Cập nhật: Thứ sáu 08/12/2017 - 10:20

Những năm gần đây, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, số lượng các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) không ngừng tăng lên, chiếm hơn 40% trong tổng số HTX trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ các HTXNN hoạt động hiệu quả vẫn chưa nhiều. Xác định vai trò quan trọng của thành phần kinh tế hợp tác trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh ta đang tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng các HTX.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 190 HTXNN, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: Trồng và chế biến chè, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và dịch vụ nông, lâm nghiệp. Mặc dù chiếm số lượng khá lớn nhưng các HTXNN được đánh giá là vẫn chưa đủ mạnh, bởi quy mô còn nhỏ, chất lượng hoạt động chưa đồng đều, chưa hình thành được chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân chủ yếu là do đội ngũ cán bộ quản lý thiếu năng động, sáng tạo, trình độ còn hạn chế (hiện nay, hơn 60% số cán bộ HTX trên địa bàn tỉnh chưa qua đào tạo), chậm đổi mới nên không bắt nhịp với cơ chế thị trường. Cùng với đó, các HTX còn thiếu sự liên kết hợp tác trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hạn chế về nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh…

Trước những khó khăn của các HTX nói chung, HTXNN nói riêng, thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các HTX phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, như: Mở lớp tập huấn, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho các cán bộ HTX; xúc tiến thương mại và đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ; chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng... Cụ thể, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX, từ đầu năm 2017 đến nay, Chi cục Nông nghiệp - PTNT (Sở Nông nghiệp - PTNT) và Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức được gần 20 lớp tập huấn cho lãnh đạo và thành viên các HTX trên địa bàn tỉnh. Các nội dung tập huấn đa dạng, phong phú, như: Nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ HTX, bồi dưỡng chế độ kế toán mới, xây dựng chuỗi giá trị gắn với phát triển HTX, nghiệp vụ tin học…

Là một trong những học viên tích cực tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng dành cho HTX, anh Trần Văn Đảng, Giám đốc HTXNN xanh T&D Tức Tranh (Phú Lương) chuyên về lĩnh vực cây ăn quả, cho biết: Sau gần 7 tháng thành lập, tôi đã tham gia khoảng 7 lớp tập huấn do Chi cục Nông nghiệp - PTNT, Liên minh HTX tỉnh tổ chức. Từ kiến thức tại các khóa học, tôi đã có thể quản lý trang web của HTX và giao dịch với khách hàng dễ dàng hơn, những thông tin về thuế, kế toán giúp tôi hiểu và quản lý tốt hơn việc thu - chi, tính toán cũng như chỉ đạo, hỗ trợ nhân viên kế toán của HTX. Ngoài ra, tham gia các khóa học tôi có thêm nhiều người bạn mới đến từ các HTX khác nhau, chúng tôi cùng trao đổi kinh nghiệm làm ăn, thị trường tiêu thụ sản phẩm của HTX cũng nhờ đó được mở rộng. Hiện tại tôi đang điều hành tốt HTX với 11 thành viên, canh tác trên diện tích 20ha với đủ loại cây ăn quả và chè hữu cơ.

Bên cạnh trang bị kiến thức về kỹ thuật, tiếp sức về vốn thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh cũng được đánh giá là giải pháp thiết thực. Được thành lập từ năm 2009, đến nay, Quỹ đã ký kết hợp đồng hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi với 380 lượt khách hàng là các HTX, tổ hợp tác, thành viên các HTX trên địa bàn tỉnh. Lãi suất cho vay 6,3%/năm, thời gian vay tối đa là 5 năm, mức vay tối đa là 2 tỷ đồng. Doanh số cho vay đạt gần 101 tỷ đồng. Tổng số vốn cho vay đối với khu vực nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới chiếm 87%. Việc hỗ trợ vốn vay kịp thời đã giúp các HTX, tổ hợp tác tăng cường nguồn lực đầu tư, mở rộng sản xuất, tăng sức cạnh tranh của các mô hình kinh tế tập thể, đồng thời, ổn định đời sống thu nhập của thành viên và người lao động.

