- Theo Điều 6, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: Hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng, trường hợp gây ra tai nạn thì sẽ nâng lên từ 2 - 4 tháng. - Từ đầu năm đến nay, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã lập biên bản xử lý 720 trường hợp vi phạm Luật Giao thông trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Trong đó, có 371 trường hợp lái xe mô tô, xe máy đi vào đường cao tốc, tước 371 giấy phép lái xe; 20 trường hợp vi phạm dừng đòn, trả khách trên đường cao tốc... |
Có mặt tại nút giao Thịnh Đán trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào chiều 19-12, chúng tôi không khỏi rùng mình khi chứng kiến hàng loạt xe máy lao vun vút trên đường. Nguy hiểm hơn, nhiều lái xe không đội mũ bảo hiểm, chở hàng cồng kềnh, thậm chí đi ngược chiều xen giữa những phương tiện cơ giới khác. Ông Nguyễn Duy Phong, người dân ở tổ dân phố số 1, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) cho biết: Từ khi cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đi vào hoạt động đến nay, tình trạng xe máy đi vào tuyến đường này diễn ra khá phổ biến nhưng rất ít khi thấy có lực lượng cảnh sát giao thông đến xử lý. Còn Anh Trần Văn Vũ, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) thì ngán ngẩm: Mỗi lần lái xe ô tô đi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên là tôi lại có cảm giác bất an, nơm nớp nỗi lo xảy ra tai nạn vì xe máy đi vào tuyến đường này khá nhiều.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để đảm bảo an toàn giao thông trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đơn vị quản lý, khai thác tuyến đường là Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng công trình Bắc - Nam đã bố trí nhân viên thường xuyên túc trực tại các nút giao 24/24 giờ để cảnh cáo và chặn không cho xe máy đi vào cao tốc. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cố tình vi phạm. Chị Nguyễn Thị Nguyên, nhân viên Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng công trình Bắc - Nam làm nhiệm vụ chốt chặn tại nút giao T.P Sông Công cho biết: Khi thấy có phương tiện xe máy từ xa chuẩn bị đi vào cao tốc là chúng tôi đã tuýt còi và ra tín hiệu ngăn cản nhưng chỉ có một số ít người quay lại. Còn lại hầu hết đều bất chấp lao thẳng vào cao tốc khiến chúng tôi bất lực. Chúng tôi chỉ có chức năng nhắc nhở, không thể xử lý vi phạm.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh), từ đầu năm 2017 đến nay, trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông (tăng 11 vụ so với năm 2016); làm chết 7 người (tăng 7 người); bị thương 15 người (tăng 11 người). Trong đó, có 2 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết 2 người do xe máy đi vào cao tốc gây ra. Điển hình là vụ tai nạn xảy ra vào hồi 2 giờ 45 phút ngày 5-11, tại Km55 cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, thuộc địa phận xóm Đồng Tiến, xã Tân Quang (T.P Sông Công). Vào thời điểm nói trên, anh Đồng Hữu Dương, sinh năm 1986, trú tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) điều khiển xe máy BKS 29 S6-142.82 theo hướng Hà Nội - Thái Nguyên đến Km55 thì đâm va với xe ô tô BKS 28C-041.79 do anh Cao Sinh, sinh năm 1981, trú tại tiểu khu 1, thị trấn Lương Sơn (Hòa Bình) điều khiển theo hướng ngược lại. Vụ tai nạn đã khiến người điều khiển xe máy là anh Đồng Hữu Dương tử vong và anh Cao Sinh bị thương nặng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do người điều khiển xe máy đi vào đường cấm nên đã gây ra vụ tai nạn. Mới đây, dư luận còn chưa hết bàng hoàng trước sự việc Trung tá Trần Văn Vang, cán bộ Cục Cảnh sát giao thông đường bộ (Bộ Công an) khi đang làm nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên thì bị 2 đối tượng đi xe máy đâm tử vong.
Đại úy Nguyễn Nam Hưng, Phó đội trưởng Đội Tuyên truyền và xử lý vi phạm, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cho biết: Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được thiết kế với tốc độ cho phép tối đa lên đến 100km/h nên việc xe máy vào cao tốc là hành vi hết sức nguy hiểm. Nếu xảy ra tai nạn sẽ rất nghiêm trọng. Theo quy định, việc tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát giao thông. Tuy nhiên, do việc tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm chưa được thường xuyên nên vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh tình trạng xe máy vô tư đi vào cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, thời gian gần đây, tình trạng xe tô tô khách dừng, đỗ đón, trả khách sai quy định cũng diễn ra khá phổ biến trên tuyến đường này. Khoảng 1 năm nay, tại khu vực nút giao Thịnh Đán đã hình thành một “bến xe” tự phát hoạt động vô cùng tấp nập. Trước thực trạng nêu trên, thiết nghĩ, để từng bước hạn chế những vi phạm trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đặc biệt là hành vi điều khiển xe máy đi vào cao tốc, lực lượng Cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương cần tăng cường phối hợp, kiểm soát và xử lý thật nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ nhằm tạo sức răn đe, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân khi tham gia giao thông trên đường này.