Xoay xở tìm đầu ra
10 năm trước, trên đường đi tác nghiệp qua địa phận các xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) La Hiên, Lâu Thượng, Tràng Xá (Võ Nhai)..., thấy đồng ruộng hai bên đường cơ bản là chân rạ phơi trắng, thỉnh thoảng mới thấy màu xanh của đám ngô non, trong vườn nhà lác đác vài loại cây ăn qủa. Lần này đến, cơ man nào là na, nhãn, táo, ổi... mơn mởn một màu xanh non sau trận mưa đầu Hè. Trong lòng tôi xốn xang niềm vui, mãn nhãn, nhưng bất chợt niềm suy tư: Liệu những cây ăn qủa này có phát triển bền vững, có thật sự giúp người nông dân các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng? Bởi thực tế cho thấy, dù nhiều năm qua, ngành Nông nghiệp đã có những thành qủa nhất định trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao đời sống cho nông dân, nhưng chưa thật sự bền vững, ở nhiều địa phương, người nông dân vẫn đang phải loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm, họ chưa thể thoát ra khỏi “vòng xuay” cứ trồng cây rồi lại phải phá bỏ, rồi lại trồng... Câu chuyện cây sắn ở xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương) là một ví dụ.
Trước đó, người dân Đồng Tâm đã lựa chọn các loại cây như vải, nhãn, mía... để trồng trên đồng đất của họ với hy vọng sẽ thoát nghèo. Nhưng cuối cùng, sắn mới là cây giúp hơn 60 hộ dân nơi đây thoát được đói nghèo, có điều kiện xây nhà, mua xe máy, sắm ti vi... Nhưng nay, diện tích cây sắn đang dần bị thu hẹp từ 70ha xuống còn khoảng 40ha, bởi giá sắn bất ngờ xuống thấp kỷ lục (800-900đồng/kg, giảm hơn 1.000 đồng/kg so với 4 năm về trước). Anh Lý Văn Sài, Trưởng xóm chia sẻ: Người dân Đồng Tâm không sợ khó khăn, vất vả, chỉ lo sản phẩm nông sản làm ra không bán được lại phải phá bỏ loại cây trồng bao năm tâm huyết. Vừa qua, tôi và một số cán bộ xóm phải lặn lội vào tận Thanh Hóa tìm hiểu về cây dứa. Hiện nay, xóm đang trồng thử nghiệm 1,5ha dứa. Cứ trồng vậy thôi chứ chúng tôi chưa dám chắc điều gì, vì chưa tìm được “đầu ra” cho sản phẩm...
Đến Linh Sơn (Đồng Hỷ); Phúc Thuận (Phổ Yên); Yên Ninh (Phú Lương) miền “tứ Tân” (Phú Bình) hay Tiên Hội (Đại Từ)..., chúng tôi như lạc lối trong màu xanh cây trái, chỉ có điều nếu như trước kia, ở Linh Sơn là màu xanh của cây vải, nhãn thì nay là ổi, thanh long; Yên Ninh là mơ, mận thì nay là chuối tiêu Hồng; ở Tiên Hội, bưởi Diễn, bưởi Phúc Trạch... đã thay thế “rừng” vải, nhãn trước kia. Tuy nhiên, người dân ở những nơi này vẫn “tự sản tự tiêu” là chính nên không tránh khỏi bị tư thương ép giá... Đành rằng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, thị hiếu người tiêu dùng... nhằm nâng cao hiệu qủa kinh tế là việc làm đúng đắn, nhưng chúng ta vẫn phải thẳng thắn thừa nhận nghịch lý “được mùa, mất giá...” vẫn xảy ra? Trong khi đó, ngân sách đầu tư cho các địa phương thực hiện các mô hình thực nghiệm, thí điểm, các chương trình, dự án liên doanh, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm... của ngành Nông nghiệp không phải là nhỏ, nhưng hiệu quả thấp, thậm chí có những mô hình, dự án gây lãng phí tiền tỷ. Đơn cử, khi xã Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn - Đại Từ) triển khai xây dựng mô hình điểm về trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, huyện đã đầu tư xây dựng một nhà lạnh để bảo quản các sản phẩm rau, củ, qủa..., trị giá hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, chẳng biết vì lý do gì, sau một thời gian ngắn, nhà lạnh đã bị phá bỏ (!?).
Từng bước đồng hành với nông dân
Ở thời điểm này, Đồng Hỷ có thể coi là một trong những điểm sáng trong việc cấp ủy, chính quyền, đoàn thể... tích cực vào cuộc giúp đỡ nông dân tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp. Đơn cử, vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện đã khai trương gian hàng “Giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn” ở xóm Vải, xã Hóa Thượng. Đây là một trong những cách làm giúp người các hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện có thể liên kết để tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn. Chị Bùi Kim Phượng, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Hiện nay, huyện Đồng Hỷ đã xây dựng được 2 mô hình tổ phụ nữ liên kết: “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất và tiêu thụ gạo Thiên ưu 8” tại xã Nam Hòa và “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn” ở xã Hóa Thượng.
