Ông Nguyễn Ngọc Vàng, Trưởng xóm Vang, xã Liên Minh cho biết: Hiện nay, Công ty TNHH Anh Thắng đang khai thác vàng sa khoáng tại khu vực suối Nhâu. Vì vậy, bà con trong xóm rất lo ngại cát và bùn thải tràn vào ruộng canh tác ở khu vực hạ lưu, bởi khi có mưa to lượng nước từ các sườn núi đổ về dòng suối này rất lớn, có thể gây ra lũ quét… Khảo sát hiện trường, chúng tôi nhận thấy tại khu vực khai thác vàng sa khoáng của Công ty TNHH Anh Thắng có những ụ cát rất to (lên tới hàng nghìn mét khối) nằm giữa lòng suối Nhâu. Do đó, sự lo lắng của người dân là có cơ sở. Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Anh Thắng, Giám đốc Công ty thông tin: Thời điểm này, Công ty đã tạm dừng hoạt động khai thác vàng sa khoáng nhưng vẫn tích cực gia cố các hồ lắng chứa bùn thải. Đồng thời, đơn vị cũng đang di chuyển một khối lượng cát khá lớn ra khỏi khu vực lòng suối Nhâu để đề phòng lũ quét cuốn trôi đất cát tràn vào ruộng canh tác của bà con. Dự kiến trong vài ngày tới Công ty sẽ di chuyển toàn bộ lượng cát đến nơi an toàn…
Được biết, trên địa bàn huyện Võ Nhai hiện có 25 đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản với vị trí chủ yếu nằm ở đầu nguồn nước, nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất đá. Chính vì vậy, nếu các hồ chứa bùn thải không được gia cố, quản lý theo đúng quy trình sẽ dễ phát tán ra môi trường. Trong số 25 mỏ khoáng sản đang hoạt động thì có 17 mỏ khoáng sản kim loại (chủ yếu là vàng), còn lại là các mỏ khai thác vật liệu xây dựng (đá và cát sỏi). Thời gian trước, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở Võ Nhai đã làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại khu vực thượng nguồn các con sông, suối, gây bức xúc trong dư luận. Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và bằng nhiều giải pháp (như tăng cường kiểm tra, lập chốt liên ngành xử lý dứt điểm những “điểm nóng” khai thác trái phép) nên thời gian gần đây, vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn đã từng bước được kiềm chế.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện cho biết: Việc khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề nóng, được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Vào mùa mưa lũ, hoạt động khai thác khoáng sản tiềm ẩn nguy cơ phát tán bùn thải ra môi trường nên huyện đã thành lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra tại một số điểm nóng như: Khe Mắm, bãi Sạt ở xóm Thượng Kim (xã Thần Sa); kiểm tra hồ đập chứa bùn thải của 3 đơn vị khai thác chì, kẽm tại xã Cúc Đường của Công ty TNHH Một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên; khai thác vàng của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long ở xã Thần Sa; khu vực nghiền và tuyển xỉ quặng ở xã La Hiên của Công ty Khoáng sản Hồng Hưng… Qua đó cho thấy hầu hết các đơn vị được cấp phép đều có hệ thống hồ lắng với bờ đập cơ bản bảo đảm. Đối với khu vực bùn thải có nguy cơ phát tán ra môi trường, đoàn kiểm tra cũng yêu cầu các đơn vị có phương án di chuyển đến nơi an toàn trong thời gian sớm nhất…
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai khoáng đủ điều kiện hoạt động, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã tăng cường công tác quản lý tại nơi khai thác. Địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép hoặc khai thác gây ô nhiễm môi trường mà không báo cáo kịp thời với cấp trên, đến khi bị phát hiện và xử lý thì lãnh đạo địa phương đó sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Để quản lý tốt các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, huyện đã lập 6 đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra tại các khu vực khai thác khoáng sản. Qua đó đã phát hiện, nhắc nhở 10 đơn vị vi phạm. Đến nay, tình trạng gây ô nhiễm môi trường do khái thác khoáng sản đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, với việc dòng suối Hạ Kim chảy qua địa bàn xã Thần Sa hiện đang bị ô nhiễm nặng do Công ty Kim Ngân đang khai thác khoáng sản bên địa bàn huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) gây ra, huyện Võ Nhai đã có công văn đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra để phối hợp với huyện Chợ Mới xử lý dứt điểm tình trạng trên… Bên cạnh đó, việc cấp phép cho các đơn vị khai thác khoáng sản đã góp phần ngăn chăn được tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và quản lý hiệu quả các vấn đề về môi trường.
Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn nhưng theo lãnh đạo huyện Võ Nhai, địa phương vẫn không thể chủ quan, lơ là mà cần thường xuyên tiến hành kiểm tra và tăng cường các giải pháp quản lý hiệu quả hơn nữa. Trong đó, vấn đề phòng ngừa ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản cần tiếp tục được quan tâm.