Có chiến lược cải thiện hạ tầng
Theo ông Nguyễn Hoàng Mác, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên, một số điểm ùn tắc cục bộ đã có phương án hạ hỏa. Thành phố đang triển khai Dự án xây dựng đường Bắc Sơn nối dài từ trung tâm vào Khu du lịch hồ Núi Cốc chạy gần như song song với đường Quang Trung, nên tuyến này sẽ được giảm tải. Mặt khác, Dự án xây dựng cầu Bến Tượng bắc qua sông Cầu nối thành phố với huyện Đồng Hỷ cũng đang triển khai sắp xong. Khi hoàn tất, cầu Gia Bảy sẽ được đầu tư xây mới rộng hơn, tải trọng cao hơn. Và như vậy, nút giao Gia Bảy cũng sẽ được cải thiện trong nay mai. Đối với đường Cách mạng Tháng Tám, việc giảm tải cũng sẽ được giải quyết khi Dự án giai đoạn 2 đường Việt Bắc hoàn thiện. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, giải pháp lâu dài vẫn phải xây cầu vượt đối với những nút giao lớn mới triệt để được vấn đề. Được biết, cũng đã có ý kiến đề xuất làm cầu vượt tại nút giao đường Quang Trung và đường sắt Đồng Quang, nhưng không khả thi vì thiếu nguồn lực.
Hiện nay, việc mở rộng các tuyến đường nội thị của thành phố là điều không tưởng bởi giải phóng mặt bằng là rào cản khó vượt qua. Do đó, rất cần có thêm các tuyến đường nhánh, đường phụ kết nối với trục chính để phân tán mật độ giao thông. Mặt khác, đô thị thành phố vẫn chủ yếu là giao thông đồng mức, nên cần tăng cường giao thông các mức, có thể làm cầu vượt, hầm chui, cầu đi bộ… Thời gian qua, việc xóa bỏ bến xe trong nội thị là rất hợp lý, nhưng tỷ lệ bến xe còn quá ít, cần có thêm các bến xe ngoài khu vực đường tránh. Hơn nữa, về lâu dài cũng nên nghĩ đến việc xây dựng thêm nhiều nhà chung cư, trung tâm thương mại để hạn chế việc mở các cửa hàng tự phát.
Với tình trạng tắc đường tại cổng các trường học, cần giải pháp phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Theo ông Tân Hoàng Long, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, đối với những trường nằm trên trục đường chính thành phố có thể di chuyển vào bên trong để giảm ùn tắc, cụ thể như Trường Mầm non 19/5 rất nên di dời.
Để cải thiện hạ tầng, nguồn lực là quan trọng số 1. Được biết, những năm qua, nguồn vốn ngân sách của tỉnh, thành phố dành cho đầu tư mới công trình hạ tầng giao thông chưa tương xứng. Bởi thế, về lâu dài cần huy động nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó đặc biệt chú trọng nguồn xã hội hóa.
Mạnh tay xử lý lấn chiếm lòng, lề đường
Theo thông tin từ Đội Quản lý trật tự xây dựng và giao thông thành phố, mỗi năm có hàng trăm trường hợp lấn chiếm hành lang đô thị bị xử lý, song đến nay vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Các tụ điểm buôn bán tự phát lấn chiếm lòng, lề đường gây cản trở giao thông ở một số vị trí trên địa bàn còn thiếu quyết liệt trong xử lý. Khu vực đường vào chợ Thái và chợ Túc Duyên luôn trong tình trạng quá tải do người dân bày bán tràn ra cả lòng đường, người đi đường tấp vào mua hàng, đỗ xe chềnh ềnh khiến đoạn đường này thường xuyên bị ách tắc. Lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân xử lý nhưng rồi đâu lại đóng đấy. Hiện tại, khu vực gần cổng Trường Đại học Việt Bắc, phường Đồng Bẩm, chợ tự phát đã mọc lên, người bán rau, hoa quả đang chiếm toàn bộ hai bên lề đường. Vào giờ cao điểm, các phương tiện đỗ lại mua hàng tràn xuống lòng đường khiến cho việc lưu thông gặp nguy hiểm. Tại một số cổng trường nội thị, xe bán hàng rong đủ loại đỗ chật ních xung quanh, không ít quầy tạp hóa, mẹt bán đồ dùng học tập tràn lấn hết vỉa hè khiến giao thông càng trở nên ách tắc nghiêm trọng.
Thiết nghĩ, đối với những trường hợp này, chính quyền phải có biện pháp xử lý thật nghiêm, phạt thật nặng mới mong giải quyết được tình hình. Đặc biệt, cần phải thực hiện nghiêm ở tất cả các địa phương, các đối tượng, tránh trường hợp phường này làm mạnh phường kia buông lỏng...
