Cập nhật: Thứ ba 25/10/2016 - 09:00
Mặc dù đã đưa vào sử dụng từ cuối năm 2014 nhưng đến nay công trình đường giao thông ở xóm Na Pặng, xã Ôn Lương (Phú Lương) vẫn còn nợ đọng vốn xây dựng cơ bản.
Mặc dù đã đưa vào sử dụng từ cuối năm 2014 nhưng đến nay công trình đường giao thông ở xóm Na Pặng, xã Ôn Lương (Phú Lương) vẫn còn nợ đọng vốn xây dựng cơ bản.

Thời gian qua, việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đặt ra được nhiều người quan tâm là tình hình nợ xây dựng cơ bản (XDCB). Thực tế này đang là thách thức không nhỏ đối với nhiều địa phương, nhất là những xã đã và sắp “về đích” nông thôn mới. Bởi qua khảo sát của chúng tôi, số nợ thực tế trong toàn tỉnh hiện lớn hơn nhiều con số 250 tỷ đồng mà Sở Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp.

Tiếng nói từ cơ sở

 

Nhìn từ một xã điểm nông thôn mới

 

Theo báo cáo tổng hợp của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Phú Lương, tính đến cuối năm 2015, xã Ôn Lương có tổng nợ XDCB là 19 tỷ đồng. Trong đó có 3,6 tỷ đồng phần đối ứng của người dân (trong số này đã thu được hơn 2,6 tỷ đồng nhưng chưa quyết toán, gần 1 tỷ đồng còn lại chưa thu được). Trong 9 tháng của năm nay, xã thanh toán được 1,178 tỷ đồng, gồm 803 triệu đồng ngân sách huyện hỗ trợ xây dựng nông thôn mới (XDNTM), ngân sách xã là 70 triệu đồng, nhân dân đóng góp 305 triệu đồng; số nợ còn lại của xã xấp xỉ 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo số 980/BC-SKHĐT ngày 5-7-2016 của Sở Kế hoạch - Đầu tư, tính đến cuối năm 2015, xã Ôn Lương có tổng nợ XDCB là 15,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện nợ 12 tỷ đồng.

 

Nguyên nhân nào dẫn đến số nợ này? Theo ông Nguyễn Thanh Hiền, Chủ tịch UBND xã Ôn Lương: Là xã đặc biệt khó khăn, khi bắt đầu thực hiện Chương trình XDNTM, mặc dù một số tiêu chí của xã có phần “nhỉnh” hơn so với các xã trong vùng nhưng để đạt chuẩn theo quy định thì Ôn Lương cần một nguồn lực đầu tư rất lớn, nhất là về đường giao thông. Điều này đã khiến sức dân bị huy động quá mức. Có những hộ phải đối ứng tới 30 triệu đồng, còn trung bình ở mức 2-3 triệu đồng/hộ. Hiện nay, số nợ trên nằm ở 29 công trình, đều do xã làm chủ đầu tư. Trong tổng nợ của xã, đáng ngại hơn cả là phần đối ứng của người dân với 8 xóm còn nợ (trong đó nhiều nhất là xóm Thâm Trung nợ trên 200 triệu đồng, xóm Na Pặng 112 triệu đồng, các xóm còn lại đều nợ gần 100 triệu đồng/xóm).

 

Bà Vũ Thị Ninh, Trưởng xóm Na Pặng chia sẻ: Bao đời nay, người dân trong xóm đã quá vất vả vì đường sá đi lại nên khi xã triển khai chủ trương đổ bê tông với sự hỗ trợ của Nhà nước là 80%, còn lại do nhân dân đối ứng, bà con trong xóm đều phấn khởi. Bởi thế, dù có tới 90% số hộ phải đi vay ngân hàng để nộp thì họ vẫn nhất trí cao. Lúc đó, xóm có 115 hộ, 456 nhân khẩu thì có tới 32 hộ nghèo, 36 hộ cận nghèo nên mức đóng góp được thống nhất chia đều 2.365.000 đồng/người. Theo quy định, để được khởi công, xóm phải nộp được ít nhất 80% số tiền đối ứng. Vì thế, mặc dù con đường được khởi công vào tháng 8 nhưng từ tháng 4-2014, nhiều hộ đã phải vay ngân hàng để nộp. Đến nay, con đường đã hoàn thành, đưa vào sử dụng được 2 năm; xã cũng đã đạt chuẩn NTM từ cuối năm 2015, nhưng vẫn còn 26 hộ nợ với số tiền 112 triệu đồng, trong đó có hộ chưa nộp đồng nào. Nhiều lần xóm đôn đốc thu nhưng họ bảo do họ không vay được ngân hàng chứ không phải họ không có ý thức nộp nên xóm chẳng biết làm thế nào.

 

Không chỉ có người dân nợ ngân hàng, mà theo ông Hà Tiến Mão, Giám đốc Doanh nghiệp (DN) tư nhân Phú Đạt, ở xã Trung Hội (Định Hóa) - đơn vị thi công nhiều công trình ở xã Ôn Lương - cho biết: Trong tổng số trên 17 tỷ đồng mà DN đang bị nợ của nhiều công trình trên địa bàn tỉnh, xã Ôn Lương nợ gần 7 tỷ đồng. Có những công trình đã nợ sang năm thứ 4. Điều này khiến DN gặp rất nhiều khó khăn bởi hơn nửa sô tiền DN bị nợ là tiền vay của ngân hàng. Theo ông Mão, một công trình chỉ có thể cho nợ tối đa 3 năm. Ngoài thời gian trên, DN cầm chắc lỗ. Mặc dù vậy, DN vẫn không dám có ý kiến gì, mà nuôi hy vọng sẽ được chính quyền tạo điều kiện cho ở một góc độ khác. Rút kinh nghiệm từ những công trình này, ông Mão cho biết, trong thời gian tới, ông sẽ chỉ nhận những công trình đã được ghi vốn.

