Không khó bắt gặp việc người dân sử dụng thùng sơn cũ tại các khu chợ, các quầy hàng lưu động bán tại các chợ cóc. Ẩn sau một số quầy hàng là các thùng sơn tái sử dụng đựng thực phẩm trước khi được bày lên quầy bán hàng cho người tiêu dùng. Không chỉ có hàng bán dưa cà, đậu phụ mà một số cửa hàng bán đồ ăn, quán cơm bình dân cũng dùng thùng sơn tái sử dụng để đựng thức ăn, nước canh hoặc dùng chế biến thức ăn. Một số người hành nghề chế biến tinh bột cũng sử dụng khá nhiều thùng sơn để chế biến tinh bột bán ra thị trường.
Chị L.T.H, bán hàng tạp hóa tại phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) cho biết mình sử dụng thùng sơn để đựng dưa chua bán cho khách hàng vì thùng sơn này bền và tiện dụng. Chị cho biết, những thùng sơn này được chị mua lại của một số thợ sơn nhà trên địa bàn với giá từ 35.000 đồng đến 50.000 đồng/thùng. Còn bà N.T.M, làm nghề chế biến tinh bột nghệ ở phường Tân Thành (T.P Thái Nguyên) thì cho biết: Trong chế biến tinh bột thủ công, cần phải có nhiều thùng để lọc, lắng. Thùng sơn tái sử dụng bền và có giá rẻ hơn hẳn những thùng nhựa, thùng inox gia dụng bán trên thị trường nên tôi chọn để sản xuất tinh bột. Theo bà M, thùng sơn trước khi sử dụng sản xuất tinh bột đã được bà rửa sạch, không còn sơn dấu trên thùng.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Việc tái sử dụng thùng sơn hoặc thùng đựng vật phẩm công nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Dù có rửa sạch, trong vỏ thùng sơn hoặc thùng đựng vật phẩm công nghiệp còn tồn dư một số hóa chất như chất chống nhũ hóa, chống đông lắng. Chính vì vậy, quá trình tái sử dụng có thể gây thôi nhiễm chất bẩn, hóa chất mà cụ thể là các vi sinh vật, kim loại nặng từ sơn, thùng dầu gây phơi nhiễm và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người sử dụng. Nhẹ thì có thể khiến người dùng nhiễm khuẩn gây tiêu chảy. Lâu ngày, người sử dụng có thể mắc các bệnh nghiêm trọng về tiêu hóa, tim mạch, thần kinh và nguy cơ gây ung thư.
Luật An toàn thực phẩm quy định các thùng sơn, thùng đựng các chất công nghiệp không được phép tái sử dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm. Nếu các hộ sản xuất, kinh doanh tái sử dụng thùng sơn, thùng đựng các chất công nghiệp để chứa, đựng, chế biến thực phẩm có thể bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 78/2013/NĐ-CP, ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, cơ sở, hộ kinh doanh còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh đồng thời bắt buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Ông Lý Văn Cảnh cũng khuyến cáo các gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không nên sử dụng thùng sơn, thùng đựng các chất công nghiệp để chứa, đựng, chế biến thực phẩm. Khi phát hiện các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tái sử dụng thùng sơn, thùng đựng các chất công nghiệp, người dân có thể báo với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh hoặc các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương để xử lý.