Cập nhật: Thứ tư 20/12/2017 - 10:44
Giống cam Vinh đã được nhiều hộ ở xóm Yên Ngựa, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) đưa vào trồng, cho hiệu quả kinh tế cao.
Giống cam Vinh đã được nhiều hộ ở xóm Yên Ngựa, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) đưa vào trồng, cho hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh coi chè là cây trồng thế mạnh để tập trung phát triển. Trong khi đó, tại huyện vùng cao Võ Nhai, việc mở rộng diện tích và đa dạng hóa các loại cây ăn quả đang trở thành một xu thế rõ nét. Với tiềm năng về đất đai và đầu ra cho sản phẩm khá thuận lợi, người dân địa phương tích cực đưa các loại cây ăn quả giống mới vào trồng, từ đó thu được lợi nhuận cao...

Diện tích tăng nhanh…   

Gia đình bà Nguyễn Thị Nga, ở xóm Lò Gạch, xã Tràng Xá (Võ Nhai) hiện có trên 200 cây bưởi Diễn, bưởi Hoàng cho thu hoạch, mang lại nguồn thu khoảng 200 triệu đồng/năm. Là một trong những hộ sớm đưa cây bưởi về trồng tại địa phương, thấy phù hợp với thổ nhưỡng và tiêu thụ sản phẩm khá dễ dàng nên gia đình bà ngày càng mở rộng diện tích. Bà Nga phấn khởi cho biết: Do hợp đất nên cây bưởi phát triển tốt lắm, quả đẹp, dễ bán mà lại được giá. Nhà tôi vừa trồng thêm 200 cây bưởi trên 8 sào ruộng trước đây chỉ cấy được một vụ lúa…

Cùng ở xã Tràng Xá, gia đình ông Nguyễn Trọng Hóa, xóm Cầu Nhọ, cũng có hơn 200 cây bưởi Diễn đang cho thu hoạch, ngoài ra còn có hàng chục cây bưởi Hoàng, bưởi da xanh. Với diện tích vườn bưởi này, trước đó gia đình ông đã từng trồng nhiều loại cây khác nhau nhưng lợi nhuận đều thấp. Giống như nhiều hộ khác trong vùng, gia đình ông Hóa đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng bưởi…

Trước kia, xã Tràng Xá được xác định là một trong những vùng trọng điểm về cây lương thực của huyện Võ Nhai. Nhưng mấy năm gần đây, nhiều diện tích trồng ngô, vườn tạp và cả một phần ruộng cấy lúa một vụ (24ha) đã được người dân chuyển sang trồng cây ăn quả. Từ một vài hộ trồng nhỏ lẻ mang tính thử nghiệm, đến nay cả xã đã có trên 200ha cây ăn quả với những giống có tiềm năng cho hiệu quả cao như: Bưởi diễn, bưởi hoàng, cam và nhãn. Do hợp thổ nhưỡng và chọn giống tốt nên sản phẩm bưởi Tràng Xá ngày càng được người tiêu dùng ở nhiều nơi ưa chuộng. Nhiều vườn bưởi được các thương lái đặt hàng trước mùa thu hoạch và đến tận nơi thu mua. Từ trồng bưởi và một số loại cây ăn quả khác, nhiều hộ dân trong xã có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Từ lâu, sản phẩm na La Hiên đã được nhiều người biết đến bởi chất lượng nổi trội so với nhiều vùng trồng na khác. Do giá trị từ cây na cao hơn hẳn so với cấy lúa và những loại cây truyền thống nên có thời điểm, người dân La Hiên đã ồ ạt mở rộng diện tích. Bà con không chỉ trồng na trên các đồi bãi, chân núi đá mà còn cải tạo hàng chục ha ruộng cấy lúa để trồng loại cây này. Theo Bà Vi Thị Bích Liên, Chủ tịch UBND xã La Hiên, tổng diện tích trồng na của xã hiện là khoảng 230ha, trong đó có 200ha đang cho thu hoạch mang lại nguồn thu cho người dân khoảng 40 tỷ đồng/năm. Ngoài cây na, vài năm gần đây, người dân trong xã cũng tích cực trồng mới các loại cây ăn quả khác với diện tích hiện vào khoảng 80ha. Cây ăn quả đang là thế mạnh của xã, giúp nhiều hộ dân vươn lên khá giả.

