Cập nhật: Thứ ba 30/01/2018 - 08:09
Truyền thông về công tác dân số - KHHGĐ cho người dân, công nhân ở xã Tiên Phong (thị xã Phổ Yên)
Truyền thông về công tác dân số - KHHGĐ cho người dân, công nhân ở xã Tiên Phong (thị xã Phổ Yên)

Là địa phương có khu công nghiệp với nhiều nhà máy, công ty đóng chân, thị xã Phổ Yên đang có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Tuy vậy, sự gia tăng và biến động dân số cơ học từ quá trình này đang gây ra nhiều khó khăn cho công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tại địa phương.

Vài năm trước đây, phường Đồng Tiến (thị xã Phổ Yên) chỉ có dân số khoảng 5.000-6.000 người. Tuy vậy, từ khi có Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên đóng chân trên địa bàn, dân số thực tế của địa phương đã tăng gấp hơn 4 lần. Điều này đã làm gia tăng áp lực đối với công tác dân số ở xã. Bác sĩ Phạm Hồng Ngọc, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đồng Tiến cho biết: Khó khăn lớn nhất là việc quản lý dân nhập cư. Họ không chỉ là công nhân các nhà máy mà còn có nhiều lao động tự do, người kinh doanh dịch vụ… đến ở tại địa phương với tâm lý “ở tạm” và thường xuyên di chuyển nơi ở. Vì vậy, việc tiếp cận để tuyên truyền cho nhóm đối tượng này về chính sách KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng dân số… gặp nhiều khó khăn.

Gắn bó với công tác dân số đã nhiều năm, nhưng chưa bao giờ bà Phạm Thị Thắng, cộng tác viên dân số tổ dân phố An Bình, phường Đồng Tiến lại bị áp lực như hiện nay. Hệ thống nhà trọ, nhà nghỉ mọc lên như nấm khiến việc đi lại, nắm bắt tình hình biến động dân số của bà ngày càng khó khăn. Bà Thắng chia sẻ: Ngày hôm trước tổ dân phố chỉ 100 công nhân thì hôm sau đã có thể tăng lên 150 hoặc 200 người. Có khi vừa vào sổ thống kê thì họ lại chuyển đi nơi khác nên việc thống kê, tuyên truyền rất hạn chế..

Bên cạnh đó, việc tiếp cận và tuyên truyền cho công nhân tương đối khó khăn. Bác sĩ Nguyễn Duy Hải, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tiên Phong (thị xã Phổ Yên) cho hay: Vì các công ty đa phần là doanh nghiệp nước ngoài, có dây chuyền sản xuất khép kín nên để tiếp cận công nhân phải qua rất nhiều tầng thủ tục phức tạp. Chưa kể đến công nhân đi làm ca, cộng tác viên dân số rất khó gặp được họ.

Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ thị xã Phổ Yên cho biết: Để khắc phục những khó khăn trên, chúng tôi đã chủ động lên phương án tổ chức chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản vào các ngày chủ nhật. Về phía địa phương, UBND thị xã Phổ Yên đã hỗ trợ thêm 118 triệu đồng, con số lớn gấp nhiều lần so với các địa phương khác, để chiến khai mở rộng chiến dịch tại các xã, thị trấn. Nhằm giảm áp lực cho các cộng tác viên dân số, Trung tâm đã bố trí thêm nhiều cộng tác viên tại Ký túc xá Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. Tuy vậy, trên thực tế, hiệu quả tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là công nhân chưa thực sự cao. Năm 2017, tỷ lệ số cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 64,84% (thấp hơn trung bình toàn tỉnh và giảm 2% so với năm 2018), trong đó, thấp nhất ở nhóm công nhân lao động. Bên cạnh đó, công nghiệp phát triển, việc làm được giải quyết, thu nhập tăng cũng khiến tâm lý muốn sinh nhiều con, phải có con trai trở nên phổ biến hơn ở nhiều gia đình, gây khó khăn cho công tác dân số - KHHGĐ.

Để khắc phục những khó khăn này, Trung tâm Dân số - KHHGĐ thị xã Phổ Yên đã xây dựng kế hoạch đề nghị phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh nhằm tổ chức các buổi tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ trong các nhà máy, công ty trên địa bàn; thực hiện phát thanh qua loa truyền thanh trong giờ ăn ca của công nhân; tăng cường phối hợp với Trung tâm Y tế và Bệnh viện Đa khoa thị xã đảm bảo hậu cần phương tiện tránh thai và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ…

Có thể nói, mục đích cuối cùng của phát triển công nghiệp là góp phần giải quyết việc làm cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, nếu không làm tốt công tác dân số thì quá trình công nghiệp hóa có thể sẽ phát sinh những mặt trái về y tế, văn hóa, giáo dục, an ninh trật tự… Vì vậy, để giảm áp lực về công tác dân số tại Phổ Yên, bên cạnh nỗ lực của địa phương thì Chi cục Dân số, Sở Y tế cần quan tâm, đầu tư hơn về con người, cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác dân số; huy động được sự vào cuộc của các công ty, nhà máy trong việc giải quyết các vấn đề về dân số; tăng cường hoạt động tuyên truyền, cung cấp các dịch vụ cho công nhân.


Khánh Huyền