Nâng cao ý thức người tham gia giao thông
Theo phân tích của một số chuyên gia, ở nhiều nước tiên tiến cũng có hiện tượng tắc đường, song không đến nỗi vỡ trận như ở nước ta bởi ý thức tham gia giao thông của họ văn minh hơn. Ví dụ, Thái Lan nổi tiếng về tình trạng tắc đường, nhưng họ bị tắc đường vì phải chờ đợi đến lượt của mình đi, họ đi đúng làn đường, đúng luồng, tuyến chứ không như chúng ta cứ chỗ nào trống là chen lấn, nhồi xe vào. Chỗ nào tắc là ô tô, xe máy lấn sang cả phần đường ngược chiều, chèn lên cả vỉa hè để lách đi. Đã vậy, nhiều người tham gia giao thông ở T.P Thái Nguyên không có thói quen quan sát biển báo, biển chỉ dẫn, vạch kẻ giao thông, đèn tín hiệu để thực hiện theo quy định nên mới dẫn đến tình trạng người rẽ xuôi, người quay ngược tạo ra các xung đột giao thông không đáng có. Trên cầu Gia Bảy từ phía huyện Đồng Hỷ sang trung tâm T.P Thái Nguyên có cắm biển cấm rẽ trái trong giờ cao điểm (từ 16 giờ đến 19 giờ), nhưng gần như không ai để ý và đều rẽ trái gây cản trở giao thông. Chỉ khi lực lượng chức năng đứng ra giữa đường giơ hiệu lệnh yêu cầu rẽ phải, các phương tiện mới chấp hành.
Trước thực trạng này cần thiết phải siết chặt công tác đào tạo, sát hạch lái xe, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của các chủ phương tiện. Xử phạt thật nặng những trường hợp vi phạm các lỗi liên quan đến chấp hành quy định giao thông, cần thiết cho đi học tập, bồi dưỡng lại kiến thức giao thông đường bộ.
Người tham gia giao thông không chỉ nắm và hiểu rõ luật mà còn phải tự thay đổi nhận thức, cách ứng xử của mình trên đường. Để có được ý thức tốt, phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, góp ý kịp thời cho người dân. Bên cạnh đó, người dân cũng cần đề cao tinh thần ủng hộ, giúp đỡ các lực lượng làm công tác quản lý giao thông. Muốn vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước của tỉnh, T.P Thái Nguyên cần cung cấp thông tin, tài liệu để người dân nhận thức đầy đủ về văn hóa giao thông, trách nhiệm với chính mình và cộng đồng. Giáo dục, tuyên truyền an toàn giao thông, văn hóa giao thông ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lứa tuổi, cấp học. Đưa giáo trình giao thông vào giảng dạy thường xuyên trong nhà trường, tuyên truyền thông qua các cuộc thi, hội diễn …
Tổ chức phân luồng khoa học, hợp lý
Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị T.P Thái Nguyên, bà Phạm Thị Kim Thoa cho rằng, với đô thị ngày càng phát triển, lưu lượng phương tiện ngày càng đông như hiện nay rất cần thành lập Trung tâm điều hành hệ thống giao thông. Trung tâm này phải được đầu tư hiện đại có thể theo dõi và điều tiết toàn bộ các cung đường, nút giao, nhất là những khu vực có xung đột giao thông lớn. Hiện tại, Chi nhánh Viettel Thái Nguyên đang tiến hành lắp đặt thí điểm camera quan sát tại một số tuyến đường chính của thành phố. Việc lắp camera giúp theo dõi và tiến hành phạt nguội đối với các phương tiện vi phạm, đồng thời khiến người tham gia giao thông nâng cao ý thức chấp hành quy định. Mặt khác, giúp điều hành một cách khoa học, đồng nhất hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên toàn địa bàn.
Còn theo ông Ngô Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, tiến tới thành phố phải tổ chức kết nối đồng bộ đèn tín hiệu đường sắt với đường bộ (tức là khi đường sắt báo đèn đỏ thì đường bộ cũng đồng thời báo đèn đỏ) để giảm ùn tắc tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ khi có tàu chạy qua.
Một số chuyên gia cho rằng, đã đến lúc thành phố nghĩ tới phương án tăng cường giao thông tĩnh, xây dựng các bãi đỗ xe công cộng để tránh trường hợp đỗ xe tràn dưới lòng đường. Việc phân luồng, cấm xe chở khách chạy trong nội thành của thành phố thời gian qua là đáng ghi nhận, song cũng nên có chế tài cấm các xe tải trọng lớn, xe quá khổ chạy trong nội thị vào các giờ cao điểm bởi thực tế chính các phương tiện này là nguyên nhân gây ùn tắc kéo dài.
Đối với các trường học, cần đặt biển cấm dừng, đỗ ô tô cách hai bên cổng trường khoảng 100m; tổ chức đi đường một chiều, có lối vào và lối ra riêng để tránh ùn tắc…