Cập nhật: Thứ ba 13/03/2018 - 09:45
Sinh viên Lò Văn Thiếu.
Sinh viên Lò Văn Thiếu.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con tại bản vùng cao Noong Hẻo, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, nên cậu sinh viên Lò Văn Thiếu (người dân tộc Thái), sinh năm 1997, lớp Luật K13D, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) luôn phải nỗ lực hơn các bạn cùng trang lứa vì ngoài giờ đi học, lại phải kiếm tiền để lo cho mình và gia đình.

Đi học xa nhà ba cái Tết thì có đến haiTết gần đây, Thiếu phải ở lại Thái Nguyên để đi làm thuê (vì lương ngày Tết được trả cao hơn). Đêm giao thừa, trong khi mọi người được sum vầy bên gia đình, còn em phải ngồi rửa bát cho quán ăn đến 1h sáng. Thiếu bảo: “Tết được ở bên gia đình còn gì bằng, nhưng không quan trọng bằng việc kiếm tiền để trang trải cho bản thân và chữa bệnh cho mẹ”.

Gia đình Thiếu có năm anh chị em. Thiếu là con thứ hai. Tài sản có giá trị nhất của gia đình em là 2 sào ruộng. Năm 2011, tai họa ập đến gia đình em khi cả anh trai cả và em trai của Thiếu bị tai nạn lao động (trong đó có một người được hưởng trợ cấp tàn tật). Buồn hơn, đến năm 2017, mẹ lại phát hiện bị mắc ung thư vú, phải về Hà Nội truyền hóa chất thường xuyên. Bố em, tuy sức khỏe không tốt nhưng vẫn phải đi làm thuê ở Hà Nội để tiện chăm sóc vợ. Do bố mẹ đều không nói được tiếng Kinh nên cứ 20 ngày, Thiếu lại phải về Hà Nội để chăm sóc cũng như “phiên dịch” cho các bác sĩ. Bản thân Thiếu cũng bị sỏi thận nhưng em không chịu chữa trị mà để dành tiền lo cho mẹ. Hai em gái Thiếu đều còn nhỏ (một em học lớp 9, một em mới 2 tuổi).

Ý thức được hoàn cảnh gia đình, Thiếu bắt đầu kiếm tiền phụ giúp bố mẹ từ năm lớp 7 và luôn nỗ lực trong học tập với quyết tâm bước chân vào giảng đường đại học. Và ước mơ đó đã được hiện thực hóa, nhưng cuộc sống xa nhà càng khiến em phải nỗ lực hơn rất nhiều. Từ khi trở thành sinh viên, Thiếu vừa đi học, vừa phải đi làm thêm với nhiều công việc khác nhau như: chạy bàn, rửa bát thuê… Tâm sự với chúng tôi, Thiếu nghẹn ngào:“Em muốn trở thành cán bộ ngành Tư pháp hoặc là điều tra viên nhưng với hoàn cảnh của em và gia đình bây giờ, không biết ước mơ đó có thành hiện thực được không?”

Ở trường, Thiếu được thầy cô, bạn bè nhận xét là người sống có trách nhiệm, nhiệt tình, hòa đồng và chăm chỉ học tập nên được mọi người quý mến. Kết quả hai năm học tập của em đạt loại Khá (2.45) và không nợ môn nào. Bạn Đỗ Thị Như Quế, sinh viên cùng lớp nhận xét: “Trong các công việc chung của tập thể, Thiếu luôn nhận hết việc nặng về mình. Tuy hoàn cảnh như vậy nhưng bạn ấy chưa bao giờ than vãn. Điều đó khiến em vô cùng cảm phục”.

Hằng ngày, Thiếu đi bộ khoảng 2,5km để đến chỗ làm thêm (ca làm từ 18h đến 23h) vì không có phương tiện đi lại. Với số tiền lương ít ỏi 1,5 triệu đồng/tháng, em để dành 1 triệu đồng để mẹ chữa bệnh, số còn lại, em tằn tiện chi tiêu cho bản thân. Cũng vì không có tiền nên em thường xuyên nhịn ăn bữa sáng, nhiều khi bữa trưa chỉ là gói mì tôm, còn bữa tối thì được ăn no ở chỗ làm.

Mấy ngày gần đây, câu chuyện nghị lực của em Thiếu đã khiến toàn Trường xúc động và cảm phục. Nhiều thầy cô và bạn bè đã quyên góp sách vở, quần áo để giúp đỡ em. Thầy Nguyễn Thái Sơn, Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Khoa học chia sẻ: “Tôi rất cảm phục nghị lực và ý thức vươn lên của Thiếu. Biết được hoàn cảnh khó khăn của em nên Nhà trường đã có những chính sách hỗ trợ dành cho em như: miễn giảm học phí; trợ cấp xã hội; miễn phí ở ký túc xá… Nhưng với hoàn cảnh quá khó khăn của gia đình em, tôi cũng mong, sẽ có nhiều tấm lòng nhân ái giúp đỡ em để em có thể vơi đi phần nào gánh nặng, có điều kiện tốt hơn trong việc học.

Mọi sự ủng hộ có thể gửi về Quỹ Khuyến học Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên, số tài khoản: 8500201005928 (Agribank Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên). Nội dung ghi rõ “Ủng hộ sinh viên Lò Văn Thiếu”.

Hà Quyên
(Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên)