Với số dư nợ tính đến cuối tháng 8 này là 6.800 tỷ đồng, trong đó có tới 83% cho vay doanh nghiệp (DN), NH Thương mại cổ phẩn Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên từ nhiều năm qua luôn được biết đến là NH cho vay DN lớn nhất trên địa bàn tỉnh. So với cuối năm 2015, hiện nay dư nợ tín dụng của Chi nhánh NH này tăng tới 12,8%, còn nếu tính dư nợ tín dụng bình quân thì tốc độ tăng cũng đạt tới 11,94%. Con số này có thể nói là niềm mơ ước của hầu hết các NH trên địa bàn. Vậy nhưng, ông Hà Mậu Quý, Giám đốc BIDV Chi nhánh tỉnh vẫn cho rằng chưa khi nào hoạt động của Chi nhánh lại khó khăn như năm nay, trong đó vấn đề xử lý nợ được nhắc đến nhiều nhất. Điều này có gì mâu thuẫn khi tỷ lệ nợ xấu của Chi nhánh hiện nay chỉ là 0,2% trên tổng dư nợ (tương ứng với 2,2 tỷ đồng)?
Ông Hà Mậu Quý phân tích: Những năm 2011-2013, nền kinh tế thế giới và trong nước khủng hoảng đã tác động không nhỏ đến hoạt động của các DN trên địa bàn tỉnh, khiến nhiều DN phải rời thương trường, đối với những DN có khả năng hoạt động tiếp cũng không tránh khỏi một số khó khăn. Trước thực trạng này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NH Nhà nước, các NH thương mại đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho DN, đồng thời tiếp tục cho vay mới đối với những DN có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi. Sau 3 năm được gia hạn, từ năm 2015, các DN bắt đầu phải trả một phần nợ cùng với số nợ và lãi mới. Đối với những DN đã phục hồi thì việc trả nợ không quá khó khăn (nhưng tỷ lệ này không nhiều), còn với những DN chưa hoàn toàn bình phục, thậm chí tiếp tục gặp khó khăn thì hoặc phải chấp nhận để NH bán đấu giá phần tài sản đã thế chấp, hoặc phải vay chỗ nọ, mượn chỗ kia để có tiền trả NH.
Cũng bởi một phần lý do đó nên trong số nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý gồm: nợ đã quá hạn từ 10-90 ngày, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu) của Chi nhánh luôn ở con số vài chục tỷ đồng (hiện nay là hơn 40 tỷ đồng). Ngoài ra, trong phần “dư nợ hạch toán ngoại bảng” của Chi nhánh hiện vẫn còn gần 86 tỷ đồng. Đây là số nợ của khách hàng (chủ yếu là DN) mà Chi nhánh đã dùng quỹ trích lập dự phòng rủi ro để bù vào nên được đưa ra khỏi danh sách nợ xấu chứ trên thực tế, NH vẫn phải tiếp tục đòi khách hàng số nợ này. Điều này ở một góc độ nào đó có thể hiểu, nợ xấu của BIDV Thái Nguyên hiện không phải là 2,2 tỷ đồng, mà là 88 tỷ đồng.
Khác với BIDV, ông Nguyễn Thùy Dương, Giám đốc NH Thương mại cổ phần Ngoại thương (Vietcombank) Chi nhánh Thái Nguyên thì lại cho rằng việc một số DN FDI gặp khó khăn trong làm các thủ tục liên quan đến đất đai, quyền sở hữu tài sản trên đất đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến NH ở một số hoạt động. Có những DN được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động trong năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện được hồ sơ. Bởi thế, một số chỉ tiêu như doanh số thanh toán xuất nhập khẩu của Chi nhánh nhiều khả năng sẽ không hoàn thành kế hoạch, bởi đến cuối tháng 8 mới đạt trên 50% (kế hoạch cả năm của đơn vị là 185-190 triệu USD). Ông Dương cho rằng, nếu cấp ủy, chính quyền quan tâm nhiều hơn đến việc tháo gỡ khó khăn cho DN trong sản xuất, kinh doanh cũng có nghĩa đang giúp cho hệ thống ngân hàng tỉnh hoạt động tốt hơn.