 

 Đâu là nguyên nhân?

 

Theo báo cáo số 980/BC-SKHĐT ngày 5-7-2016 của Sở Kế hoạch - Đầu tư về tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn các xã nông thôn đến hết năm 2015, tổng nợ khối lượng xây dựng cơ bản các công trình hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh là 250 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh nợ còn gần 19 tỷ đồng; cấp huyện nợ còn 162 tỷ đồng; cấp xã nợ còn 64,5 tỷ đồng; nhân dân nợ đối ứng 4,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế của chúng tôi tại một số địa phương, hiện nợ XDCB nói chung, nợ XDNTM nói riêng trên địa bàn tỉnh nhiều hơn con số này rất nhiều. Trong khi đó, quan điểm chỉ đạo của người đứng đầu UBND tỉnh là cấp nào để xảy ra nợ thì ngân sách cấp đó có trách nhiệm trả nợ.

 

Ông Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: Địa phương hiện có số nợ XDCB 132 tỷ đồng, trong đó có 42 tỷ đồng nợ NTM. Để xảy ra nợ đọng XDCB có nhiều nguyên nhân, trong đó có một phần lỗi của chính quyền địa phương vì chưa chú trọng ưu tiên dành nguồn vốn để trả nợ, trong khi vẫn cho khởi công công trình mới. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do xuất phát từ nhu cầu bức thiết của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của địa phương, không thể không đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông bởi những năm trước, hạ tầng giao thông của huyện quá yếu kém. Cùng với đó là nhu cầu sửa chữa, xây mới hàng loạt các phòng học trước sự quá tải của học sinh, bởi trong quá trình triển khai thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp học của Chính phủ, địa phương mới được thực hiện 50% thì Đề án bị dừng lại. Do đó, huyện thiếu tới 270 phòng học. Song song với đó là việc phải đầu tư sửa chữa, xây mới hàng trăm công trình đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, kênh mương… để giúp các xã thực hiện và hoàn thiện các tiêu chí trong XDNTM. Trong khi đó, số thu ngân sách hàng năm của huyện hiện mới đảm bảo được hơn 10% chi thường xuyên, còn ngân sách tỉnh mỗi năm cũng chỉ bố trí cho huyện được trên dưới 15 tỷ đồng (từ nguồn vượt thu 40%). Vì thế, nguồn lực để đầu tư XDCB của huyện rất hạn chế. Nếu những năm tiếp theo không được tỉnh tăng nguồn hỗ trợ thì đến năm 2020, Phú Bình cũng chưa chắc đã trả hết nợ, trong khi đó có rất nhiều công trình cấp bách đang chờ được sửa chữa, xây mới.

 

Cũng có những khó khăn tương đồng như Phú Bình, ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương - địa phương được cho là hiện có số nợ XDNTM lớn nhất tỉnh (với trên 61 tỷ đồng) - cho biết: Chỉ trong vòng 5 năm qua, toàn huyện đã xây dựng và sửa chữa được 169 công trình, với tổng mức đầu tư trên 180 tỷ đồng. Trong đó có tới 154 công trình đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài 122km. Tuy vậy, hiện vẫn còn 23% đường trục xã (tương ứng với 46km); 52% đường trục thôn (tương ứng với 180km); 72% đường ngõ xóm (tương ứng với 350km). Thực tế này rất cần sự tiếp tục quan tâm, đầu tư của Nhà nước.

 

Có thể nói, XDNTM là một chủ trương lớn, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo bà con nông dân. Thực tế cũng đã cho thấy, qua 5 năm triển khai, bộ mặt nông thôn ở nhiều địa phương của tỉnh đã có những đổi thay rõ rệt. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, bên cạnh những hiệu quả không thể phủ nhận thì nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng, chúng ta đang chạy theo thành tích nên khiến ở nhiều nơi sức dân đã và đang bị huy động quá mức. Bởi thế, theo bà Vũ Thị Ninh, Trưởng xóm Na Pặng, xã Ôn Lương (Phú Lương), điều này đã tạo thành gánh nặng cho một bộ phận người dân, nhất là ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Còn theo Chủ tịch UBND xã Ôn Lương thì không nên vì thành tích mà áp các xã phải “về đích” trong khi nhiều tiêu chí còn non, bởi như thế rất có thể sẽ không duy trì được thành tích trong các năm tiếp theo, thậm chí ở một khía cạnh nào đó còn kéo hãm sự phát triển. Cũng chung quan điểm này, bà Vũ Thị Bích Liên, Chủ tịch UBND xã La Hiên (Võ Nhai) cho rằng khi các mức hỗ trợ của Nhà nước chỉ có thế, trong khi việc huy động các nguồn lực khác không dễ dàng gì, mà thời gian để “về đích” lại không nhiều, buộc chính quyền địa phương phải huy động sức đóng góp của người dân hoặc thi công các công trình trong tình trạng thiếu vốn trầm trọng. Do đó việc chính quyền địa phương buộc phải nợ nhà thầu cũng là điều dễ hiểu.

 

(Còn nữa)

Thu Hằng