Đơn cử như HTX Miến Việt Cường (Đồng Hỷ) với vốn vay 500 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh (năm 2016), HTX đã có điều kiện để đầu tư dây chuyền sản xuất miến dong tự động thay thế sản xuất thủ công trước đây. Nhờ vậy, sản lượng và chất lượng miến tăng rõ rệt, đạt 20 tấn miến/tháng (gấp đôi so với sản xuất thủ công), thu nhập bình quân của người lao động đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng, doanh thu năm 2016 đạt 12 tỷ đồng.

Hay như THT sản xuất mỳ gạo Bảo Cường (Định Hóa), nay là HTXNN Bảo Cường đã tìm đến Quỹ từ năm 2014 và được vay với số vốn 150 triệu đồng để đầu tư xây dựng nhà xưởng, dàn phơi inox, máy xay sát gạo và máy đóng gói... Sau một thời gian ngắn, THT đã đi vào hoạt động ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho 4 thành viên và hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập đạt 4 triệu đồng/người/tháng. Nguồn vốn vay của Quỹ đã góp phần giúp nhiều HTX thoát khỏi khó khăn, vươn lên mở rộng sản xuất. Điều này thể hiện rõ rệt thông qua hiệu quả hoạt động của các đơn vị sau khi vay vốn. Cụ thể, doanh thu trung bình của các HTX tăng 25,7%; lợi nhuận tăng bình quân 20,5% qua các năm; giải quyết thêm khoảng 35% số lao động có việc làm với mức thu nhập tăng cao hơn trên 10%; nộp ngân sách nhà nước tăng 15,6%.

Nhằm góp phần đổi mới tổ chức quản lý, cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng nhân lực cho các HTX, vừa qua, UBND tỉnh đã ra quyết định, phê duyệt các HTXNN thực hiện mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX trên địa bàn tỉnh năm 2018. Theo đó, có 5 HTXNN trên địa bàn tỉnh được thực hiện hỗ trợ thí điểm với mức hỗ trợ tối đa là 3 lao động/HTX. Những lao động này về làm việc tại HTX, được Nhà nước hỗ trợ tiền lương hằng tháng bằng mức lương tối thiểu vùng được quy định với thời gian không quá 36 tháng. Đặc biệt, tháng 7-2017, Đề án “Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020” được xây dựng và phê duyệt với kinh phí trên 88 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực cho kinh tế HTX phát triển. Theo đó, các HTX, Quỹ tín dụng nhân dân thành lập mới đều được hỗ trợ từ 10 ttriệu - 30 triệu đồng/HTX (tùy số lượng thành viên), riêng với Liên hiệp HTX (gồm 4 HTX trở lên) được hỗ trợ 50 triệu đồng… Ngoài ra, Đề án còn đưa ra các mức hỗ trợ cụ thể cho các hoạt động xúc tiến thương mại; bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ và thành viên HTX; chính sách thu hút nguồn nhân lực; hỗ trợ ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ…

Trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Về phía Liên minh HTX tỉnh, chúng tôi luôn nỗ lực tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thành viên. Ngoài chú trọng công tác tư vấn, cung cấp thông tin và hướng dẫn các sáng lập viên xây dựng điều lệ hoạt động, phương án sản xuất, kinh doanh, chúng tôi sẽ tăng cường các biện pháp thẩm định, kịp thời tháo gỡ các HTX khó khăn về vốn, đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay… Để giữ vững vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, phát huy những mặt tích cực và hạn chế những tồn tại, thời gian tới, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và của tỉnh, thiết nghĩ, các HTXNN cần tăng cường hơn nữa sự liên doanh, liên kết nhằm tăng sức cạnh tranh trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; đa dạng hóa nhiều lĩnh vực hoạt động, góp phần tích cực vào hoàn thành các tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Thu Huyền