Cập nhật: Thứ sáu 23/09/2016 - 08:13

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa đưa ra đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố”. Tuy đề án này mới chỉ là dự thảo và đang tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học để hoàn thiện trước khi báo cáo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, nhưng đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Đề án được chia ra các giai đoạn để triển khai thực hiện. Theo đó, giai đoạn 1 bắt đầu từ năm 2020, sẽ hạn chế xe máy đi lại trong khu vực phố cổ 2 ngày cuối tuần, lễ, Tết. Từ năm 2021 cấm xe máy vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7 giờ đến 19 giờ hằng ngày; hạn chế xe máy đi lại trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.

 

Giai đoạn 2 từ năm 2023, cấm xe máy trong vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...). Giai đoạn 3, đến năm 2025 cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3.

 


Thực ra vấn đề cấm hoặc hạn chế phương tiện cá nhân trong đó có xe máy đã được nêu ra tại hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội ngày 27/6 vừa qua. Theo đó, Hà Nội định hướng đến 2025 sẽ cấm xe máy cá nhân đi lại trong nội đô. Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ cuối năm 2015, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề xuất Chính phủ cho phép Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

 


Như vậy là vấn đề khó khăn nhất trong giao thông nói chung và việc đi lại của người dân tại Hà Nội đã được đưa lên chương trình nghị sự của Đảng bộ và chính quyền Thủ đô nhiệm kỳ này.

 


Việc cấm phương tiện cá nhân (gồm xe máy và ô tô) đã nêu ra nhiều lần, ở Hội đồng nhân dân thành phố, ở nhiều diễn đàn, trong nhiều chương trình nghị sự trong hàng chục năm qua nhưng cuối cùng vẫn không đi tới đâu do nhiều nguyên nhân, có cả khách quan và chủ quan; và đặc biệt là do tầm nhìn ngắn hạn của không ít người có trách nhiệm về mặt khoa học và quản lý. Viêc cấm xe máy dù được đề cập đến một cách nghiêm túc, đôi khi là cấp bách, nhưng không có một giải pháp rõ ràng, không có lộ trình thực hiện hợp lý nên nhiều ý tưởng hay đã không thành hiện thực. Hậu quả là tai nạn giao thông, nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mất trật tự, mỹ quan đô thị mà thủ phạm lớn nhất là xe máy, vẫn không được hạn chế. Xe máy, xe ô tô cá nhân vẫn “liên tục phát triển” làm cho bức tranh giao thông và diện mạo đô thị tại thủ đô Hà Nội ngày càng thêm các điểm nóng và các “hố đen”.


Vậy nguyên nhân của thực trạng này ở đâu? Xin thưa, nó ở ngay trong nhận thức của nhiều người có trách nhiệm, sự ngại khó khi phải đối mặt với một vấn đề đã trở thành nỗi bức xúc hàng ngày của mỗi người dân khi đi ra đường, cũng là sự nhạy cảm gắn với đời sống thường nhật và sự mưu sinh của một bộ phận lớn dân chúng. Do đó, mọi quyết định về số phận chiếc xe máy của người dân không chỉ là vấn đề giao thông, và trật tự đô thị mà còn mang ý nghĩa kinh tế, xã hội sâu sắc; ảnh hưởng tức thì đến hàng triệu người. Cũng có thể nói là nó tác động đến gần như toàn bộ sinh hoạt, đời sống của người dân thành phố.


Cứ mỗi khi có một chủ trương nào đó về cấm hay hạn chế xe máy, thì trên các phương tiện truyền thông luôn lặp lại một câu hỏi rất quen thuộc của không ít người đạt “tầm chuyên gia” rằng “cấm xe máy thì dân đi lại bằng gì?”, rồi người ta viện dẫn về sự yếu kém của hạ tầng giao thông, của dịch vụ vận tải hành khách công cộng không đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân v.v… để cho xe máy tiếp tục tồn tại và phát triển đến mức có lúc làm “vỡ trận” giao thông.


Hạn chế dần để đi đến cấm hoàn toàn xe máy là một việc nhất định phải làm đối với các đô thị lớn; các đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Để làm được việc này ngoài việc cần phải có lộ trình thực hiện hợp lý - không nóng vội nhưng cũng không thể chậm trễ hơn - là khai thác các tiềm năng về giao thông thủy ở Hà Nội, đầu tư cho phương tiện, mở rộng các loạt hình dịch vụ xe buýt, tàu điện… làm cho những người quen đi lại bằng xe máy thích hợp dần với việc đi lại bằng các phương tiện vân tải công cộng. Chúng ta đang gặp một nghịch lý là xe máy càng nhiều thì lấn chiếm vỉa hè càng lớn, chiếm mất không gian đi bộ làm cho người đi xe buýt càng thêm ngại ngần. Một khi tăng cường các phương tiện và tuyến xe buýt, người đi xe buýt nhiều hơn sẽ làm đường thông hè thoáng; khi đó xe buýt sẽ thực sự là phương tiện đi lại của đa số người tham gia giao thông như các thành phố văn minh trên thế giới.


Có một dự báo rất đáng lưu ý, đến năm 2020 Hà Nội sẽ có 938.000 ôtô, hơn 6,2 triệu xe máy,nếu toàn bộ phương tiện lưu hành với vận tốc 20 km/h thì diện tích chiếm dụng vượt 502% (5 lần) diện tích mặt đường của thành phố. Đến năm 2025 sẽ có 1,3 triệu ôtô, 7,3 triệu xe máy, diện tích chiếm dụng sẽ vượt 690% (vượt 6,9 lần). Như vậy tình trạng ùn tắc giao thông sẽ này càng trầm trọng hơn. Do vậy, việc hạn chế phương tiện cá nhân, đi đến cấm xe máy là một vấn đề nhất định phải được thực hiện. Để giải được bài toán khó này, trước hết mỗi người dân khi đi xe máy phải thấy được trách nhiệm của mình trong đó; rằng việc cấm xe máy không chỉ là việc của chính quyền mà cần sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Cần tạo ra một diễn đàn hiến kế sâu rộng, thực chất của toàn xã hội về việc không đi xe máy trong thành phố vì quyền lợi của mỗi người dân và sự văn minh, tiến bộ của Thủ đô Hà Nội.


Trước một chủ trương mới đều cần các ý kiến phản biện khách quan, khoa học nhưng phải là phản biện tích cực, xây dựng. Phản biện để chỉ ra những khó khăn để người dân và chính quyền đồng lòng, chung sức vượt qua. Còn kiểu phản biện để rồi bàn lùi, thiếu tính xây dựng sẽ không đóng góp gì cho xã hội.Hạn chế phương tiện cá nhân, đi đến cấm xe máy vào thành phố là hợp với qui luật phát triển, là một việc khó nhưng kiên quyết phải ủng hộ, phải thực hiện./.


TNĐT