Cập nhật: Thứ sáu 05/01/2018 - 08:08
Trung bình mỗi ngày, có hàng nghìn lượt người, trong đó có một tỷ lệ không nhỏ là học sinh đi lại trên cầu Mỹ Sơn.
Trung bình mỗi ngày, có hàng nghìn lượt người, trong đó có một tỷ lệ không nhỏ là học sinh đi lại trên cầu Mỹ Sơn.

Hơn 50 năm qua, hàng nghìn người dân tổ dân phố Mỹ Sơn, thị trấn Hương Sơn và các xóm lân cận của xã Tân Hòa (Phú Bình) ngày ngày vẫn phải đi trên cây cầu rộng 1,5m và không có lan can bắc qua sông Đào. Không biết bao nhiêu vụ tai nạn của người và gia súc đã xảy ra trên chiếc cầu này, trong đó đã có trường hợp tử vong.

Ông Dương Văn Ngưỡng, năm nay đã 85 tuổi, 62 năm tuổi Đảng - một trong số những nạn nhân bị ngã từ trên cầu xuống sông gần đây nhất (ngày 21-12-2017) kể với chúng tôi: Hôm đó khoảng 18 giờ, tôi đi chợ mua ít hoa quả để vào giỏ xe đạp đằng trước. Khi đến giữa cầu thì thấy một cháu học sinh đi từ đầu kia lại. Sợ tránh nhau trên cầu nguy hiểm cho cả hai nên tôi đã dừng lại và chống chân. Không may, tôi bị trượt chân và lao đầu xuống sông. Hôm đó nước sông cạn, nhưng may giữa lòng sông vẫn còn khoảng 20cm nước và chỗ tôi ngã không có đá nên tôi chỉ bị rách một ít ở đầu, phải khâu 3 mũi và nằm viện 1 tuần thì về nhà. Vì ngã chúi đầu xuống bùn nên sức nặng của cơ thể bị dồn nén khiến toàn thân tôi đến giờ vẫn đau nhức ê ẩm. Đây là lần thứ hai tôi bị ngã từ cầu xuống, lần trước là cách đây 3 năm. Lần đó, cũng vào mùa rét, sông đầy nước nên tôi không bị thương gì và may bám được vào bụi cỏ. Là người sinh ra và lớn lên ở đây, tôi hiểu hơn ai hết nỗi khổ và lo lắng của người dân đối với cây cầu. Vì thế, tôi tha thiết đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, đầu tư xây mới cho xóm cây cầu khác để thay thế cây cầu tiềm ẩn đầy nguy hiểm này.

Cho xe dừng lại tại một hộ dân bán hàng ở đầu bên này cầu, khi biết chúng tôi là nhà báo nên nhiều hộ dân đã rủ nhau đến để “phản ánh”. Anh Nguyễn Văn Phượng, người mới xây nhà ở gần đầu cầu được hơn 3 năm cho biết: Tính cả ông Ngưỡng, đến nay, tôi đã tham gia cứu được 6 người bị ngã từ cầu xuống sông. Nếu hôm đó, ông Ngưỡng không được những người dân xung quanh cứu giúp kịp thời thì có lẽ đã chết vì ngạt bùn. Còn anh Đoàn Xuân Biên, người có hơn 10 năm sống ở đầu cầu thì bảo: “Tôi không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần tham gia cứu người ngã từ cầu xuống sông”. Chỉ tính riêng hơn 1 tháng gần đây, đã có 3 trường hợp bị ngã. Cũng bởi sự thường xuyên đó nên anh Biên đã tự trang bị 1 cây sào và 1 dây thừng để lúc cần thiết sẽ dùng để kéo người, kéo xe lên. Anh Biên cũng bảo: Mấy hộ chúng tôi ở đây ăn kẹo, ăn cam của những người được cứu nhiều lắm rồi. Nếu không có chúng tôi thì không biết có bao nhiêu người đã thiệt mạng.

Tiếp lời ông Biên, một số người dân hàng xóm còn kể cho chúng tôi nghe trường hợp cách đây hơn 3 năm có một người làng bên đã chết do rơi từ cầu xuống sông. Tối đó, người này đi ăn cỗ về qua cầu thì lao cả người cả xe xuống sông. Dù một số người dân sống quanh đó biết có người gặp nạn nhưng do trời tối, lại vào mùa rét nên mọi người đã không cứu được người đó. Sáng hôm sau mới tìm thấy xác người xấu số. Nhiều người dân cũng tỏ rõ sự lo lắng: Đáng ngại nhất là các cháu học sinh. Với bản tính hiếu động, có khi còn trêu đùa nhau hoặc chưa ý thức được phải nhường nhau trên cầu nên rất nguy hiểm. Nhất là vào trời tối. Cứ khi nào các cháu đi về đến nhà mới yên tâm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Lợi, Bí thư Chi bộ xóm Mỹ Sơn cho biết: Cây cầu này được làm từ năm 1960. Ban đầu, nó chỉ rộng khoảng 1m, mặt cầu được làm từ cây tre. Đến năm 1994, người dân trong xóm sửa lại mặt cầu, thay bằng những tấm bê tông rộng khoảng 1,5m nhưng vẫn giữ nguyên khung cầu cũ. Do chân cầu được làm bằng những thanh thép nên qua thời gian, lại bị nước sông ăn mòn nên phần chân cầu bị ngập nước giờ còn nhỏ xíu, chỉ cần đập mạnh là có thể gẫy. Xóm có hơn 90 hộ dân, nằm chủ yếu ở bên kia sông, nhưng lại có đến 80% đất nông nghiệp của bà con canh tác ở bên này sông nên ngày ngày, người dân trong xóm phải đi qua cầu để cấy trồng cũng như mua bán, giao dịch với thị trấn, huyện. Không chỉ có người dân trong xóm, người dân của nhiều xóm ở xã Tân Hòa ngày ngày đi lại trên cầu này cũng rất đông vì con đường liên xã chạy thẳng qua cầu.

Không chỉ xảy ra với người, nhiều trâu, bò qua đây cũng trượt chân rơi xuống sông, có con què cả hai chân, làm thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho người dân. Dẫu là vậy nhưng người dân vẫn lựa chọn cây cầu này mỗi khi muốn qua sông vì nếu không họ lại phải đi xuôi xuống hơn 2km để qua cầu Thanh Lang (xã Tân Hòa) rồi lại lộn lên, rất bất tiện. Trước thực tế này, xóm đã có nhiều lần kiến nghị với lãnh đạo huyện nhưng đến giờ vẫn chỉ là những lời hứa.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: Dự án xây cầu cứng Mỹ Sơn đã được đưa vào danh mục các công trình đầu tư công trung hạn của Phú Bình giai đoạn 2017-2020. Dự kiến sẽ khởi công năm 2019. Trong trường hợp bố trí được nguồn, huyện sẽ cho khởi công sớm hơn.

Tuy nhiên, từ nay đến lúc cầu mới được khởi công và đưa vào sử dụng cũng vẫn sẽ được tính bằng năm. Vì thế, để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và gia súc khi qua cầu, UBND huyện Phú Bình cần có các giải pháp khắc phục tạm thời, mà trước hết là cho kiểm tra độ an toàn của cây cầu vì hiện cầu đã xuống cấp nghiêm trọng; làm hành lang cho cầu; cắm thêm những biển cảnh báo để người dân nâng cao ý thức chấp hành, nhất là đối với những người ở nơi khác tới…

Thu Hằng - Ánh Ngọc