Cập nhật: Thứ hai 11/09/2017 - 09:52
Thời gian qua, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được rất nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như dự án đầu tư trong nước. Trong ảnh: T.X Phổ Yên tập trung giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Yên BÌnh 1 mở rộng để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư.
Thời gian qua, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được rất nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như dự án đầu tư trong nước. Trong ảnh: T.X Phổ Yên tập trung giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Yên BÌnh 1 mở rộng để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư.

Cơ chế, chính sách thuận lợi, chính quyền và doanh nghiệp (DN) cùng đồng hành, chia sẻ khó khăn đã và đang tạo ra những hiệu ứng tích cực trên cả lĩnh vực kinh tế và xã hội. Điều này phần nào được minh chứng từ những con số tăng trưởng rất ấn tượng của tỉnh thời gian gần đây cũng như qua sự nhìn nhận, đánh giá của các tổ chức, chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư và đặc biệt là người dân.

Gia tăng vị thế địa phương

 

Từ vị trí tốp cuối trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013, hai năm gần đây (2015-2016), Thái Nguyên đã vươn lên giữ vững vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng. Kết quả này cho thấy môi trường kinh doanh của tỉnh đang ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là với những DN có vốn trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong khi cả giai đoạn 1993-1999, chúng ta mới có 13 DN FDI (với số vốn đăng ký hơn 26 triệu USD) thì từ năm 2000 đến 2010 đã có thêm 30 dự án (với tổng số vốn đăng ký trên 100 triệu USD). Còn từ năm 2011 đến nay đã có thêm gần 100 dự án được triển khai với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 6,6 tỷ USD.

 

Ông Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình: Chúng tôi đã và sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp DN yên tâm sản xuất, kinh doanh, mở rộng quy mô. Hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp phản ánh, bất cứ khi nào DN gặp phải khó khăn, vướng mắc mà có liên quan đến bộ máy chính quyền, chúng tôi đều trực tiếp đứng ra xử lý và can thiệp kịp thời.
Ông Phan Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường: Theo định kỳ hàng tháng, Sở thường tổ chức tiếp xúc, đối thoại với Hiệp hội DN tỉnh và các tổ chức hội DN, Liên minh HTX tỉnh để trao đổi thông tin, lắng nghe, tiếp nhận ý kiến phản hồi của DN liên quan đến vấn đề, lĩnh vực ngành quản lý. Từ đó có kế hoạch giải quyết vướng mắc kịp thời và đề xuất cách làm hiệu quả, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN.

Theo ông Trần Văn Long, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, số lượng nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Thái Nguyên vẫn tiếp tục tăng. Chỉ tính riêng 8 tháng qua, Ban đã đón tiếp và làm việc với hơn 50 lượt DN trong và ngoài nước; cấp mới 19 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án FDI và 9 dự án đầu tư trong nước, đồng thời điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 48 dự án khác.

Thực tế cho thấy, cộng đồng DN luôn là nền tảng và sức mạnh của mỗi nền kinh tế. DN được tạo điều kiện thuận lợi sẽ lớn mạnh nhanh hơn, khi đó đất nước ắt mạnh theo. Trên địa bàn tỉnh ta, trong số gần 5.000 DN đang hoạt động có khoảng 50% được đánh giá đạt hiệu quả cao, trên 30% ở mức trung bình, còn lại là khó khăn. Đáng chú ý, một số DN với sự mạnh dạn đầu tư sản xuất đa ngành, đa lĩnh vực với quy mô lớn, đang có xu hướng trở thành những tập đoàn kinh tế, đủ sức vươn ra ngoài tỉnh và nước ngoài. Cộng đồng DN đang đóng góp mạnh mẽ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Điều này thể hiện rõ ràng nhất qua một số chỉ tiêu của năm 2016 khi mà Thái Nguyên tiếp tục duy trì là cực tăng trưởng mạnh của cả nước.

Cụ thể, đứng thứ hai về tăng trưởng kinh tế với tốc độ 15,2%, vượt 3,2% so với kế hoạch; đứng thứ 3 về giá trị xuất khẩu, với kim ngạch đạt 19 tỷ USD, tăng tới 19,7% so với năm 2015; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt trên 9.600 tỷ đồng, vượt thu trên 3.000 tỷ đồng so với kế hoạch. Năm 2017, tỉnh đặt mục tiêu (nhiều khả năng về đích sớm) đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 12%; giá trị sản xuất công nghiệp 563 nghìn tỷ đồng, tăng 18%; kim ngạch xuất khẩu 21 tỷ USD; thu ngân sách trên 13 nghìn tỷ đồng…

Theo tính toán của riêng ngành Thuế, trong 3 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, tổng thu ngân sách của tỉnh đều vượt kế hoạch từ 2-3 nghìn tỷ đồng (tương ứng với 40-50%/năm). Tính riêng 8 tháng đầu năm nay, tổng thu ngân sách của tỉnh đã đạt 8.300 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho hay, với kết quả và tốc độ thu này, Thái Nguyên đặt mục tiêu chậm nhất đến năm 2020 sẽ tự đảm bảo cân đối thu - chi và có một phần kết dư chuyển về ngân sách Trung ương.

