Kỳ I: Kỳ vọng vào các khu tái định cư tập trung
Mong từng ngày ra khỏi vùng nguy hiểm
Ông Nguyễn Văn Hợp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn: Thông thường phải mất khoảng thời gian từ 3-5 năm thì những hộ dân di dời khỏi vùng nguy cơ thiên tai mới ổn định cuộc sống ở khu TĐC. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư xây dựng các khu TĐC hạn hẹp, chúng tôi đề nghị các địa phương trong tỉnh nên sử dụng nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, đề án để hỗ trợ thêm kinh phí giúp người dân ở các khu TĐC mua đất sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp.
Anh Hoàng Đình Thuỳ, xã Linh Thông (Định Hoá): Chúng tôi luôn sống trong sự lo sợ bởi thời tiết bất thường, sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng khu TĐC cũng phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu để người dân có thể sản xuất, sinh hoạt vì có an cư mới lạc nghiệp. |
Nhà ở sát núi Nản (núi đá vôi), gia đình anh Hoàng Đình Thùy, xóm Nà Chát, xã Linh Thông (Định Hóa) nhiều phen hú vía vì đá lở lăn từ trên đỉnh núi xuống. Dẫn chúng tôi ra xem một tảng đá to bằng cả gian nhà đang án ngữ ngay đầu hồi, anh Thùy lo lắng: Tảng đá này lăn xuống đây từ mùa mưa bão năm ngoái, may mắn là nó không trúng nhà, không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng cũng gây thiệt hại về cây trồng trong vườn. Một vài tảng đá nhỏ hơn thỉnh thoảng lăn xuống vườn khiến tôi rất lo. Lâu nay, dù muốn chuyển đi chỗ khác nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình tôi chưa tự xoay xở được. Chúng tôi mong từng ngày để được chuyển ra khu tái định cư (TĐC) cho an toàn. Cán bộ địa phương này phản ánh, ngoài gia đình anh Hoàng Đình Thùy, còn một số hộ dân khác sống gần dãy núi Nản cũng từng bị đá lở gây thiệt hại về tài sản.
Theo thống kê, rà soát của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, xã Linh Thông hiện có trên 30 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất đá hoặc lũ quét cần phải di chuyển chỗ ở (nguy hiểm nhất là những hộ dân có nhà sát núi Nản). Vì vậy, khi Nhà nước có chủ trương xây dựng khu TĐC Linh Thông để các hộ dân di chuyển phòng tránh thiên tai, người dân đều đồng thuận và mong công trình sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Tâm trạng tương tự, các hộ dân thuộc xóm Bậu, xã Bình Long (Võ Nhai) cũng mong mỏi sớm được chuyển nơi ở để thoát khỏi tình cảnh bị lũ lụt cuốn trôi tài sản, nguy hiểm đến tính mạng. Anh Nguyễn Văn Trọng, Trưởng xóm Bậu cho biết: 20 hộ dân trong xóm nằm trong vùng trũng, là nơi giao nhau giữa suối An Bình và sông Dong nên mỗi khi trời mưa to, nước dâng cao là nhà cửa, ruộng vườn bị ngập ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sản xuất. Người dân rất phấn khởi khi cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng khu TĐC vì sẽ được cấp đất ở, hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ, riêng các hộ nghèo được nhận thêm 20 triệu đồng/hộ.
Không chỉ các trường hợp vừa nêu, nhiều hộ dân đang sống trong các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn tỉnh đều mong mỏi được Nhà nước quan tâm hỗ trợ, bố trí đất TĐC để sớm chuyển đến nơi ở an toàn. Đáp ứng nguyện vọng đó, nhiều khu TĐC tập trung đã, đang được xây dựng, lập dự án triển khai ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Nguồn lực lớn đầu tư vì người dân
Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh, thực hiện Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai theo Quyết định 1776/QĐ-TTg, trong giai đoạn 2011-2015, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 8 dự án TĐC tập trung với số vốn Nhà nước cấp là trên 260 tỷ đồng (ngành Nông nghiệp và PTNT được giao làm chủ đầu tư số vốn khoảng 180 tỷ đồng). Trong đó, có 2 dự án đã hoàn thành, 6 dự án được đầu tư chuyển tiếp giai đoạn 2015-2020. Cụ thể như: Khu TĐC xóm Dưới 1, xã Văn Yên vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng và khu TĐC Đồi Tròn, xã Lục Ba đầu tư 16 tỷ đồng để di dời 113 hộ dân của huyện Đại Từ nằm trong vùng nguy cơ bị ngập lụt, lũ ống, sạt lở. Khu TĐC hồ Gành Chè, xã Bình Sơn (T.P Sông Công) đầu tư 13 tỷ đồng để đưa trên 60 hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm và đến nay các hộ này đã an cư, lạc nghiệp.
Khu TĐC Tam Va, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) có diện tích khoảng 4ha, tổng vốn đầu tư gần 44 tỷ đồng, phục vụ TĐC cho khoảng 60 hộ dân xóm Mỏ Nước và một số hộ khác nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất đá thuộc xã Văn Lăng. Tương tự, 5 khu TĐC đang được xây dựng để di dời những hộ đang sống trong vùng nguy hiểm. Tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh có gần 200 hộ dân (trong đó có 73 hộ dân là người dân tộc thiểu số) trong vùng có nguy cơ thiên tai được bố trí TĐC tập trung, 140 hộ được bố trí xen ghép hoặc ổn định tại chỗ. Cùng với đó là nhiều công trình phúc lợi công cộng nằm trong Chương trình này, như: đường giao thông, cầu treo, chợ, công trình thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, nhà văn hoá… được xây dựng để phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân các khu TĐC và người dân ở những khu vực lân cận.
Để di dời được số hộ dân trong tỉnh nằm trong vùng nguy cơ thiên tai trong thời gian qua, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các khu TĐC tập trung... Cho thấy đây là công việc rất tốn kém và phức tạp nhưng vì tính mạng, tài sản và đời sống của nhân dân, Nhà nước vẫn tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực đầu tư ngày càng lớn.