Cập nhật: Thứ bẩy 10/12/2016 - 08:35
Nông dân xóm Đồng Dong, xã Phương Giao (Võ Nhai) đưa máy móc vào đồng ruộng, nâng cao năng suất lao động.
Nông dân xóm Đồng Dong, xã Phương Giao (Võ Nhai) đưa máy móc vào đồng ruộng, nâng cao năng suất lao động.

Tỷ lệ hộ nghèo còn tới 57,71%, kết cấu hạ tầng rất yếu và thiếu, trình độ canh tác của người dân vẫn lạc hậu, xã mới đạt 7 tiêu chí nông thôn mới…, lãnh đạo xã Phương Giao (Võ Nhai) có chút ngại ngùng khi nói về thực trạng này của địa phương. Tuy nhiên, cả hệ thống chính trị và người dân xã nghèo đang tự tin vào sự nỗ lực tự thân và triển vọng của những hướng đi mới.

Đồng chí Đặng Văn Tuân, Bí thư Đảng ủy xã nói như giãi bày: Phương Giao còn rất nhiều khó khăn, vẫn đứng tốp đầu của huyện, nguyên nhân từ khách quan và chủ quan đều có cả. Xã có địa bàn rộng (5.770ha), dân cư thưa thớt, địa hình chủ yếu là đồi và núi đá vôi, điều kiện giao thông rất khó khăn. Trong số hơn 200ha ruộng cấy lúa của toàn xã có không ít diện tích chỉ cấy được một vụ vì phụ thuộc nước trời. Về chủ quan thì năng lực của đội ngũ cán bộ vẫn còn hạn chế, đặc biệt là người dân vẫn có tuy duy làm ăn manh mún, canh tác lạc hậu. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ trước đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhưng cũng vì những nguyên nhân đó nên kết quả đạt được chưa nhiều. Nhiệm kỳ này chúng tôi đặt quyết tâm cao hơn, bằng những giải pháp cụ thể và sát thực hơn.

 

Vẫn xác định trọng tâm là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm phát huy tốt những tiềm năng của địa phương, tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, Đảng ủy chỉ đạo UBND xã hằng năm xây dựng kế hoạch và phương án sản xuất cụ thể trên cơ sở tiềm năng và tình hình sản xuất của từng xóm. Ông Hoàng Văn Thức, Chủ tịch UBND xã Phương Giao cho biết: Gần đây, ngoài việc vận động người dân tăng diện tích cấy lúa lai (vụ mùa vừa qua đạt khoảng 100ha), chúng tôi tạo điều kiện và khuyến khích bà con chuyển đổi những diện tích cấy lúa một vụ bấp bênh, vườn tạp không hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả phù hợp hoặc trồng cỏ để chăn nuôi. Xã luôn chủ động phối hợp, đề nghị các cơ quan chuyên môn của huyện mở những lớp tập huấn kỹ thuật theo nhu cầu của người dân, từ đầu năm đến nay đã mở được gần 20 lớp cho 750 lượt người. Quan tâm tạo điều kiện khuyến khích người dân vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất (tổng dư nợ của người dân trong xã tại Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Chính sách xã hội là 28 tỷ đồng).

 

Hiện cả xã Phương Giao đã có khoảng 50ha trồng nhãn, riêng năm nay người dân trồng mới được 25ha. Các loại cây trồng mới với địa phương như quýt, na, bưởi Diễn, đỗ tương, bí đỏ… cũng được người dân mạnh dạn đưa vào trồng tại những chân ruộng cấy lúa không hiệu quả hoặc diện tích vốn trồng ngô nhiều năm đã khiến đất cằn cỗi. Điển hình trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả cao là các xóm thuộc khu vực Phù Trì như Phương Đông, Làng Cũ.

 

Lĩnh vực chăn nuôi ở Phương Giao cũng bắt đầu có khởi sắc bởi sự thay đổi trong cơ cấu giống và tư duy làm ăn mạnh dạn của người dân. Cùng với tiếp tục phát triển chăn nuôi trâu, bò dựa vào tiềm năng đất chăn thả rộng (hiện xã có khoảng 500 con trâu, tăng gần 100 con so với năm 2014), nuôi lợn, gà quy mô gia trại, nhiều hộ trong xã đã đầu tư nuôi dê bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá. Năm 2015, gia đình anh Nguyễn Văn Đức, ở xóm Nà Canh, đã vay ngân hàng 30 triệu đồng mua 6 con dê giống về nuôi. Anh Đức chia sẻ: Tôi thấy nuôi dê phù hợp với điều kiện gia đình và địa phương vì nguồn thức ăn phong phú. Nếu đàn dê phát triển tốt và giá cả ổn định thì sang năm nhà tôi có thể thoát nghèo… Được biết, dù mới manh nha khoảng 3 năm trước nhưng hiện toàn xã Phương Giao đã có tổng đàn dê gần 400 con.

 

Từ thực trạng của địa phương, nhiệm kỳ này Đảng bộ xã Phương Giao đề ra định hướng mới là đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng nhằm phát huy tốt tiềm năng đất tự nhiên. Đồng thời coi đây là giải pháp phù hợp đối với những diện tích đất đồi đã bạc màu vì nhiều năm trồng ngô và đầu ra sản phẩm ngô có xu hướng ngày càng khó khăn. Trong khi cả nhiệm kỳ trước, xã chỉ trồng mới, trồng lại được 244ha rừng sản xuất, thì 2 năm gần đây mỗi năm người dân đã trồng được trên 100ha rừng, vượt xa chi tiêu huyện giao. Lãnh đạo xã Phương Giao khẳng định, dù phần lớn diện tích rừng chưa cho khai thác nhưng đây là hướng đi mới đầy triển vọng.

 

Là xóm có 100% đồng bào dân tộc Dao, khó khăn nhất xã, đến cuối năm 2015, Na Bả vẫn có tới 70/72 hộ thuộc diện nghèo (2 hộ cận nghèo). Cùng với giao thông trắc trở, diện tích ruộng cấy vốn rất ít lại chỉ cấy được 1 vụ khiến người dân rất khó xoay xở làm ăn. Khi có chủ trương của xã, sự hỗ trợ của cấp trên và sự vận động của cán bộ, đảng viên trong xóm, người dân đã tích cực trồng rừng sản xuất. Ông Triệu Tiến An, Bí thư Chi bộ Na Bả cho biết: Khi được tuyên truyền về hiệu quả kinh tế rừng, bà con phấn khởi lắm, họ tích cực làm theo cán bộ. phần lớn trong số 150ha rừng sản xuất hoặc đất trồng ngô bị bạc màu của xóm đã được trồng keo, bạch đàn, nhiều nhà có tới 10ha đất rừng cũng đã trồng gần hết. Năm nay, xóm bình xét được 5 hộ thoát nghèo...

 

Từ chủ trương của Đảng bộ phù hợp với thực tế, phát huy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của người dân, xã Phương Giao tự tin hoàn thành vượt kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo 5%/năm, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân. Dù khó khăn còn chồng chất nhưng rõ ràng xã vùng cao này đang có sự khởi sắc từ những nỗ lực đáng ghi nhận.   

Trần Quyền