Chính quyền kiến tạo và phục vụ

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh bày tỏ sự hài lòng với quan điểm và cách điều hành của chính quyền thời gian qua. Ông cho rằng, chính quyền tỉnh đã thực sự đồng hành cùng DN. Các vướng mắc của DN đều được lãnh đạo tỉnh hỏi cặn kẽ, rõ ràng để chỉ rõ trách nhiệm thuộc ai, cơ quan nào. DN giờ đây đã được chính quyền coi là đối tượng phục vụ chứ không còn là đối tượng quản lý như trước đây. Điều đó phần nào khẳng định, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về một chính quyền kiến tạo, phục vụ người dân, DN đã được tỉnh hiện thực hóa. Ông Thời cũng cho biết, cùng với sự thay đổi của tỉnh, thì bản thân các DN cũng cần nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền vì lợi ích chung của tỉnh. Vì thế, Hiệp hội DN tỉnh và các hội DN trên địa bàn sẽ phát huy hơn nữa vai trò cầu nối để lắng nghe, tập hợp tâm tư nguyện vọng của DN để kịp thời thông tin, phản ánh tới các cấp lãnh đạo tỉnh.

Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) thông tin: Trước đây, thủ tục đăng ký thành lập DN khá phức tạp, thời gian được cấp đăng ký mất từ 7-10 ngày. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, với tinh thần phục vụ tốt nhất, chúng tôi đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút gọn thời gian đăng ký thành lập mới DN xuống còn tối đa 3 ngày và thủ tục cũng hết sức đơn giản. Từ cuối năm 2016, chúng tôi đã triển khai hình thức đăng ký kinh doanh qua mạng nên DN chỉ cần ngồi nhà nộp hồ sơ, khi nào có kết quả mới phải đến Phòng đăng ký kinh doanh để lấy.

Còn theo lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường, ngành cũng đang từng bước nâng cao chất lượng phục vụ DN bằng việc giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính, từ 25 ngày trước đây, nay còn 15 ngày; tăng cường công khai minh bạch, phối hợp và liên thông với các cơ quan đầu mối để thuận tiện cho DN. Tập trung đổi mới phương pháp, tác phong, lề lối làm việc trên tinh thần coi DN là đối tượng phục vụ, không để xảy ra trường hợp cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh DN. Sở này cũng đang từng bước thực hiện Chính phủ điện tử, dịch vụ hành chính công và hiện đã đạt cấp độ 3. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ giải quyết 100% thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường mạng Internet.

Còn theo bà Lê Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương), tinh thần phục vụ DN được cán bộ Trung tâm thực hiện nhất quán trong mọi tình huống. Nhiều DN đã được Trung tâm hỗ trợ đưa sản phẩm gia nhập các kênh phân phối lớn như: Siêu thị, trung tâm thương mại và hướng tới xuất khẩu. Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ 54 DN về đăng ký, bảo hộ thương hiệu, làm các thủ tục cấp Giấy chứng nhận cùng hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký mã số, mã vạch, thiết kế, in ấn tờ rơi quảng cáo, bao bì, nhãn mác sản phẩm… Thông qua hoạt động hỗ trợ này, nhiều DN đã nắm bắt được cơ hội và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. Ông Dương Quốc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Cúc chia sẻ, trước đây, sản phẩm trà Matcha của Công ty chủ yếu được tiêu thụ nhỏ lẻ ở trong tỉnh do mẫu mã, bao bì sản phẩm chưa bắt mắt. Nhưng đầu năm 2016, Công ty đã được Trung tâm hỗ trợ về thiết kế, bao bì nên Công ty đã xâm nhập được vào chuỗi siêu thị Fivimart tại Hà Nội; AEON MALL Long Biên (Hà Nội) và nhiều đại lý phân phối tại khắp các tỉnh, thành trong cả nước… Hiện nay, sản lượng tiêu thụ mặt hàng trà Matcha của Công ty khoảng 2.000 túi/tháng, tăng gần 1.000 túi/tháng so với năm 2016.

Đối với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, đều đặn mỗi tháng, Ban lại họp với Hiệp hội DN Hàn Quốc để lắng nghe, giải quyết các vướng mắc có liên quan, như về điện, nước, các dịch vụ công ích, an ninh trật tự. Ngoài ra, Ban còn phối hợp hỗ trợ cho các DN trong các khu công nghiệp về thủ tục bảo vệ môi trường, nội quy lao động, vấn đề pháp lý, y tế, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tiếng Việt cho người lao động nước ngoài…

Thay lời kết

Chưa phải đã hết những băn khoăn, thắc mắc và cả những bức xúc của người dân, cộng đồng DN trước sự điều hành của cấp ủy, chính quyền trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Song có thể thấy, sự đồng hành, hỗ trợ DN của chính quyền và các tổ chức liên quan trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Sự thay đổi này cần tiếp tục nâng cao hơn nữa về chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày một cao của xã hội. Điều này chắc chắn sẽ được cộng đồng DN trên địa bàn nhìn nhận, kiểm chứng và cùng đồng hành, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Nhóm P.V Kinh tế