Những ngày gần đây, anh Hoàng Văn Thìn, Tổ trưởng Tổ hợp tác chè Khuôn Gà, xóm Vân Long, thị trấn Hùng Sơn đang bắt đầu thử nghiệm sử dụng phân bón hữu cơ sinh học trên diện tích chè của gia đình. Anh Thìn chia sẻ: Dù đã sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP từ nhiều năm nay nhưng tôi vẫn muốn chuyển đổi theo hướng loại bỏ phân bón hóa học. Theo tôi tìm hiểu, phân bón hữu cơ sinh học giúp duy trì độ màu mỡ của đất cũng như thân thiện với môi trường và giúp cây trồng phát triển bền vững hơn. Nếu lần thử nghiệm này cho kết quả tốt, tôi sẽ vận động các hộ dân trong Tổ hợp tác cũng như vùng sản xuất chè tập trung của thị trấn chuyển sang sử dụng loại phân bón này.
Được biết, xóm Vân Long có 100% số hộ trồng chè với trên 70ha chè các loại. Trước đây, ngoại trừ Tổ hợp tác sản xuất chè Khuôn Gà với 20 hộ có sự liên kết để sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, còn lại mạnh ai nấy làm. Do vậy, năng suất, chất lượng sản phẩm không cao, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật còn phổ biến. Trước thực tế đó, năm 2015, Đại hội Đảng bộ thị trấn Hùng Sơn lần thứ I (nhiệm kỳ 2015-2020) đã đề ra chỉ tiêu xây dựng 5 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và phát triển các cây trồng mũi nhọn. Theo đó, Vân Long cùng 2 xóm khác là An Long và Hàm Rồng được xác định là vùng sản xuất chè tập trung rộng trên 100ha. Trên cơ sở đó, UBND thị trấn đã khuyến khích bà con đầu tư sản xuất chè an toàn, thay thế diện tích chè trung du bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao hơn (trung bình mỗi năm, trồng mới và trồng lại từ 5-7ha chè). Thị trấn đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị thực hiện hỗ trợ vay vốn thông qua các chương trình: vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, chương trình cải tạo diện tích chè già cỗi của Hội Nông dân tỉnh, chương trình cộng đồng của dự án Núi Pháo... Sau 2 năm triển khai Nghị quyết, hầu hết các hộ trồng chè trong thị trấn đều đã thực hành quy trình sản xuất chè an toàn, chất lượng và thương hiệu chè Hùng Sơn được nâng cao rõ rệt, giá bán chè tăng từ 30-50% so với giai đoạn trước.
Bên cạnh vùng sản xuất chè, căn cứ vào thế mạnh từng khu vực, UBND thị trấn Hùng Sơn còn quy hoạch các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất mì gạo, trồng rừng kết hợp với chăn nuôi. Đặc biệt, thị trấn đã quy hoạch được vùng chuyên canh rau an toàn với trên 20ha ở các xóm Đồng Cả, Xuân Đài và tổ dân phố Cầu Thành 1 với sự tham gia của 129 hộ dân. Anh Vũ Minh Dương, cán bộ Khuyến nông thị trấn cho hay: Từ hàng chục năm nay, người dân Hùng Sơn đã phát triển nghề trồng rau. Tuy nhiên, phải đến năm 2010, khi Tổ sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của xã Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn) được thành lập, họ mới dần quen với khái niệm “rau an toàn”. Tuy nhiên, mô hình tổ sản xuất này đã không duy trì được lâu do khâu quản lý lỏng lẻo, giá cả bấp bênh, thị trường không ổn định.
Xác định khí hậu, thổ nhưỡng cũng như thói quen canh tác của người dân hoàn toàn phù hợp với việc canh tác rau an toàn, tháng 5-2016, UBND thị trấn Hùng Sơn đã triển khai Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn. Trong đó, địa phương chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông huyện, các công ty kinh doanh giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hỗ trợ tối đa cho người dân về tập huấn kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn quy trình sản xuất rau an toàn. UBND thị trấn cũng đã tổ chức cho bà con đi tham quan ở làng rau an toàn Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội) để tìm hiểu về mô hình trồng rau an toàn lâu năm ở đây.
Chủ trương tạo sức mạnh tập thể trong sản xuất, thị trấn đã thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn do Bí thư Đảng ủy thị trấn làm Trưởng ban. Cùng với đó, Ban Quản lý Dự án Phát triển sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn cũng được thành lập do Phó Chủ tịch UBND thị trấn phụ trách nông nghiệp làm Trưởng ban. Tháng 11-2016, Hợp tác xã Rau an toàn được thành lập với 2 bộ phận: sản xuất và bộ phận kiểm tra, giám sát, tìm kiếm thị trường, bao tiêu sản phẩm rau an toàn với 11 thành viên nòng cốt. Hiện nay, Hợp tác xã đã kết nối tiêu thụ sản phẩm rau an toàn với một số cửa hàng, siêu thị trên địa bàn T,P Thái Nguyên, bếp ăn các công ty TNG, Núi Pháo và một số bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, tuy mới chỉ bao tiêu đầu ra cho 30% sản phẩm rau an toàn của bà con nông dân nhưng bước đầu đã khẳng định được hướng đi của Hợp tác xã là đúng đắn.
Ông Đặng Đình Lực, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn, cho biết: Quy hoạch các vùng sản xuất là việc làm cần thiết nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, bước đầu đáp ứng yêu cầu của thị trường. Nhờ vậy, hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã tăng lên rõ rệt, giá trị sản phẩm đạt trên 90 triệu đồng/ha (năm 2016), thu nhập bình quân tăng lên 35 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục hỗ trợ nông dân ở các vùng sản xuất tập trung theo hướng công nghệ cao. Tuy nhiên, để xây dựng được các vùng sản xuất nông sản hàng hóa mang tính ổn định, bền vững thì việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, vốn đầu tư cho sản xuất, đầu tư hạ tầng cơ sở… vẫn cần được các cấp, ngành quan tâm tìm giải pháp để tháo gỡ.