Cập nhật: Thứ hai 30/10/2017 - 11:08
Nhờ tham gia mô hình giảm nghèo do Trạm Khuyến nông huyện thực hiện, gia đình anh Nguyễn Quang Nhân, ở xóm Nà De, xã Phúc Chu (Định Hóa) đã vươn lên trở thành hộ có mức sống khá.
Nhờ tham gia mô hình giảm nghèo do Trạm Khuyến nông huyện thực hiện, gia đình anh Nguyễn Quang Nhân, ở xóm Nà De, xã Phúc Chu (Định Hóa) đã vươn lên trở thành hộ có mức sống khá.

Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ hàng đầu nhằm từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, hàng năm, huyện Định Hóa tập trung nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững. Qua đó, chỉ tiêu giảm nghèo của huyện luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra (từ 3% trở lên/năm). Đến đầu năm 2017, toàn huyện còn 5,5 nghìn hộ nghèo, chiếm 21,6%.

Với phương châm trao chiếc “cần câu” thay vì “con cá”, thời gian qua, huyện Định Hóa triển khai nhiều mô hình hỗ trợ sản xuất hiệu quả cho người nghèo. Trong đó, có thể kể đến các mô hình do Trạm Khuyến nông thực hiện. Tiêu biểu như mô hình “nuôi bò sinh sản” được thực hiện từ năm 2016. Từ đó đến nay, Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ 30 con bò sinh sản cho các hộ nghèo, với tổng kinh phí trên 300 triệu tại các xã Phúc Chu, Kim Phượng, Bảo Cường.

Bên cạnh thực hiện các mô hình giảm nghèo, việc thực hiện các chính sách dạy nghề, tạo việc làm, tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo cũng được huyện quan tâm. Tính đến tháng 11-2017, huyện có trên 400 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, trong đó có gần 70% số lao động đã áp dụng kiến thức, kinh nghiệm được học vào thực tiễn sản xuất. Trong năm, huyện tăng cường liên kết với các Công ty Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) và các Công ty phụ trợ SEVT giải quyết việc làm cho hơn 800 người nghèo với mức thu nhập ổn định. Là một trong số đó, chị Dương Thị Thúy, ở xóm Bản Cọ, xã Quy Kỳ phấn khởi: Được Công ty SEVT tuyển dụng làm công nhân, mỗi tháng tôi được trả lương từ 4,5 - 5 triệu đồng. Ngoài ra, còn được hỗ trợ ở ký túc xá, có xe đưa đón và phụ cấp 500 nghìn - 1 triệu đồng/tháng. So với việc ở nhà làm đồng ruộng như lúc trước thì mức thu nhập của gia đình tôi đã tăng lên gấp 2 lần”. Cùng với đó, huyện cũng thực hiện hỗ trợ vay vốn hộ nghèo từ NHCSXH huyện. Tính đến nay, huyện đã thực hiện quản lý cho vay 447 triệu đồng, cho trên 7 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế…

Ngoài giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người nghèo nói trên, thời gian qua, huyện Định Hóa còn quan tâm, tiến hành triển khai đồng bộ nhóm giải pháp hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như các chính sách về y tế. Theo đó, đến nay, huyện cấp đủ 71.416 thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo, với kinh phí trên 738 triệu đồng; 100% người nghèo, cận nghèo bị mắc bệnh hiểm nghèo được khám chữa bệnh theo Quyết định 2603/QĐ  - UBND tỉnh. Các chính sách hỗ trợ về nhà ở tiếp tục được quan tâm. Năm 2017, huyện hỗ trợ sửa chữa, xây mới 45 căn nhà, kinh phí trên 13 tỷ đồng. Đây là kết quả từ sự nỗ lực từ Trung ương cho tới cơ sở, như Chương trình hỗ trợ người nghèo về nhà ở của Chính phủ (Quyết định số 33); chủ trương xây dựng nhà ở cho đảng viên được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi đảng trở lên từ nguồn ngân sách tích cho tới các chương trình “Nghĩa tình đồng đội”, phong trào tặng nhà tình thương của Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện…

Là hộ được cho vay 25 triệu đồng, lãi suất 3%/năm, trong thời hạn 15 năm theo Quyết định số 33 để sửa chữa căn nhà đã xuống cấp từ lâu, chị Phạm Thị Hoa nói: Nếu không có Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, không biết bao giờ nhà tôi mới thoát cảnh sống quanh năm mưa dột, bốn bề gió lùa. Có căn nhà vững chắc, vợ chồng chị Hoa có thể yên tâm sản xuất để trả nợ.

Đánh giá về công tác giảm nghèo của huyện, bà Trần Thị Bính, Trưởng phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện Định Hoá cho biết: Ngoài việc triển khai đồng bộ các chính sách, chương trình, dự án, huyện còn tăng cường công tác giám sát thực hiện giảm nghèo ở cấp xã, điều tra và báo cáo tỷ lệ hộ nghèo, xã đặc biệt khó khăn, xã nghèo. Đồng thời, huyện phát huy vai trò của những người có uy tín, già làng, trưởng bản, cá nhân tiêu biểu về xóa đói giảm nghèo ở cơ sở để vận động người nghèo, hộ nghèo không trông chờ ỷ lại, có ý thức học hỏi các kinh nghiệm sản xuất, sử dụng có hiệu quả các nguồn lợi từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước…

Nhờ hiệu quả từ đa dạng các giải pháp giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân mỗi năm 3-4%; 95% số hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, 24/24 xã thị trấn có điện lưới quốc gia, trên 2.000 lao động nông thôn có việc làm thường xuyên mỗi năm… 
Hoàng Cường