Hơn 8 tháng nay là những ngày vất vả, đau đớn đối với chị Nguyễn Thị Viết (47 tuổi, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), là chừng ấy thời gian gia đình chị vật lộn để tìm cách cứu con. Nhìn cậu con trai thứ hai là Nguyễn Quang Huy (sinh năm 1996) bị cắt cụt cánh tay phải, cơ thể gầy gò đang thiêm thiếp ngủ, chị lại òa khóc. Chị bảo, mình cũng có lỗi một phần khi gia đình quá nghèo, khiến con phải mưu sinh từ sớm dẫn đến tai nạn khi lao động.
Gia đình chị Viết có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập của 4 miệng ăn chỉ trông vào 3 sào đất lúa. Mỗi vụ, trừ chi phí đầu tư cũng chỉ còn chừng 2 tạ thóc. Sau khi học xong lớp 9, Huy quyết định nghỉ học đi làm thuê bởi gia đình khó khăn. Gia đình có động viên thế nào cũng không được. “Khi tôi hỏi, nó bảo hai anh em mà đi học thì bố mẹ không lo được. Trong khi anh đang học THPT nếu nghỉ thì rất phí, vì vậy con nghỉ để bố mẹ lo cho anh. Con sẽ đi làm thuê để phụ giúp gia đình”, chị Viết kể. Nghỉ học, Huy xin đi làm phụ hồ cho một chủ ở trong làng. Huy làm được chừng 6 tháng, thì xảy ra tai nạn. Theo đó, khoảng tháng 5/2016, trong một lần buộc sắt, thanh sắt đã đụng vào dây điện hở khiến Huy bị giật. Huy được đưa vào bệnh viện ở Thái Nguyên cấp cứu trong tình trạng bỏng nặng.
Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã cấp cứu nên tính mạng được cứu sống. Tuy nhiên, Huy bị cưa cụt cánh tay phải. Bác sĩ còn chỉ định cắt cánh tay trái và chân phải vì nguy cơ hoại tử và liệt không cử động. Dù vậy, Bệnh viện đã nỗ lực và giữ lại tay trái và chân phải cho Huy. Ngay sau đó, Huy được chuyển xuống Viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội) tiếp tục điều trị và chăm sóc. Tuy nhiên, sau gần 4 tháng, chị Viết đành phải cho con chuyển về Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Thái Nguyên do không có đủ tiền. Gia đình thuộc hộ nghèo, vì thế, khi Huy bị tai nạn, chị ở viện chăm con, còn chồng ở nhà lo chạy tiền. Người chủ thuê Huy cũng chỉ hỗ trợ được vài triệu đồng. Vì vậy, gia đình đã phải bán tất cả đồ đạc, thế chấp căn nhà, vay ngân hàng để lấy tiền chạy chữa nhưng chẳng được bao nhiêu. Thương hoàn cảnh gia đình, người thân, bà con láng giềng cho gia đình chị mượn sổ đỏ để thế chấp vay ngân hàng. “Tổng số tiền điều trị cho con đến nay khoảng 500 triệu đồng. Gia đình tôi nào có gì, toàn vay mượn cả. Đến giờ, ngoai tiền vay ngân hàng, gia đình tôi cũng đã mượn sổ đỏ của 5-6 người để thế chấp rồi”, chị chia sẻ.
Việc điều trị cho Huy rất tốn kém. Vì vậy, vay mượn được đồng nào chị chỉ lo đóng viện phí và tiền thuốc và tằn tiện chi tiêu. Thấy gia đình như vậy, người con đầu đang học nghề dở đã xin nghỉ để tập trung lo cho em. “Trong những ngày ở Hà Nội, mỗi bữa tôi chỉ dám mua suất cơm 20.000 đồng. Con ăn bao nhiêu, còn lại tôi ăn chứ đâu có tiền. Trong những ngày tới, chúng tôi cũng không biết lấy tiền đâu để điều trị cho con nữa, chứ chẳng dám nghĩ đến tết nhất”, chị Viết nghẹn ngào.
Để giúp đỡ gia đình chị Viết, độc giả có thể gửi về địa chỉ: Nguyễn Thị Viết, xóm Ninh Giang, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. SĐT: 01664.529.326.