Trong 5 ngày từ 15 đến 19-9, chúng tôi đã tiến hành khảo sát ở một số cung đường có mật độ vận chuyển công nhân lớn nhất của Samsung Thái Nguyên gồm: Đại Từ - Samsung; Phú Bình - Samsung và Đán (T.P Thái Nguyên) - Samsung.
Tại tuyến Phú Bình - Samsung, khung giờ từ 18 đến 19 giờ, trung bình có khoảng hơn 100 chiếc xe Samsung chạy qua. Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù mật độ giao thông khá đông đúc nhưng không còn tình trạng xe Samsung tuýt còi inh ỏi hay phóng nhanh, vượt ẩu như những ngày trước đó. Từng đoàn xe Samsung nối đuôi nhau chạy theo hàng lối trên đường. Ông Nguyễn Đức Linh, xóm Soi, xã Nhã Lộng (Phú Bình) cho biết: Sau khi báo Thái Nguyên đăng bài, tôi thấy tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu của xe Samsung giảm đi nhiều. Nhưng vào giờ cao điểm tại các điểm đón, trả công nhân vẫn ùn tắc cục bộ. Còn chị Dương Thị Loan, trú tại huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) - công nhân Samsung chia sẻ: Mấy ngày gần đây, ngồi trên xe tôi thấy an tâm vì các lái xe đều chạy cẩn thận hơn mà vẫn kịp giờ làm.
Với tuyến Đại Từ - Samsung và Đán - Samsung, chúng tôi cũng nhận thấy có sự chuyển biến tương tự. Tại thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), ở khung giờ cao điểm thường có khoảng 30 đầu xe Samsung thuộc Công ty Kumho Samco đảm nhiệm xuất phát. Cứ khoảng 3 phút một lượt, các xe di chuyển từ bến ra khá cẩn thận. Trên cung đường, cả những đoạn mật độ giao thông mỏng cũng không thấy lái xe Samsung phóng quá nhanh như trước. Chị Nguyễn Thị H., công nhân Samsung cho biết, không phải lái xe Samsung nào cũng chạy ẩu, nhưng tình trạng tài xế phóng nhanh, phanh gấp trên đường là có thật. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây lái xe chạy cẩn thận hơn, không còn những cú chèn ép người đi đường nữa. Anh Vũ Văn Hưng, nhà gần điểm đón, trả công nhân ở thị trấn Hùng Sơn thông tin: Tôi vẫn thường chứng kiến nhiều tài xế xe Samsung sang đường rất bất cẩn, nhưng nay thấy có người đứng xi nhan dẫn lái cẩn thận hơn.
Chia sẻ với chúng tôi, một số tài xế của Công ty Kumho Samco tiết lộ, ngay sau khi báo chí phản ánh, Công ty đã có buổi làm việc với tất cả các lái xe để quán triệt tinh thần, đồng thời nhận định vẫn còn những tài xế lái ẩu. Tại đây, phía nhà xe tiếp tục phổ biến Luật Giao thông đường bộ, các nội quy an toàn mà Công ty đề ra. Công ty cũng đề nghị các tài xế có thắc mắc gì về việc thay đổi giờ giấc xuất bến hoặc khó khăn trong quá trình đưa đón công nhân để kịp thời điều chỉnh phù hợp. Tương tự, phía Công ty TNHH Lotte Rent - A - Car Vina (Doanh nghiệp có trên 100 đầu xe tham gia đưa đón công nhân Samsung) cũng thông tin, đơn vị vừa phải triệu tập toàn bộ lái xe để rút kinh nghiệm và quán triệt, phổ biến lại những nội quy, quy định về an toàn giao thông.
Trao đổi với chúng tôi, anh Đỗ Văn Bình, lái xe công nhân chạy tuyến Đán - Samsung thừa nhận: Vì áp lực thời gian nên một số lái xe phải chạy nhanh để kịp giờ làm của công nhân. Chúng tôi sẽ đề nghị nới khung giờ xuất bến để kịp thời gian làm việc cho người lao động. Còn anh Phạm Anh Trung, Đội trưởng quản lý tuyến Thái Nguyên của Công ty TNHH Lotte Rent - A - Car Vina thừa nhận, khung giờ ở một số tuyến được quy định quá ngặt. Ví dụ, tuyến Tân Long (T.P Thái Nguyên) - Samsung giờ chốt sát đến mức ít lái xe nào kham nổi: Cứ trung bình 10 phút phải đi được từ 8 đến 10km. Nếu bình thường cố gắng sẽ chạy được, nhưng trong giờ cao điểm thì rất khó, đành phải chạy bù giờ khi đến đường cao tốc. Có lẽ do Samsung khảo sát tuyến bằng xe con nên mới đặt khung giờ kịch như vậy?
Anh Trần Văn Khánh, tài xế chạy tuyến Tân Long - Samsung tâm sự: Thời gian gần đây, trên mạng xã hội, nhiều người dân đồn thổi rằng hầu hết tài xế xe Samsung đều sử dụng ma túy hoặc chất kích thích khi lái xe nhưng thực tế không hề có chuyện đó. Hằng tháng, chúng tôi đều phải khám sức khỏe định kỳ và kiểm tra y tế đột xuất.
Với sự chuyển biến bước đầu khá tích cực này, hy vọng Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên cũng như các đơn vị tham gia hoạt động vận tải đưa đón công nhân Samsung sẽ tiếp tục có những thay đổi phù hợp trong quản lý, điều hành để nâng cao hơn nữa hệ số an toàn cho xe Samsung khi lưu thông trên đường và không còn là nỗi ám ảnh của nhiều người dân.