Thực hiện Dự án đô thị sông Cầu: Gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng
Cập nhật: Thứ ba 07/03/2017 - 16:16
Hiện T.P Thái Nguyên đã bàn giao mặt bằng phần lớn diện tích bên bờ hữu sông Cầu để nhà đầu tư xây dựng hạng mục đê, kè của Dự án. Ảnh: Lương Hạnh.
Hiện T.P Thái Nguyên đã bàn giao mặt bằng phần lớn diện tích bên bờ hữu sông Cầu để nhà đầu tư xây dựng hạng mục đê, kè của Dự án. Ảnh: Lương Hạnh.

Sau khi được phê duyệt và bắt tay vào triển khai các dự án thuộc Đề án đầu tư xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu (gọi tắt là Dự án đô thị sông Cầu), một số vướng mắc đã xuất hiện, trong đó chủ yếu liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Trước một dự án lớn, đòi hỏi đáp ứng tiến độ, chính quyền tỉnh và T.P Thái Nguyên đã tập trung mọi nguồn lực từng bước gỡ nút thắt về mặt bằng.

Từ khi chính thức khởi động Dự án đô thị sông Cầu, không chỉ nhà đầu tư là Tập đoàn Phúc Lộc sốt sắng mà chính quyền địa phương cũng dồn nhiều tâm sức để triển khai theo kế hoạch. Tỉnh ủy, UBND tỉnh và T.P Thái Nguyên đã triệu tập nhiều cuộc họp thống nhất các phương án giải quyết, trong đó không ít cuộc họp đột xuất để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh. Gần như không tuần nào lãnh đạo tỉnh và thành phố không thị sát, kiểm tra tiến độ dự án tại thực địa. Nhiều trường hợp được chỉ đạo giải quyết tại chỗ để kịp bàn giao từng vị trí mặt bằng cho nhà đầu tư.

 

Sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương đã giúp tiến độ GPMB dự án tiến triển khá nhanh so với kế hoạch chung. Hơn 2 tháng từ khi khởi công đến nay, phần mặt bằng quan trọng của hạng mục đầu tiên là hoàn thiện xây dựng hệ thống đê, kè hai bờ sông Cầu đã được giải phóng một phần đáng kể. Theo ông Lê Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên, địa phương hiện đang triển khai tái định cư cho các hộ dân hai bên bờ sông phải di dời phục vụ dự án. Thành phố đã cho cắm mốc để bồi thường 3,5km đê bên Tả và đang tiến hành bồi thường GPMB 3,5km tuyến đê bên hữu. Cuối tháng 2 vừa qua, tuyến đê bên hữu đã GPMB được 2,5km. Còn một số hộ đang thống kê bồi thường nốt. Ông Minh cũng cho hay, sẽ GPMB đất nông nghiệp trước để nhanh chóng có mặt bằng cho nhà đầu tư thi công. Theo con số tạm tính, tổng tiền bồi thướng GPMB tuyến đê bên tả là khoảng 204 tỷ đồng, bên Hữu là khoảng 300 tỷ đồng.

 

Trên đây mới là hạng mục đầu tiên của Dự án, nên để hoàn tất 8 hạng mục tiếp theo, công tác GPMB có cả núi việc phải làm, trong đó có nhiều phát sinh, vướng mắc cần giải quyết. Đó là vấn đề tạm ứng kinh phí giải phóng mặt bằng, có các phương án đối ứng, hoàn vốn, bố trí quỹ đất thực hiện hợp đồng BT; xem xét đề nghị của chủ dự án về tiếp tục tăng tổng mức đầu tư toàn dự án… Liên quan đến vấn đề này, gần đây một cuộc họp bàn riêng về Dự án này của UBND tỉnh đã cho thấy những vấn đề đặt ra không hề đơn giản. Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đề xuất đã giúp tỉnh có thêm giải pháp gỡ khó trong triển khai GPMB, nhất là giải pháp đối ứng BT, hoàn vốn cho nhà đầu tư. Do đây là dự án lớn, lại triển khai phương thức đầu tư còn khá mới mẻ với tỉnh (đầu tư công tư - PPP) nên vừa triển khai vừa cân nhắc, xem xét và tính toán kỹ lưỡng.

 

Với cái nhìn bao quát, ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho rằng, cần rà soát lại tổng mức đầu tư và cân nhắc kỹ xem có nên đồng ý để nhà đầu tư tăng vốn bởi đây là dự án lớn, cấp bách, thời gian qua tỉnh và T.P Thái Nguyên đã tập trung khá nhiều cho công tác GPMB. Bằng chứng là tỉnh đã tạm ứng 100 tỷ đồng cho bồi thường GPMB dự án này. Ông Phụng cũng hiến kế: Nếu tập trung GPMB để làm xong toàn bộ hai tuyến đê tả, hữu sông Cầu, tỉnh phải bỏ ra một lúc hơn 500 tỷ đồng là khó khăn. Theo tính toán chuyên môn, kinh phí bỏ ra để GPMB 1km đê sẽ bằng GPMB 7 cây cầu. Bởi vậy, để đảm bảo hài hòa, hiệu quả nhất, nên GPMB xây dựng các hạng mục cầu cứng bắc qua sông trước. Đây cũng là phương án kinh tế hợp lý nhằm tạo thuận lợi về giao thông đi lại đôi bờ, giúp nhà đầu tư nhanh chóng khai thác, thu hồi vốn thông qua các dự án xây dựng khu đô thị. Cùng với quan điểm trên, ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng thông tin, trong 7 cây cầu thuộc Dự án đô thị sông Cầu dự kiến xây dựng có cầu Huống Thượng cần loại ra ngoài vì cầu này đã có nguồn vốn khác thực hiện.

 

Về phương án bố trí quỹ đất BT, trong quá trìn thực hiện nhà đầu tư đề nghị thành phố bố trí ở một số vị trí khác so với chủ trương và quy hoạch ban đầu. Với đề nghị này, ông Lê Quang Tiến, Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên khẳng định, đây là dự án chống lũ lụt sông Cầu và xây dựng đô thị hai bên sông thì đất đối ứng của tỉnh phải được bố trí ở các khu đô thị bên sông. Theo quy hoạch, khu vực Cổ Rùa, xã Cao Ngạn có 300ha đất dành cho đối ứng, nhà đầu tư đề nghị chỉ lấy 50ha là không phù hợp. Toàn bộ khu vực xã Linh Sơn (Đồng Hỷ), phường Quang Vinh, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) giá đất hợp lý, GPMB nhanh hơn ở khu vực trung tâm. Cũng theo Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên, 7 khu đất tỉnh quy hoạch để bố trí đối ứng cho nhà đầu tư tính sơ bộ sau đầu tư, khai thác được khoảng 7.000 tỷ đồng. Số tiền này không những đủ đối ứng GPMB của tỉnh, chi phí thi công xây dựng mà còn tạo lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng cho nhà đầu tư. Về phương án huy động vốn GPMB các dự án, ông Lê Quang Tiến cũng đề xuất, tỉnh nên phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động vốn trong dân.

 

Như vậy, có thể thấy, dù công tác GPMB Dự án đô thị sông Cầu còn không ít vướng mắc phát sinh, song với quyết tâm và nỗ lực của chính quyền địa phương cộng với các phương án hợp tình, hợp lý, hy vọng dự án trên sẽ được triển khai nhanh chóng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và niềm tin của người dân vào một dự án có tầm ảnh hưởng lớn trên địa bàn T.P Thái Nguyên.

Nguyễn San