9 tháng trong năm, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra trên 4.000 cơ sở về việc chấp hành quy định pháp luật ATVSTP, trong đó có gần 40% cơ sở vi phạm. Riêng lĩnh vực của ngành Y tế quản lý, mức độ vi phạm về ATVSTP chiếm trên 64%, trong đó chủ yếu là hành vi chấp hành chưa đúng các quy định của Nhà nước, thiếu bảo hộ, thực phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, không được bảo quản tốt, chưa thực hiện đúng quy trình chế biến một chiều… Tổng số tiền xử phạt nộp ngân sách Nhà nước trên 1 tỷ đồng. Trong khi cả năm 2016, mức độ vi phạm và bị các cơ quan chức năng xử phạt nộp ngân sách Nhà nước trên 880 triệu đồng.
Theo ông Lý Văn Cảnh, Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP cho rằng: “Trong năm 2016 và 9 tháng của năm 2017, các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và giám sát việc chấp hành quy định ATVSTP, về cơ bản các bếp ăn, cơ sở chế biến thực phẩm tập trung của các trường học đã chấp hành khá tốt. Toàn bộ 100% các bếp ăn đều thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ cho những người tham gia chế biến, vận chuyển thực phẩm và thực hành đúng các quy định về quy trình chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên, với các nhà hàng, bếp ăn kinh doanh tự do thuộc thẩm quyền quản lý của các xã, phường, thị trấn thì chấp hành tùy tiện. Cứ kiểm tra là có vi phạm như: dùng chung thớt khi chế biến thực phẩm tươi sống và đã chín; đầu bếp không có bảo hộ, găng tay; kệ, giá để thực phẩm sát nền nhà ẩm thấp, người đi lại tự do vào khu vực đáng lẽ phải cách ly. Có những nhà hàng, quán ăn, khu vực sơ chế dùng chung khu vệ sinh… Nguyên nhân chính là các nhà hàng, quán ăn, nhất là quán ăn đường phố không muốn đầu tư theo quy chuẩn, thiếu chuyên nghiệp. Nhưng cũng còn có nguyên nhân nữa là chính quyền địa phương sở tại, cũng như thái độ người tiêu dùng, thực khách…dễ dãi với chính bản thân, không giám sát và cũng ít bày tỏ thái độ trước những hành vi chưa bảo đảm ATVSTP”.
Có thể nói, việc chấp hành đảm bảo ATVSTP là một quá trình xuyên suốt từ khâu sản xuất đến khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và cung ứng đến người tiêu dùng... Bất kỳ một giai đoạn nào trong quá trình trên đều có những tác động có thể làm cho thực phẩm không đảm bảo, mất an toàn và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Do đó, bên cạnh việc tăng cường quản lý chất lượng ATVSTP của các cơ quan chức năng rất cần nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt, người tiêu dùng cần phải nêu cao vai trò của mình trong việc giám sát, phát giác các hành vi vi phạm ATVSTP trong sản xuất, kinh doanh.
Thực tế cho thấy, để thực hiện tốt việc kiểm soát ATVSTP thì công tác tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng. Hoạt động tuyên truyền phải hướng đến nâng cao nhận thức người dân, làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, để không còn dễ dãi với chính bản thân. Kết quả công tác kiểm soát ATVSTP trong chín tháng của năm 2017 đã cho thấy sự quyết liệt trong hoạt động xử lý vi phạm, song song với đó là tập trung tuyên tuyền, tập huấn nâng cao kiến thức về ATVSTP. Các ngành Y tế, Công thương, Nông nghiệp và PTNT cùng các cơ đoàn thể (Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc) các cấp đã phối hợp tổ chức gần 1.000 buổi tập huấn, hội thảo về ATVSTP cho gần 50 nghìn lượt người dân.