Để tạo điều kiện cho các mô hình không bị “chết yểu” mà ngày càng phát huy hiệu qủa để có thể nhân rộng, Hội LHPN huyện đã tổ chức cho hội viên ký cam kết sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn; hỗ trợ giới thiệu sản phẩm bán tại các thị trường tiêu thụ lớn (Hà Nội, T.P Thái Nguyên...) thông qua mạng xã hội; phân công cán bộ Hội phụ trách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn; đề xuất cho các hộ sản xuất vay vốn; chú trọng đến vấn đề giống, quy trình sản xuất... Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đồng Hỷ cũng tích cực vào cuộc, nhằm giúp nông dân có đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, như Doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc đã đầu tư hơn 25 tỷ đồng xây dựng Trang trại nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tại xóm Tân Thái, xã Hóa Thượng. Dự án này được xây dựng trên cơ sở liên kết "4 nhà" (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông)...
Nói đến xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) hẳn nhiều người nghĩ ngay tới “thiên đường cây trái” xóm Khe Đù với vải, nhãn, thanh long... ngút tầm mắt. Trước đó, nông dân Khe Đù cũng loay hoay trong đói, nghèo bởi hết trồng chè lại phá chè... Nay cuộc sống của hơn 90 hộ dân nơi đây đã dần ổn đình nhờ trồng cây ăn qủa. “Xóm có được thành qủa ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm rất lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc định hướng, xây dựng thương hiệu “Nhãn Khe Đù”. Con đường từ trung tâm xã vào đến Khe Đù đã được mở rộng, đổ bê tông; người nông dân được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, vay vốn làm ăn... ”.- Anh Nguyễn Viết Long, Trưởng xóm Khe Đù cho biết.
Quả thực, hành trình đi đến bất kỳ một sự thành công nào đều không dễ dàng, nhưng ở địa phương nào nhận được sự quan tâm, vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, ngành chức năng, sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, thì ở đó người nông dân sẽ bớt đi những nhọc nhằn, vất vả...
Cần có giải pháp chiến lược
Tỉnh ta có nhiều dự án, công ty lớn như: Công ty Điện tử Samsung; Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo; Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG; Khu công nghiệp Gang thép... có thể giải quyết việc làm cho mấy chục nghìn lao động; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ có bước tăng trưởng khá, nhưng hơn 80% số dân trên địa bàn tỉnh vẫn sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp (khoảng 18 nghìn ha cây ăn quả và hơn 68 nghìn ha đất canh tác). Nên việc đầu tư cho phát triển nông nghiệp vẫn cần được quan tâm, chú trọng. Thời gian qua, điều không thể phủ nhận, nông dân ở các địa phương trong tỉnh đã, đang được tạo những điều kiện thuận lợi để tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ trong trồng thay thế nhiều loại cây ăn quả mới cho năng suất cao, chất lượng ngon, như: chuối tiêu hồng ở Phú Lương, T.P Sông Công...; táo đào vàng, đào muộn ở huyện Đồng Hỷ, T.X Phổ Yên...; sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP ở Đại Từ, T.P Thái Nguyên...; trồng thanh long ruột đỏ, bưởi Diễn, bưởi Phúc Trạch ở Đại Từ... Nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, như gia đình ông Nguyễn Mạnh Thường, xóm Liên Hồng 8, xã Vô Tranh (Phú Lương);ông Hoàng Văn Tung, xóm Lý Nhân, xã Bá Xuyên (T.P Sông Công)...
Tuy nhiên, sản phẩm của người nông dân trong tỉnh vẫn chưa có cơ hội vào được các “bếp ăn lớn”, siêu thị, chưa vươn tới được những thị trường khó tính trong và ngoài nước... Bởi những nguyên nhân cơ bản: Đa số nông dân vẫn sản xuất tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, bảo quản sản phẩm không đúng quy trình. Một số địa phương đã hình thành được vùng cây ăn quả, vùng rau an toàn... nhưng quy mô chưa tập trung, mẫu mã chưa đẹp, chưa có điều kiện sơ chế và chế biến theo quy chuẩn, trong khi thời gian thu hoạch một số loại rau, củ, quả... diễn ra nhanh, không để được lâu, gây ra khủng hoảng thừa, bị tư thương ép giá...
Nguyên nhân đã được nhiều nhà chuyên môn tìm ra, giải pháp cũng đã kín nhiều trang giấy, nhưng giữa lý luận và thực tiễn vẫn còn là một khoảng cách khá xa. Đến bao giờ mới không còn “khoảng cách” này? Câu trả lời dành cho các cấp, ngành chức năng của tỉnh.