Cập nhật: Thứ ba 24/10/2017 - 09:29
Các loại xe đầu kéo tự chế sử dụng máy nông nghiệp không đảm bảo an toàn di chuyển khá phổ biến tại các tuyến đường nông thôn ở Định Hóa.
Các loại xe đầu kéo tự chế sử dụng máy nông nghiệp không đảm bảo an toàn di chuyển khá phổ biến tại các tuyến đường nông thôn ở Định Hóa.

Theo Nghị định của Chính phủ, từ năm 2008, các loại ô tô hết niên hạn, xe công nông, xe 3,4 bánh tự chế đã bị đình chỉ lưu hành nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, đến nay sau 10 năm, loại phương tiên này vẫn còn hoạt động trên nhiều tuyến đường, nhất là khu vực nông thôn. Trong khi đó, lực lượng chức năng lại gặp không ít khó khăn trong việc quản lý và xử phạt vi phạm.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội diễn ra ngày 3-10 vừa qua, ông Nguyễn Phúc Thu, Trưởng xóm Làng Lải, xã Tân Thịnh (Định Hóa) tỏ ra rất bức xúc về tình trạng xe công nông, xe tự chế dù đã cấm nhưng vẫn được sử dụng phổ biến. Theo ông Thu: Người dân địa phương dùng công nông, đầu máy nông nghiệp có gắn thêm thùng chở hàng phía sau thường xuyên lưu thông trên các tuyến liên xã. Điều đáng nói là loại phương tiện tự chế này đều sử dụng đầu kéo chạy bằng máy nổ hoặc bình ắc quy tích điện, không đèn pha, không đèn xi nhan và không gương chiếu hậu. Các bộ phận như chân ga, phanh, vô lăng, cần số, thùng chở hàng... được thiết kế rất sơ sài, không qua kiểm định an toàn của cơ quan chức năng. Trong khi, chủ phương tiện thường tận dụng nhét hàng hóa cho đầy chuyến nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Gần đây nhất, vào cuối tháng 9-2017 đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe đầu kéo tự chế mà nạn nhân trong một gia đình. Anh Nguyễn Phúc Vinh, sinh năm 1990, trú tại xóm Làng Lải, xã Tân Thịnh đi xe máy chở theo vợ và con di chuyển trên truyến đường Chợ Chu - Lam Vỹ thì va chạm với xe đầu kéo tắc tơ do anh Lương Văn Hải, ở xóm Đồng Muồng, xã Lam Vỹ điều khiển. Nhiều nhân chứng xác nhận, thời điểm đó là 9 giờ tối và xe đầu kéo không hề có đèn tín hiệu. Hậu quả, anh Vinh bị chấn thương ở đầu, phải cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Con trai anh Vinh bị gãy tay, còn vợ khi kiểm tra thì phát hiện bị dò tủy. Hiện Cơ quan Công an huyện Định Hóa đã thụ lý vụ việc để giải quyết.

Trung tá La Chấn Đẩu, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông và trật tự xã hội, Công an huyện Định Hóa cho biết: Ngoài vụ việc nói trên, mới đây Cơ quan Công an cũng xử lý một vụ tai nạn liên quan đến xe đầu dọc tại khu vực ngã ba Yên Thông, xã Bình Yên. Anh Ma Công Đạt, ở xóm Nà Riệng, xã Bình Yên điều khiển xe đầu kéo đã va chạm với xe mô tô mang BKS 20H5-9150. Hậu quả, người điều khiển mô tô là chị Ma Thị Trang, sinh năm 2000 bị thương nhẹ. Vụ việc được hai bên tự thỏa thuận bồi thường. Thức tế, số vụ tai nạn liên quan đến xe công nông, xe đầu kéo tự chế trên địa bàn lớn hơn nhiều so với số liệu thống kê của cơ quan chức năng. Bởi phần lớn các va chạm xảy ra tại tuyến liên xã, đường nông thôn, các bên liên quan tự thỏa thuận việc đền bù. Chỉ khi có chấn thương nặng hoặc dẫn đến tử vong thì mới báo cơ quan công an giải quyết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các phương tiện tự chế, nhất là đầu máy nông nghiệp có gắn thùng chở hàng phía sau được người dân ở địa bàn nông thôn rất ưa chuộng sử dụng. Đó là phương tiện có kích thước nhỏ gọn nên di chuyển thuận lợi tại các tuyến liên xóm, xã, đáp ứng nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng và nông, lâm sản sau thu hoạch. Ngoài ra, do giá cả vận chuyển thường rất rẻ nên hầu hết người dân lựa chọn loại phương tiện này để vận chuyển hàng hóa.

Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29-6-2007 của Chính phủ có quy định: “Từ ngày 1-1-2008, đình chỉ lưu hành toàn bộ xe ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu, xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ”. Theo Trung tá La Chấn Đẩu: Quy định là vậy nhưng số vi phạm bị xử lý trên địa bàn huyện Định Hóa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lý do là phương tiện này chủ yếu hoạt động tại các xã nông thôn, cách xa trung tâm. Trong khi lực lượng chức năng lại mỏng, hễ có tuần tra xử lý thì họ lại không hoạt động nữa. Vì là phương tiện mưu sinh của bà con nông dân nghèo nên nhiều khi vì tình chúng tôi không nỡ phạt mà chỉ nhắc nhở. Hoặc khi xử lý hành chính cũng khó vì nhiều trường hợp chủ xe bỏ phương tiện ở lại, phạt thì xe không có đăng ký còn tịch thu đưa phượng tiện đưa về cơ quan thì không thể làm nổi.

Thực tế ở huyện Định Hóa, muốn chấm dứt ngay việc lưu thông, vận tải bằng công nông, xe tự chế hoặc đầu kéo nông nghiệp là điều không thể. Có chăng là từng bước hạn chế lưu thông trên các tuyến quốc lộ, đường liên xã để giảm thiểu tai nạn giao thông. Đề làm được điều, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm nâng cao ý thức khi tham gia giao thông và chấp hành pháp luật của chủ phương tiện. Triển khai những biện pháp, chế tài mạnh tay kiên quyết xử lý các phương tiện cố tình vi phạm để làm gương. Ngoài ra, chính quyền các cấp cũng cần quan quan tâm lợi ích của chủ phương tiện nhằm tạo điều kiện cho họ chuyển nghề, hỗ trợ lãi suất ưu đãi mua xe mới đủ điều kiện lưu hành để có việc làm, bảo đảm cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Nhị Hà