Nhà ông De nằm sâu trong Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng, cách trung tâm xóm khoảng 3 giờ đi bộ qua quãng đường rất khó khăn. 12 người của 3 thế hệ cùng sống trong một căn nhà lá tạm bợ, tách biệt với thế giới bên ngoài, cuộc sống thiếu thốn đủ thứ. Theo lời kể của ông De thì ông là đảng viên, cựu chiến binh thời kháng chiến chống Mỹ, đã có giấy chứng nhận thương tật trong chiến tranh (giấy tờ bị cháy hết do cháy nhà)… Trường hợp này, Báo Thái Nguyên đã phản ánh qua phóng sự “Ngôi nhà trong lũng Pắc Rường”.
Sau khi báo đăng, huyện Võ Nhai đã chỉ đạo cơ quan liên quan và chính quyền xã Thượng Nung trực tiếp vào kiểm tra, vận động, động viên gia đình ông La Văn De chuyển chỗ ở ra bên ngoài. Đến tháng 1 vừa qua, sau khi được một số nhà hảo tâm hỗ trợ 43 triệu đồng, ông đã mua khoảng 5 sào đất nương bãi và một căn nhà nhỏ để chuyển gia đình đến ở gần trung tâm xóm hơn. Tuy niên, nhà ông De mua lại chỉ là chiếc lán của người chủ cũ dùng ở tạm để trông nom nương bãi rộng chưa đầy 30m2. Lán nhỏ ở lưng chừng núi cao, không đủ chỗ sinh hoạt cho cả gia đình, bưng bằng ván nên khi mưa lớn thường bị hắt, dột.
Qua bài viết này chúng tôi rất mong, chính quyền địa phương và các cơ quan quan tâm xem xét, vận dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, giúp gia đình ông La Văn De sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.