Đối với những NH được xếp ở tốp trên là thế, còn các NH thương mại cổ phần có quy mô nhỏ, thời gian hoạt động chưa lâu thì thế nào? Lãnh đạo nhiều NH không giấu giếm, khó khăn lớn nhất của họ chính là tìm được khách hàng lớn và tốt (có tiềm lực và khả năng thanh toán), bởi trên thực tế, phần lớn đối tượng khách hàng này đều đã và đang là đối tác của các NH lớn (do lãi suất cho vay của các NH này thường thấp hơn các NH nhỏ, các dịch vụ khác cũng nhiều và tốt hơn). Vì thế, đối tượng khách hàng mà các NH nhỏ thường hướng tới là cá nhân, với các khoản vay tiêu dùng. Để hấp dẫn khách hàng, điều kiện cho vay của các NH nhỏ nhìn chung dễ dàng hơn. Nhưng chính điều này lại là nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ xấu của các NH Thương mại cổ phần nhỏ thường cao hơn các NH lớn, thậm chí có thời điểm, có NH tỷ lệ nợ xấu ở mức 2 con số.
Chủ yếu cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (với trên 54 nghìn khách hàng vay), theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc NH Nông nghiệp - PTNT (Agribank) Chi nhánh Thái Nguyên, 8 tháng đầu năm nay, dư nợ cho vay DN của Chi nhánh không tăng (vẫn là 1.800 tỷ đồng như cuối năm 2015), thậm chí có thời điểm còn giảm, mặc dù Chi nhánh có tới 180 DN vay. Tuy nhiên, bù lại ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Chi nhánh lại đạt được mức tăng trưởng tín dụng khá, với số vay tăng tới 720 tỷ đồng so với cuối năm 2015 (tăng 14,7%), nâng tổng dư nợ của Chi nhánh hiện lên 7.400 tỷ đồng. Tính chung, tăng trưởng tín dụng của Chi nhánh đến cuối tháng 8 tăng 10,7%. Điều này phần nào cho thấy, nhu cầu cũng như khả năng hấp thụ vốn của người dân khu vực nông thôn hiện khá tốt.
Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho rằng, về cơ bản, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh trong 8 tháng đầu năm nay, hoạt động của hệ thống NH trên địa bàn thời gian qua có khá nhiều thuận lợi, song không phải không có những khó khăn, nhất là đối với những NH có dư nợ cho vay DN lớn. Đánh giá tổng thể thì các NH trên địa bàn hiện cơ bản đạt được các mục tiêu, kế hoạch đề ra. Tính đến cuối tháng 7, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài trên địa bàn đạt 36.289 tỷ đồng, tăng 9,18% (toàn ngành tăng 8,54%); tổng nguồn vốn huy động đạt 36.355 tỷ đồng, tăng 12,78% (so với cuối năm 2015). Với kết quả này, mục tiêu mà NH Nhà nước phấn đấu là mức tăng trưởng tín dụng cả năm từ 18-20% hoàn toàn có thể đạt được.
Có thể nói, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN và người dân có tác động trực tiếp đến các hoạt động của NH, nhất là trong huy động vốn và cho vay. Nói cách khác, qua hoạt động của NH, chúng ta có thể thấy phần nào bức tranh phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Trước những khó khăn hiện nay trong xử lý nợ của các NH cùng những vướng mắc về thủ tục đất đai, đầu tư đối với DN, rất cần được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm nhiều hơn để vấn đề nợ xấu - vốn được ví như “cục máu đông” của nền kinh tế - không phình thêm mà sẽ tan dần. Còn các DN sản xuất, kinh doanh thì thuận lợi hơn trong quá trình hoạt động, từ đó giúp ổn định “sức khỏe” cho cả nền kinh tế lâu dài, bền vững.