Cũng như Tràng Xá, La Hiên, người dân các xã: Lâu Thượng, Phú Thượng, Dân Tiến, Phương Giao, Bình Long và thị trấn Đình Cả cũng đã và đang phát triển mạnh diện tích trồng các loại cây ăn quả (na, bưởi, cam, quýt, nhãn, ổi…), từng bước hình thành những vùng chuyên canh. Theo thống kê mới nhất, tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện Võ Nhai là trên 1.100ha (tăng 300ha so với năm 2015), trong đó có 645ha đang cho thu hoạch. Với tiềm năng về đất đai còn lớn, người dân Võ Nhai vẫn tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây ăn quả các loại.

... Nhưng cần tính đến yếu tố bền vững

Hiện trạng phát triển cây ăn quả trên địa bàn huyện Võ Nhai những năm qua  phù hợp với chủ trương của huyện, của ngành Nông nghiệp về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những giống mới có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tiềm năng của địa phương vào sản xuất. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay của Võ Nhai có thể thấy việc phát triển cây ăn quả còn thiếu những yếu tố bền vững. Chuyện được mùa mất giá trong sản xuất nông nghiệp đã xảy ra ở nhiều nơi và cũng không còn xa lạ với người dân một số vùng của huyện. Nhiều người trồng vải thiều, mơ và mới đây là bí đỏ ở Võ Nhai đã ngậm ngùi nuốt “trái đắng” vì sản phẩm làm ra không có người mua, hoặc phải chấp nhận bán với giá rẻ mạt. Một số loại cây ăn quả hiện được trồng phổ biến ở Võ Nhai thì nhiều nơi ở cả trong và ngoài tỉnh cũng đang phát triển mạnh. Vì thế, dù đầu ra cho những sản phẩm cây ăn quả chủ lực của Võ Nhai hiện vẫn khá tốt, chưa có áp lực lớn nhưng người nông dân trên địa bàn cũng bắt đầu cảm nhận thấy những khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Hà, một người dân xóm La Đồng, xã La Hiên, nói: Nhà tôi thu hoạch được khoảng 10 tấn na mỗi năm, có vụ bán tốt nhưng có vụ đứng ngồi không yên vì thời vụ thu hoạch ngắn, thời tiết không thuận lợi lại thường bị tư thương ép giá… Việc tiêu thụ quả bưởi, nhiều người dân xã Tràng Xá cho biết, giá bán mặt hàng này mỗi năm lại giảm đi một chút. Cùng trồng bưởi ở xã nhưng có gia đình không đủ hàng để bán trong khi một số hộ lại vất vả tiêu thụ do thiếu năng động hoặc mẫu mã, chất lượng sản phẩm kém dù bán với giá thấp hơn mặt bằng.

Theo ông Đặng Văn Đức, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai, việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn về cơ bản vẫn chưa có quy hoạch rõ ràng. Tư tưởng làm ăn tự phát, làm theo phong trào còn phổ biến dẫn đến một số nơi người dân mở rộng diện tích trồng cây ăn quả ồ ạt, thiếu tính toán và cân nhắc về điều kiện thổ nhưỡng cũng như đầu ra. Cùng với đó, trình độ thâm canh, việc áp dụng kỹ thuật và liên kết trong sản xuất của người dân còn hạn chế dẫn đến chất lượng, giá trị sản phẩm nhìn chung chưa cao. Dù diện tích trồng cây ăn quả lớn và đã hình thành một số vùng chuyên canh nhưng cả huyện Võ Nhai mới chỉ có 2 tổ hợp tác và 2 hợp tác xã trong lĩnh vực này, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa đáng kể.

Đến nay, các sản phẩm cây ăn quả của huyện Võ Nhai, kể cả na La Hiên hay bưởi Tràng Xá vẫn chưa xây dựng được thương hiệu riêng để khẳng định uy tín trên thị trường. Hầu như chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Vì thế, người dân vẫn chủ yếu tiêu thụ theo kiểu mạnh ai nấy làm, phụ thuộc nhiều vào thương lái…

Dù còn những hạn chế nhưng rõ ràng, việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn huyện Võ Nhai đã mang lại hiệu quả rất tích cực, góp phần phát huy thế mạnh của địa phương và cải thiện đời sống người dân vùng cao. Tuy nhiên, người nông dân không thể mãi chạy theo số lượng mà thiếu đầu tư thâm canh, thiếu sự năng động và khả năng tiêu thụ sản phẩm bởi sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đầu tư hạ tầng, quy hoạch rõ ràng, liên kết sản xuất, tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm… là những vấn đề mà người trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện cần sự định hướng, hỗ trợ tích cực hơn nữa từ các cấp, ngành liên quan.

Trần Quyền