủ động trong kiểm soát ATVSTP và giảm thiểu sự mất an toàn trong mỗi bữa ăn cho trẻ nhỏ đã được ngành GD&ĐT huyện Đồng Hỷ rất chú trọng. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn về ATVSTP, nhưng mỗi trường, mỗi bếp ăn có cách vận dụng phù hợp thực tế đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức trong xã hội về vấn đề ATVSTP.       

Trang Nhiên
(Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên)