Tân Linh giờ đã đổi thay rất nhiều khi hàng chục km đường lên xã, liên xóm trên địa bàn xã đã được bê tông. Hai bên đường, những ngôi nhà xây đã được dựng lên khang trang, sạch đẹp. Điều chúng tôi ấn tượng nhất là dù đã bước sang đông nhưng những đồi chè ở Tân Linh vẫn trổ búp xanh mơn mởn.
Được coi là một trong những “vựa” chè lớn của huyện với gần 600ha chè, từ lâu cây chè đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân nơi đây. Năm nay, năng suất chè của xã đạt gần 110 tạ/ha, tăng hàng chục tạ/ha so với 5 năm trước. Sản lượng chè vì thế cũng tăng cao, dự ước đạt trên 6.500 tấn. Để nâng cao giá trị thu được từ cây chè, xã đã tích cực tuyên truyền, triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi giống chè. Nhờ đó, người dân trong xã đã thay đổi tư duy và tích cực chuyển đổi từ chè trung du già cỗi sang trồng chè giâm cành. Hiện nay, toàn xã có gần 50% diện tích là các giống chè giâm cành. Bên cạnh đó, một số hộ dân đã mạnh dạn sản xuất chè theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) để tạo ra sản phẩm chè an toàn với giá bán cao. Xã có hơn 40ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, giá bán chè cũng tăng hơn từ 50.000 đến 80.000 đồng/kg chè búp khô (giá bán chè bình quân của xã hiện đạt khoảng 150 đến 250 nghìn đồng/kg), trung bình mỗi ha chè ở đây cho thu nhập gần 300 triệu đồng/năm. Từ phát triển sản xuất chè theo hướng an toàn, hiệu quả, nhiều hộ dân trong xã đã có thu nhập 150 triệu đồng/năm trở lên như gia đình bà Trần Thị Lụa, xóm 3. Trước kia, mặc dù gia đình bà Lụa có tới 7 sào chè, nhưng đều là giống chè trung du nên năng suất thấp, giá bán cũng chẳng được bao nhiêu. Năm 2010 bà đã chuyển toàn bộ diện tích sang trồng chè giâm cành. Giờ đây, 7 sào chè của gia đình bà liên tục cho năng suất từ 20-25 kg/sào/lứa, giá bán đạt 180.000-200.000 đồng/kg, cao hơn gấp 2 lần giống chè cũ. Nhờ thế, mỗi năm gia đình bà thu nhập từ chè đạt trên 120 triệu đồng, cuộc sống trở nên khấm khá. Ngoài gia đình bà Lụa, xã có nhiều hộ cũng giàu lên nhờ biết thâm canh cây chè như gia đình ông Hoàng Văn Thành, xóm 5; ông Đào Như Hoạt, xóm 6; ông Nguyễn Văn Hoạch, xóm 10…
Không chỉ tập trung phát triển cây chè, người dân Tân Linh còn tích cực phát triển kinh tế đồi rừng. Trung bình mỗi năm trồng mới từ 20 đến 30ha rừng, đến nay, xã đã có khoảng 1.000ha rừng sản xuất, với loại cây chủ lực là keo lai. Với trên 1.300 hộ dân, Tân Linh có tới 80% hộ dân có đất rừng. Đến nay, khoảng 50% diện tích rừng đã được khai thác. Do đường giao thông đi lại thuận lợi hơn trước nên giá mỗi ha rừng lên tới trên 100 triệu đồng/ha. Anh Vũ Văn Nguyên, một người dân ở xóm 1 nói: Thu nhập từ rừng đã giúp chúng tôi có một khoản tiền lớn để xây dựng nhà cửa, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt trong gia đình và có tích lũy.
Bên cạnh phát triển kinh tế đồi rừng, Tân Linh còn là địa phương có khá nhiều trang trại chăn nuôi. Hiện tại, trên địa bàn xã có 10 trang trại chăn nuôi lợn, gà và hàng chục gia trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ. Đến thời điểm này, xã có trên 3.000 con lợn và hơn 10.000 con gia cầm các loại. Việc phát triển các trang trại chăn nuôi đã giúp một số hộ dân xã Tân Linh nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và đang trở thành hướng phát triển kinh tế hiệu quả. Hiện nay, xã đang tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mở rộng quy mô, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại tập trung. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích các hộ phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm ổn định đầu ra, nâng cao chất lượng sản phẩm, dần hướng đến phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, có giá trị cao.
Anh Đinh Văn Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Đời sống của người dân Tân Linh đã được cải thiện rất nhiều so với 5 năm trước. Năm 2017, dự ước thu nhập bình quân đạt trên 20 triệu đồng/người/năm, tăng khoảng 2% so với năm ngoái. Theo đó, số hộ nghèo giảm khoảng 3,5% so với năm trước…
Đời sống vật chất của người dân từng bước được cải thiện là tiền đề để xã Tân Linh thực hiện tốt hơn Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, địa phương đã hoàn thành 15/19 tiêu chí. Anh Tuyến cho rằng: Tân Linh đang có nhiều cơ hội trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khi hiện nay, hệ thống giao thông nông thôn của xã đã tiếp tục được bê tông hóa; mạng lưới điện đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến chè của người dân. Riêng trong năm nay, xã đã bê tông hóa được trên 4km đường ở các xóm 3, 4, 5, 6, 11, 12, tạo điều kiện cho việc đi lại, làm ăn của người dân…