Cập nhật: Thứ hai 18/09/2017 - 09:51
Các hộ kinh doanh ở tổ 2, thị trấn Hương Sơn chiếm dụng vỉa hè làm chỗ đặt biển quảng cáo.
Các hộ kinh doanh ở tổ 2, thị trấn Hương Sơn chiếm dụng vỉa hè làm chỗ đặt biển quảng cáo.

Mặc dù thời gian qua, Ban Chỉ đạo lập lại trật tự đô thị, đảm bảo an toàn giao thông thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) đã tăng cường tổ chức tuyên truyền cho nhân dân và ký cam kết đảm bảo trật tự an toàn giao thông với các hộ kinh doanh trên địa bàn, nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn tiếp tục diễn ra.

Có mặt tại cổng Nhà máy May TNG Phú Bình (Công ty Cổ phần Đầu tư & Thương mại TNG), chúng tôi nhận thấy cả một đoạn vỉa hè dài khoảng 50m được nhiều người tận dụng làm nơi bán các loại lương thực, thực phẩm, quần áo, giầy dép… Những người dân sinh sống gần Nhà máy May TNG Phú Bình cho biết lúc đầu khu vực trước cổng Nhà máy chỉ có gần chục người đến bán hàng nhưng hiện tại con số này đã tăng lên gấp 2-3 lần. Công ty đã đề biển “Cấm bán hàng” ở bên ngoài hàng rào, bảo vệ Nhà máy cũng ra nhắc nhở những người mua, bán hàng nhưng tình trạng họp chợ ở đây vẫn diễn ra thường xuyên.

Tại khu vực tổ dân phố 1, 2 thì tình trạng lấn chiếm vỉa hè cũng diễn ra tương tự như trước cổng Nhà máy May TNG. Do những tổ dân phố này nằm cạnh Quốc lộ 37, thuận tiện cho việc buôn bán nên đa số các hộ đều tranh thủ kinh doanh các mặt hàng. Chị Dương Thị Hoài, một người dân ở thị trấn Hương Sơn cho biết: Ở một số đoạn đường của thị trấn, từ lâu người đi bộ đã không còn khái niệm đi trên vỉa hè khi biển hiệu, hàng quán “mọc” tràn lan. Thậm chí đoạn ngã tư ngay gần trụ sở UBND thị trấn Hương Sơn vỉa hè cũng bị “mất trắng” do một số hộ dùng làm chỗ bán nước giải khát. Mặc dù các đơn vị chức năng có đến dẹp bỏ nhưng cũng chỉ như bắt cóc bỏ đĩa. Không hiểu lý do vì sao những quán nước này vẫn tồn tại đến tận bây giờ?

Ông Dương Viết Thủy, Trưởng Công an thị trấn Hương Sơn cho biết: Thị trấn Hương Sơn có trên 2.300 hộ, sinh sống ở 19 tổ dân phố. Trong đó có khoảng 600 hộ kinh doanh, buôn bán. Nhằm chấm dứt tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, UBND thị trấn Hương Sơn đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch đẩy mạnh tuyên tryền, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật cũng như trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc sử dụng, bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ. Phối hợp với các lực lượng chức năng của huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm. Tổ chức ký cam kết không vi phạm hành lang an toàn giao thông đối với tất cả các hộ buôn bán dọc trên các tuyến đường. Vận động các trường hợp vi phạm tự nguyện tháo dỡ, di dời công trình, kiến trúc ra khỏi phạm vi hành lang an toàn giao thông. Trung bình mỗi năm, lực lượng làm nhiệm vụ giải tỏa hành lang an toàn giao thông của thị trấn Hương Sơn đã tiến hành thu giữ khoảng 200 chiếc biển hiệu, ô dù, bàn ghế của những hộ vi phạm.

Dù đã có nhiều nỗ lực trong việc giữ cho đường thông, hè thoáng nhưng hiện nay công tác giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông trên địa bàn thị trấn Hương Sơn vẫn gặp nhiều khó khăn như: Đối tượng vi phạm chủ yếu là người dân không có việc làm ổn định nên đã lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán. Công tác giải tỏa, duy trì hành lang an toàn giao thông cần kinh phí, lực lượng lớn, trong khi đó lực lượng làm công việc này ở thị trấn còn mỏng, kinh phí hạn hẹp. Nhiều trường hợp tái vi phạm sau khi đã bị xử phạt. Riêng đối với tình trạng họp chợ, bán hàng rong tại cổng các Nhà máy, những nơi tập trung đông người thì đa số người bán đều chọn những mặt hàng gọn nhẹ, dễ di chuyển. Do đó hễ thấy bóng dáng của lực lượng chức năng là họ nhanh chóng cất hàng hóa đi nhưng khi lực lượng này đi khỏi thì mọi việc lấn chiếm vỉa hè lại tiếp tục diễn ra.

Thiết nghĩ, để thị trấn Hương Sơn có hành lang giao thông “sạch” thì bên cạnh việc chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm còn rất cần sự hưởng ứng và ý thức tự giác của mỗi người dân.

Trang Nhi