Cập nhật: Thứ sáu 15/09/2017 - 16:48
Giờ cao điểm, học sinh Trường tiểu học Hương Sơn đến khu chế biến tự nhận thức ăn về lớp mà không có đồ bảo hộ, che chắn bụi.
Giờ cao điểm, học sinh Trường tiểu học Hương Sơn đến khu chế biến tự nhận thức ăn về lớp mà không có đồ bảo hộ, che chắn bụi.

Thực phẩm sạch, nước uống đạt chuẩn chất lượng, điều kiện chế biến và đầu bếp đều đủ tiêu chuẩn theo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là nhận xét của Chi cục ATVSTP sau đợt giám sát các các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn T.P Thái Nguyên mới đây. Tuy nhiên, còn những hạn chế mà Đoàn giám sát kiến nghị là: hành vi chế biến, sử dụng thực phẩm lại chưa an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ đọc, nhiễm khuẩn cần chấn chỉnh.

Bác sĩ Đàm Văn Bút, Phó chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Hàng năm, vào dịp chuẩn bị năm học mới, Chi cục tổ chức giám sát về thực hiện ATVSTP tại các bếp ăn khối trường học bậc tiểu học và mầm non trên địa bàn toàn tỉnh. Thực tế cho thấy, sau khi thực hiện Thông tư số 30/2012/TT-BYT quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; Thông tư số 47/2014 hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, các tập thể, cá nhân tham gia lĩnh vực này trên địa bàn toàn tỉnh đã chấp hành tốt.

Cụ thể, hệ thống văn bản được triển khai đến 100% cơ sở, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, bếp ăn tập thể đều đã chủ động chuẩn bị các điều kiện đáp ứng các yêu cầu về ATVSTP theo hướng dẫn và quy định pháp luật. Đặc biệt, đối tượng lao động trực tiếp tham gia chế biến, kinh doanh đều tự giác đăng ký tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về ATVSTP, kiểm tra sức khỏe định kỳ và chuẩn hóa về các điều kiện làm việc, vị trí làm việc khi tham gia vào lĩnh vực này. Đây có thể khẳng định là sự vào cuộc rất tích cực của các cơ quan và của xã hội, góp phần nâng cao nhận thức về ATVSTP. Theo đó việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng cũng được chặt chẽ và đồng bộ hơn thông qua hệ thống hồ sơ khép kín, giảm bớt các loại giấy tờ, thủ tục cho tổ chức, cá nhân người lao động khi tham gia vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, một trong những khâu quan trọng để thực hiện tốt ATVSTP chính là việc thực hành. Qua thực tế đợt giám sát từ tháng 8-2017 đến nay có thể thấy rất nhiều hành vi thực hành chưa đúng quy định, dẫn đến các nguy cơ mất an toàn cao.

Tham gia cùng Đoàn giám sát tại các nhà trường trên địa bàn T.P Thái Nguyên, chúng tôi nhận thấy điều kiện về cơ sở vật chất để thực hiện bữa ăn an toàn, môi trường vệ sinh an toàn, nhất là trong khâu ăn uống cho trẻ em là khá tốt. Nhiều trường đã sắm tủ sấy dụng cụ ăn uống, chế biến hiện đại, lắp đặt hệ thống nước lọc uống trực tiếp đến từng phòng học. Các trường đều dành sự quan tâm đặc biệt đến khâu chuẩn bị cho bữa ăn, nhất là nguồn gốc thực phẩm, không gian tổ chức sơ chế sạch sẽ, thậm chí phải sử dụng bảo hộ chuyên dụng, không tùy tiện bước vào khu vực chế biến thức ăn… Nếu như chỉ quan sát, giám sát chừng ấy công đoạn thì khó tìm được những lỗi “hành vi thói quen”.

Bác sĩ Lý Văn Cảnh, Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP cho biết: “Nếu như giám sát bữa ăn mà chỉ dựa vào tiêu chuẩn ăn chín, uống sôi thì chưa đủ, mà còn rất nhiều hành vi thực hành chưa tốt trước khi thức ăn đưa đến người sử dụng. Điển hình như: Đầu bếp quên, hoặc không quen sử dụng găng tay một lần, không đội mũ bao tóc khi chế biến, chia thức ăn, hay có đội mũ rồi nhưng có thói quen đội nón, mũ mềm. Vị trí thao tác sơ chế, chia thức ăn chín chỉ cách sàn nhà 20cm, trong khi quá trình chế biến đầu bếp phải đi lại nhiều trong khu vực này, rất dễ vấy bẩn, hoặc đất, cát, nước bắn lên thức ăn. Đối với học sinh, các em rất thuần thục thao tác rửa tay chân, lau sạch trước khi dùng bữa ăn, nhưng khi uống nước lại không rửa cốc, ném, bỏ cốc bữa bãi sau khi dùng, như vậy người sau sử dụng lại sẽ không bảo đảm vệ sinh”.

Tại Trường Tiểu học Hương Sơn (T.P Thái Nguyên), khi bữa trưa được các đầu bếp chia cho trẻ vào lúc cao điểm, nhiều lớp phải cử học sinh đến nhận cơm, canh tại bếp. Rất nhiều em vừa bê cơm, bê canh vừa chạy, lại không đậy vung bảo quản mang về lớp chia. Vị trí đặt hệ thống nước lọc để uống rất thuận tiện, nhưng học sinh không đặt cốc đúng vị trí sau khi uống nước, nên cốc lăn lóc ra sàn, vấy bẩn đất, cát. Còn Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, các đầu bếp không có khu vực thay đồ bảo hộ phải mặc sẵn nguyên bộ từ nhà đến khu vực bếp để làm việc. Quá trình thao tác chế biến, chia thức ăn do không quen nên bỏ không dùng găng bao tay, khẩu trang. Đặc biệt, hệ thống nước lọc uống trực tiếp tại các trường đều không có thuyết minh kỹ thuật theo dõi quy trình bảo dưỡng, giám sát. Khi được đề cập đến, hầu hết lãnh đạo các trường đều cho rằng, đó là trách nhiệm của nhà thầu làm dịch vụ bán nước có cam kết riêng với cơ quan quản lý. Như vậy, đồng nghĩa với việc chỉ bảo dưỡng định kỳ theo hợp đồng và chỉ khi nào lọc quá bẩn, khiến nước tắc, được nhà trường yêu cầu nhà thầu mới đến kiếm tra, thay thế. Quy trình kiểm tra, thay thế bằng thiết bị, vật tư loại gì cũng không có biên bản, thuyết minh.

Có thể nói hoạt động giám sát ATVSTP trong nhà trường, nhất là những hành vi mất an toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào luôn cần sự quan tâm của cả nhà trường, phụ huynh học sinh. Chính vì vậy, để bảo đảm chấn chỉnh những hành vi này tốt hơn, rất cần sự quan tâm huấn luyện, giáo dục nâng cao ý thức, thay đổi hành vi thói quen ngay từ môi trường giáo dục tại nhà trường.

Trinh An