Trong khi nhiều địa phương khác trên cả nước trong những tháng đầu năm có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, nên đã xin nới “room” tăng trưởng từ 18% lên 20-22% thì ở Thái Nguyên, tốc độ tăng lại khá chậm chạp. Mức tăng 8 tháng của tỉnh so với mặt cả nước chỉ bằng thời điểm 7 tháng. Tuy nhiên, theo đồng chí Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh thì tốc độ tăng trưởng này xét ở một góc độ nào đó không hẳn đã đáng ngại, nhưng vẫn phần nào phản ánh thực tế sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn tỉnh hiện còn khá khiêm tốn.
Hiện, trong tổng số 24 chi nhánh NH trên địa bàn tỉnh, thì chỉ tính riêng 7 chi nhánh NHTMCP Nhà nước, bao gồm (NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Agribank, 2 chi nhánh NHTMCP Đầu tư và Phát triển - BIDV, 3 chi nhánh NH Công thương - Vietinbank, 1 chi nhánh NH Ngoại Thương - Vietcombank) đã chiếm tới 69% tổng dư nợ trên toàn địa bàn (32 nghìn tỷ); còn lại 17 chi nhánh NH cổ phần đại chúng chiếm 31%. Trong khi các chi nhánh của BIDV, Vietcombank và Agribank Thái Nguyên có mức tăng trưởng tín dụng khá tốt, đều đạt trên 11%, với số tăng tuyệt đối từ 600-1.100 tỷ đồng/chi nhánh, so với cuối năm 2016 thì các chi nhánh của Vietinbank, mức tăng dư nợ lại không cao, thậm chí có chi nhánh còn tăng trưởng âm. Tính chung của Vietinbank trên địa bàn tỉnh 8 tháng qua chỉ tăng 2,94%, tương ứng với số tiền tăng 228 tỷ đồng. Do các chi nhánh này có dư nợ tín dụng tương đối cao nên khi tăng trưởng tín dụng đạt thấp đã có những tác động nhất định đến sự tăng trưởng chung của cả hệ thống ngân hàng trên địa bàn.
Một nguyên nhân khác đến từ khối các ngân hàng cổ phần nhỏ và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cũng như ở khối “đàn anh”, một số ngân hàng khối “đàn em” tuy số dư nợ không lớn nhưng nhiều ngân hàng vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng, đạt chỉ tiêu tăng trưởng ngay trong quý III, thậm chí là cuối quý II, nên đã xin Hội sở chính nới chỉ tiêu tăng trưởng. Song bên cạnh đó, cũng lại có nhiều ngân hàng không những không tăng mà còn bị sụt giảm dư nợ khá lớn so với cuối năm 2016. Trong khối này, có ngân hàng giảm tới 567 tỷ đồng, tương ứng với 44%; 3 ngân hàng khác giảm từ 68-140 tỷ đồng/đơn vị. Sự sụt giảm ở những ngân hàng này được xem là đã tác động không nhỏ đến mức tăng trưởng chung của toàn hệ thống trên địa bàn.
Đồng chí Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN tỉnh cho rằng, với những ngân hàng tăng trưởng tốt, dù có được nới “room” tăng trưởng thì cũng khó bù đắp được sự thiếu hụt khi mà nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng thấp và âm. Vì thế, nếu không có sự đột biến nào từ chính những ngân hàng tăng trưởng thấp thì nhiều khả năng năm nay, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn sẽ không đạt mức 18% theo định hướng chung từ đầu năm của NHNN. Mức tăng trưởng này đang phần nào phản ánh khách quan nền kinh tế địa phương hiện nay.
Đồng chí Giám đốc NHNN tỉnh phân tích: Thời gian qua, mặc dù thu hút đầu tư của tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng chủ yếu là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các doanh nghiệp này thường chỉ quan hệ tín dụng với ngân hàng của nước họ, rất ít vay vốn của ngân hàng sở tại. Vì thế, dư nợ tín dụng trên địa bàn đổ vào khối DN này không đáng kể. Còn với DN trong nước, sức hấp thụ vốn nhìn chung vẫn còn khá hạn chế. Trên địa bàn tỉnh, số DN trực tiếp sản xuất không nhiều, mà chủ yếu là thương mại, dịch vụ và khai khoáng. Về cơ bản quy mô vẫn chỉ như những năm trước, nếu có tăng cũng không đáng kể nên nguồn vốn cơ bản duy trì ổn định như thời gian trước. Còn với DN thành lập mới tuy theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư là khá lớn nhưng tỷ lệ đi vào hoạt động thực tế lại không cao và không phải DN nào cũng đáp ứng được các điều kiện cần thiết để vay vốn.
Dù vậy, việc tăng trưởng tín dụng những tháng qua trên địa bàn không phải là không có những dấu hiệu tích cực. Một số ngân hàng như Vietcombank, tuy mới có mặt trên địa bàn được hơn 3 năm nay, nhưng tính đến cuối tháng 8 đã tăng được gần 600 tỷ đồng, đạt mức 37% (kế hoạch của đơn vị là 40%). Theo ông Đặng Thùy Dương, Giám đốc Vietcombank Thái Nguyên, dù có khả năng tăng trưởng tín dụng cao hơn 40%, nhưng Chi nhánh vẫn không xin nới “room”, mà thay vào đó là tập trung cơ cấu lại nền khách hàng để nâng cao chất lượng tín dụng. Hay như ở BIDV Thái Nguyên, với dư nợ cuối năm 2016 đạt gần 7,2 nghìn tỷ, 8 tháng đầu năm, mặc dù mức tăng trưởng gần 16% nhưng số tăng tuyệt đối lại lên tới trên 1,1 nghìn tỷ đồng. Đây là chi nhánh nhiều năm liền có mức tăng trưởng cũng như chất lượng tín dụng tốt. Ngoài ra, bên cạnh những chi nhánh được giao chỉ tiêu nhưng không hoặc khó có khả năng tăng trưởng thì có số ít ngân hàng không được Hội sở chính giao chỉ tiêu này, vì lý do đảm bảo an toàn tín dụng, do hiệu quả hoạt động trước đó hoặc hiện tại chưa cao hoặc việc quản trị của chi nhánh chưa đủ mạnh.
Việc tăng trưởng dư nợ tín dụng cao hay thấp phần nào cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo nhiều ngân hàng thì điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng tín dụng. Vì thế, khi mà nợ xấu của các ngân hàng được kiểm soát ở mức an toàn thì đó vẫn được xem là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.